Nuôi dê nhà sàn, cho ăn mít Thái, thảo dược, nông dân Hậu Giang tự tạo việc làm, tự trả lương cho mình

Hữu Khoa Thứ tư, ngày 22/11/2023 08:06 AM (GMT+7)
Nuôi dê sinh sản trên "nhà sàn", cho ăn bằng mít Thái, thảo dược, người dân ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang không tốn tiền mua thức ăn, không lo dê bị bệnh và có thêm thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Người dân nuôi dê sinh sản bằng mít Thái và thảo dược

Để nuôi dê sinh sản mà không tốn tiền mua thức ăn, người dân ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã tận dụng nguồn mít Thái có sẵn để cho dê ăn.

Nuôi dê sinh sản bằng mít thái cùng thảo dược, người dân Hậu Giang hết lo giá cả bấp bênh - Ảnh 2.

Ông Vàng ở Hậu Giang cho dê sinh sản ăn các loại mít Thái non, mít dạt. Ảnh: Hữu Khoa

Ông Lê Văn Vàng (60 tuổi) cho biết, ông đã quyết định đầu tư hơn 50 triệu đồng nuôi thử nghiệm 14 con dê sinh sản.

Những năm gần đây, vườn nhà của ông Vàng trồng mít Thái. Tận dụng trái mít xơ đen, mít non, mít dạt không bán được cho thương lái, ông đem cho dê ăn. Ngoài mít Thái, ông còn cho ăn cỏ và rau dại để phụ thêm.

Bà Trần Thị Nga (63 tuổi) cũng bắt đầu nuôi dê sinh sản. Bà Nga cho biết, bà nuôi tất cả 9 con dê sinh sản, với mức đầu tư ban đầu gần 50 triệu đồng.

Nuôi dê sinh sản bằng mít thái cùng thảo dược, người dân Hậu Giang hết lo giá cả bấp bênh - Ảnh 4.

Dù tuổi đã cao nhưng bà Nga vẫn có thể một mình chăm sóc đàn dê gần 10 con của mình. Ảnh: Hữu Khoa.

Trước đây, với 7.000m2 trồng mít Thái, cóc, chanh, chỉ cho bà Nga thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Giờ đây, bà muốn nuôi thêm dê sinh sản để có thêm thu nhập.

Cũng như ông Vàng, bà Nga cũng tận trái mít Thái xơ đen, trái mít non, mít dạt cho dê ăn để không tốn chi phí thức ăn. 

Đối với những lúc dê có biểu hiện bệnh, bà Nga cho dê ăn các loại cây thảo dược sẽ khỏi.

"Dê nuôi theo mô hình này ít khi mắc bệnh, thông thường hay bị ho và cảm do thời tiết thay đổi, chỉ cần xông chuồng, rồi cho uống hoặc ăn các loại cây thảo dược là sẽ khỏi" - bà Nga chia sẻ.

Nuôi dê trên "nhà sàn" giúp hạn chế dịch bệnh

Theo ông Nguyễn Văn Khai – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Tân, mô hình nuôi dê sinh sản được nhiều bà con ở địa phương áp dụng. 

Khác với các mô hình nuôi dê sinh sản ở địa phương khác, nông dân ở địa phương làm chuồng trên cao như cái "nhà sàn".

Nuôi dê sinh sản trên "nhà sàn", cho ăn mít Thái và thảo dược, người dân Hậu Giang có thêm thu nhập ổn định - Ảnh 3.

Người dân ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nuôi dê trên "nhà sàn". Ảnh: Hữu Khoa

Cụ thể, người dân thiết kế chuồng dê cao hơn mặt đất khoảng 1m. Vật dụng làm chuồng dê chỉ là các cây gỗ có sẵn trong vườn, phía trên lợp lá giúp chống nóng hiệu quả.

"Nuôi dê sinh sản dưới nền đất thường xuyên mắc bệnh, khó trị. Tuy nhiên, nuôi trên "nhà sàn" dê rất ít bệnh. Nguyên nhân là dê thích cao ráo, môi trường sống thông thoáng gần giống với môi trường sống tự nhiên" - ông Khai nói.

Theo ông Khai, bên dưới "nhà sàn", người dân thiết kế lưới giúp việc thu gom phân dễ dàng, hạn chế mùi hôi, nên không cần phải làm vệ sinh mỗi ngày. 

Phân dê sau khi thu gom được dùng làm phân bón cho cây giúp cải tạo đất hoặc bán cũng được 30.000 đồng/bao, giúp bà con có thêm thu nhập.

Nuôi dê sinh sản trên "nhà sàn", cho ăn mít Thái và thảo dược, người dân Hậu Giang có thêm thu nhập ổn định - Ảnh 4.

Người dân thiết kế chuồng dê cao hơn mặt đất khoảng 1m. Ảnh: Hữu Khoa

"Mô hình nuôi dê này rất khả quan, ít bệnh hơn so với nuôi dưới nền đất, giảm rất nhiều chi phí" - Ông Vàng chia sẻ.

Với cách làm trên, dê trưởng thành có thể đẻ được 3 lứa trong 2 năm. Hiện con giống từ 12-17kg có giá bán khoảng 140.000-145.000 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem