Nuôi ốc nhồi, hai ông nông dân Thái Bình nhàn tênh mà vẫn thu hàng trăm triệu

Thứ bảy, ngày 29/07/2023 18:47 PM (GMT+7)
Nhiều mô hình nuôi ốc nhồi (ốc bươu ta) được hình thành trên địa bàn tỉnh Thái Bình những năm gần đây đều mang lại thành công ngoài mong đợi. Điều đáng nói, nuôi ốc nhồi đầu tư ít nhưng cho hiệu quả cao.
Bình luận 0

Năm 2019, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi càn quét, để vực dậy kinh tế, ông Phan Văn Quang, thôn Quý Đức, xã Đông Xuyên (Tiền Hải, Thái Bình) chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi ốc nhồi. Sau khi dành thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp nuôi, ông đầu tư đào ao, mua con giống về thả trên diện tích 3.000m2.

Ông Quang chia sẻ: Ốc nhồi không phải giống thủy sản mới mà vốn tồn tại phổ biến trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ao, sông, đồng ruộng bị ảnh hưởng bởi hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nước thải công nghiệp khiến ốc mất môi trường sống tự nhiên, trở nên hiếm.

 Trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một lớn, kéo theo giá trị kinh tế mang lại cho người đánh bắt, nuôi tăng cao nên ốc nhồi dần trở thành đặc sản. Ốc nhồi có nhiều ưu điểm như có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước sạch là có thể nuôi tốt. 

Thức ăn chủ yếu có sẵn trong tự nhiên như bèo tấm, lá cây, các phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả thả trên mặt nước, không phải tốn tiền mua thức ăn nên đầu tư chi phí thấp... 

Sau lứa nuôi đầu tiên thất bại do nước nuôi bị ô nhiễm, tôi sử dụng chế phẩm vi sinh, vôi bột định kỳ xử lý môi trường ao nuôi hoặc khi thời tiết thay đổi. Nhờ đó ốc sinh trưởng khỏe, an toàn và cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tôi đã nhân rộng diện tích nuôi ốc thành 4 ao, mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Nuôi ốc nhồi, hai ông nông dân Thái Bình nhàn tênh mà vẫn thu hàng trăm triệu - Ảnh 1.

Sau khi chuyển từ nuôi lợn sang nuôi ốc nhồi, ông Phạm Bá Hoằng, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư, Thái Bình) có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Cũng như ông Quang, ông Phạm Bá Hoằng, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư) chuyển hướng nuôi ốc nhồi khi chăn nuôi lợn bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với 2 ao nuôi diện tích trên 1.000m2, mỗi năm ông Hoằng thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi ốc nhồi. 

Ông chia sẻ: Quá trình nuôi thả ốc nhồi diễn ra hoàn toàn tự nhiên, điều kiện nuôi tốt nhất trong môi trường nước ngọt, không bị nhiễm phèn, mặn hay nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian nuôi từ khi xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng, ốc có thể đạt kích cỡ 25 - 35 con/kg. Nếu nuôi thêm 2 tháng nữa ốc sẽ sinh sản. 

Thức ăn của ốc hoàn toàn là các sản phẩm rau, củ, quả sạch nên quanh ao, tôi tận dụng trồng các loại rau, cây ăn quả, vừa làm thức ăn vừa tạo bóng mát cho ốc trú ngụ. Trên mặt ao nuôi tôi sử dụng lưới đen chống nắng, quây một góc ao thả bèo để cân bằng môi trường nước. 

Tùy quy mô, mật độ, kích cỡ ốc nuôi, 2 - 4 ngày mới phải bổ sung thức ăn một lần. Đặc biệt, vào các tháng mùa đông ốc nhồi sẽ ít vận động nên không cần cung cấp thức ăn nhiều, liên tục. 

Đây được coi là giai đoạn ốc “ngủ đông” nên việc cung cấp thức ăn chỉ thực hiện ở mức độ vừa phải, hạn chế thức ăn dư thừa trong ao kết hợp với chất thải của ốc quá nhiều sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo ông Hoằng, ốc  nhồi ưa khí hậu nóng ẩm nên rất thích hợp với các vùng nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên, nếu nhân giống theo phương pháp tự nhiên thì tỷ lệ nở con đạt thấp. Vì vậy, sau khi ốc đẻ trứng, ông gom lại, cho vào tấm xốp, đặt trên giá có nước bên dưới, để vào góc ao râm mát và phun nước bảo đảm độ ẩm cho ốc nở đều. 

Sau khoảng 20 ngày, trứng ốc sẽ nở và ốc con tự bò xuống nước. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi khoảng 10 - 15 ngày là có thể xuất bán.

Ông Hoằng cho biết thêm: Quá trình nuôi, tôi thấy ốc thường gặp bệnh thiếu canxi do mật độ nuôi dày. Vì vậy, người nuôi ốc cần chú ý khâu chăm sóc, quan sát, theo dõi ốc hàng ngày, đặc biệt là phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường, giảm mật độ nuôi. 

Đối với ao nuôi, sau mỗi lần thu hoạch phải vệ sinh loại bỏ hết những con ốc bươu vàng còn sót lại để tránh việc chúng giành thức ăn với ốc nhồi.

Lợi thế của người nuôi ốc là không bị áp lực đầu ra thời vụ như những con nuôi khác, nếu chưa bán được vẫn nuôi tiếp chưa cần thu hoạch để chờ thời điểm thích hợp.

Tuy nhiên, do cung không đủ cầu nên ốc thương phẩm nuôi đến đâu được thương lái thu mua đến đó với giá bán ổn định từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, tùy kích cỡ ốc. So với các trang trại nuôi lợn hay gia cầm, nuôi ốc nhồi gần như không gây ô nhiễm môi trường nhưng lợi nhuận không kém.


Ngân Huyền (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem