Ông thương binh vào Đồng Tháp Mười khai hoang làm điều này khiến bà con “rốn phèn” nghe răm rắp

Trần Đáng Thứ năm, ngày 28/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Rời vị trí là trinh sát tỉnh đội Tiền Giang với tỷ lệ thương tật 4/4, ông thương binh Hai Xuân (Nguyễn Thanh Xuân, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) lại lao vào cuộc chiến mới khai hoang, vỡ đất Đồng Tháp Mười và trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nơi đây.
Bình luận 0

Còn nhớ, vụ lúa đông xuân 2018 - 2019, tôi về xem ông Hai Xuân trồng lúa. Vụ này, ông thương binh Hai Xuân trồng lúa thơm. Với năng suất khoảng 7 tấn/ha, ông thu hoạch được hơn 20 tấn lúa.

Ông thương binh vào Đồng Tháp Mười khai hoang làm điều này khiến bà con “rốn phèn” nghe răm rắp - Ảnh 1.

Ông thương binh Nguyễn Thanh Xuân (bìa trái, xã Thạnh An, Thạnh Hóa, Long An) vác lúa bán cho thương lái. Ảnh: Trần Đáng

Ông thương binh trồng lúa giỏi

Được hỏi vì sao không trồng lúa IR50404 như thường lệ và cũng không ký hợp đồng bán cho thương lái như trước? ông Hai Xuân lấp lững: "Đợi xem".

Vụ đó, trong khi lúa dội đồng, thương lái biệt tăm, nông dân trồng lúa khắc khoải, thì tại đồng ông Hai Xuân, đống lúa thơm 20 tấn cứ vơi dần khi nhân công chuyển xuống ghe cho thương lái. "Tự thương lái tìm đến kêu bán chứ tôi không gọi ai cả", ông Hai Xuân cười nói.

Theo ông Hai Xuân, ông đang có 5ha đất trồng lúa. Một phần số đất này ông khai khẩn từ năm 1991. Thời điểm đi khai hoang, trà lúa này tràm với cỏ năng um tùm. Nhổ tràm, năng bằng tay không xuể, ông Hai Xuân đành thuê máy cày vào làm. Mỗi lúc trở trời vết thương cứ đau âm ỉ, nhưng ông vẫn cắn răng khai khẩn từng vạt rừng. Đất mới vỡ, phèn chua nặng ông Hai Xuân lên liếp chỉ trồng được khoai mỡ.

Năm 1993, ông chuyển sang trồng khóm. Thời điểm đó, vùng đất này chưa có đê bao chống lũ, nên khi lũ xuống rẫy khóm của ông Hai Xuân chìm trong biển nước.

Ông thương binh vào Đồng Tháp Mười khai hoang làm điều này khiến bà con “rốn phèn” nghe răm rắp - Ảnh 2.

Với tinh thần "người lính Cụ Hồ", ông thương binh Hai Xuân đã bám trụ khai khẩn thành công đất hoang ở Đồng Tháp Mười để trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

Năm 1995, ông Hai Xuân bắt tay trồng lúa. Do phèn còn nặng nên lúa chết suốt mấy mùa. Đến khi Đồng Tháp Mười có kênh Trung ương việc xã phèn mới diễn ra nhanh hơn, lúa ít chết. Từ đây ông Hai Xuân mới trồng lúa suôn sẻ.

"Thời gian đó khổ lắm. Nhiều người không bám được đất đã trôi về quê. Khốn khó, cơ cực đủ thứ, nhưng gia đình tôi quyết bám trụ với đất", ông Hai Xuân bộc bạch.

Ông thương binh nghĩa tình

Về Thạnh Hóa, thi thoảng lại nghe bà con nông dân gọi ông Hai Xuân là "ông thương binh nghĩa tình".

Thấy bà con trồng lúa "một nắng, hai sương" nhưng khi có trong tay hạt lúa lại bị thương lái ép giá, ông rủ rê thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất.

Với vai trò Tổ trưởng tổ hợp tác, ông thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ bà con nông dân để chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng lúa. Ông lo ký kết hợp đồng mua vật tư nông nghiệp với giá hợp lý, tìm công ty bao tiêu đầu ra cho hạt lúa của nông dân. Hiện, Tập đoàn Lộc Trời đang bao tiêu đầu ra cho tổ hợp tác.

Lúc đầu tổ hợp tác chỉ có 30ha đất trồng lúa, giờ đã tăng lên 80ha với hơn 30 hộ nông dân tham gia. Ông Hai Xuân đang tính chuyển nâng tổ hợp tác lên hợp tác xã.

Ông thương binh vào Đồng Tháp Mười khai hoang làm điều này khiến bà con “rốn phèn” nghe răm rắp - Ảnh 4.

Ông thương binh Hai Xuân có công rất lớn để bê tông hóa cầu Phú An ở xã Thạnh An. Ảnh: Trần Đáng

Không chỉ lo việc trồng lúa cho bà con nông dân, ông Hai Xuân còn tìm cách hỗ trợ người dân ở địa phương cải thiện điều kiện sống.

Theo đó, xã Thạnh An là xã mới thành lập nên hệ thống giao thông chủ yếu là cầu khỉ, cầu ván và đường đất.

Thấy bà con vất vã giao thương, học hành, ông Hai Xuân đã phối hợp chính quyền địa phương đi vận động các tổ chức, doanh nghiệp kinh phí thay thế dần cầu cây.

Sau khi đó kinh phí, ông tiếp tục vận động người dân đóng góp công sức làm cầu bê tông nhằm giảm tối thiểu chi phí thi công.

Nhờ cách làm này mà ông Hai Xuân và mọi người đã xây dựng được cây cầu bê tông Phú An, tạo nên nét mới cho vùng quê nghèo khó này.

Cùng với làm cầu, ông Hai Xuân còn vận động kinh phí nâng cấp con đường đất liên ấp 2-3. Con đường này trước đây chỉ cần mưa xuống là trơn như bôi mỡ.

Cũng vì sống có nghĩa, có tình mà ông Hai Xuân rất có uy tín với bà con làng xóm.

Ông thương binh vào Đồng Tháp Mười khai hoang làm điều này khiến bà con “rốn phèn” nghe răm rắp - Ảnh 5.

Ông thương binh Hai Xuân (bìa phải) và các thành viên tổ hợp tác bàn chuyện liên kết trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

Chị Nguyễn Thị Thúy An, một người dân ở xã Thạnh An cho biết, bà con trồng lúa rất tín nhiệm ông Hai Xuân. Ông đã mạnh dạn cơ giới hóa trồng lúa để tăng năng suất. Tìm kiếm đầu ra, việc làm cho bà con để tăng thu nhập.

"Trước đây, đi lại trong xã rất khó khăn. Nhờ ông Hai Xuân bỏ tiền túi, vận động bà con đóng góp kinh phí làm cầu, làm đường nên đã góp phần cải thiện đáng kể giao thông ở địa phương", chị An thổ lộ.

Hiện ông Hai Xuân là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem