Phan Sào Nam và tín hiệu khai hoả

Vũ Lân Thứ tư, ngày 24/11/2021 15:03 PM (GMT+7)
Báo chí vừa rộ lên thông tin "Phan Sào Nam bị buộc quay lại nhà tù". Như vậy một trong những vụ việc tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đưa vào "tầm ngắm" đã ngay lập tức phát huy hiệu lực.
Bình luận 0

"Dĩ bất biến ứng vạn biến"

Tham ô, tham nhũng ở nước ta được Bác Hồ và Đảng ta ví như "giặc ngoại xâm", là "quốc nạn" đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở nước ta mấy năm qua đã được đẩy mạnh, "từng bước được đẩy lùi, ngăn chặn". Tuy nhiên, cái gốc của tham nhũng thì nhiều khi vẫn chưa được xác định chính xác, rõ ràng, cụ thể.

Sinh thời, Bác Hồ bao giờ cũng gắn liền căn bệnh tham ô với bệnh lãng phí và quan liêu. Người cho rằng, suy cho cùng, các căn bệnh này là do chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, muốn loại trừ nó, cán bộ, đảng viên phải "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", thực hành "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". 

Thời gian qua, nhiều vụ, việc tham nhũng, hối lộ và nhận hối lộ nhưng khi xét xử, vì "thiếu chứng cứ"  lại "biến tướng" thành tội phạm khác nhẹ hơn tội tham nhũng, hối lộ. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, các địa phương hành động thực chất là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để "vinh thân, phì gia" nhưng khi bị phát hiện, xử lý chỉ lại là tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng".

Nhiều văn bản rất quan trọng mang tính pháp quy mới ban hành cách đây một vài năm, thậm chí chưa có nghị định, thông tư cụ thể hóa, nhưng đã lạc hậu trước cuộc sống và có những kiểu "lách luật" rất tinh vi", mánh khóe.

Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 20/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 là một ví dụ.

Cái tên "Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN" từ khi được thành lập đến nay có vẻ không còn phù hợp nữa khi bấy lâu nay, Ban này đưa vào chỉ đạo, xử lý nhiều vụ việc không phải là tham nhũng, hối lộ?

Trước kia, có thời gian chúng ta dùng chữ "tham nhũng, lãng phí", nhưng "lãng phí" thì hẹp quá mà chỉ "phòng, chống tham nhũng" thì lại sót. Đã đến lúc cần mở rộng nội hàm, làm rõ căn nguyên và gốc gác của khái niệm "tham nhũng".

Phan Sào Nam và tín hiệu khai hoả - Ảnh 2.

Phan Sào Nam bị buộc phải chấp hành bản án bị tuyên trở lại sau khi được TAND tỉnh Quảng Ninh tha tù trước thời hạn. Ảnh: TTXVN

Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương ban hành một loạt, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận nhằm ràng buộc chế độ trách nhiệm, ý thức rèn luyện, gương mẫu... của cán bộ lãnh đạo, quản lý, Bộ Chính trị đã quyết định ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về "phòng, chống tham nhũng, tiêu cực". Thêm khái niệm "tiêu cực" là đã mở rộng nhiệm vụ, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo.

Cái tiêu cực ở đây có nhiều, nhưng dưới góc độ tham nhũng thì "sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nó là cái gốc, nó dẫn đến tham nhũng, nếu không suy thoái thì làm gì phải đi tham nhũng, nếu đạo đức tốt thì làm gì phải tham nhũng".

Như vậy, tới đây, có những văn bản, nghị quyết, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với chữ "tham nhũng, tiêu cực". 

Đảng ta vận đã vận dụng triết lý của Bác Hồ "Dĩ bất biến, ứng vạn biến": Cuộc đấu tranh với "quốc nạn" thì phải nhất quán, quyết liệt, không bao giờ ngừng nghỉ, còn phương pháp đấu tranh thì phải mềm dẻo, uyển chuyển, thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu của cuộc sống.

Cái "lẫy" nhạy bén

Ngay trước đó, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 "Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng". 

Quy định số 22-QĐ/TW được ví như bảo bối cho công tác kiểm tra, giám sát và là "cái lẫy" để phát hiện, xử lý tiêu cực trong cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bởi vì, "lãnh đạo phải có kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo".

Thực tiễn công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và các bộ, đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, thậm chí đã trở thành "nghệ thuật dùng lẫy" trong phát hiện, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm.

Hầu hết những "dấu hiệu vi phạm" của tổ chức, cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý khi bị ủy ban kiểm tra "sờ đến" đều "có vấn đề", không chỉ là "hiện tượng tiêu cực" nữa mà đằng sau nhiều hiện tượng đó là nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.

Tiêu biểu nhất là vụ việc xe tư nhân của Trịnh Xuân Thanh, khi nhân vật này được điều động vào làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, lập tức được "gắn" biển số xanh mà báo chí phát hiện phản ánh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương "vào cuộc" ví như "cái lẫy" đã "bật" đúng lúc, đúng chỗ, từ đó phát hiện ra hết vụ tham nhũng này đến vụ hối lộ khác, đến nay vẫn còn chưa xử lý xong.

Chắc chắn, "cái lẫy" kiểm tra giám sát sẽ trở thành công cụ rất quan trọng để tới đây các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra, giám sát những "dấu hiệu tiêu cực" trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên theo đúng nội hàm của từ này.

Nó sẽ là "hàn thử biểu" cho những biểu hiện tiêu cực nào liên quan đến "giặc nội xâm" và "quốc nạn" hiện nay.

Không thể "hạ cánh" an toàn

Trong những năm qua, do công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực chưa gắn bó, liên đới với công tác phòng chống tham nhũng, cho nên đã có những cán bộ phạm tội nhưng lại "lọt lưới".

Có những cán bộ lãnh đạo, quản lý "tay đã nhúng chàm" rất sâu và rất lâu, nhưng vẫn nghĩ: "Họ chừa mình ra". Đến nay, với những Quy định của Đảng, như "lưới trời lồng lộng", những cán bộ lãnh đạo, quản lý, đã chuyển công tác, đã nghỉ hưu, mà tay đã "nhúng chàm" thì dứt khoát cũng không thể "hạ cánh an toàn". 

Rất nhiều quy định liên đến các hiện tượng tiêu cực được chỉ rõ trong các Quy định của Đảng, trong đó bao gồm cả xử nghiêm minh đối với tất cả tổ chức đảng và đảng viên, bao gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế và các vụ án, vụ việc vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đưa việc xử lý hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên liên quan đến nhiều vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, trong đó có vụ giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với Phan Sào Nam (9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan).

Chỉ một ngày sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, ngày 19/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Y tế, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 và một số cá nhân là cán bộ lãnh đạo, nguyên cán bộ lãnh đạo của Bộ Y tế và của tỉnh Hà Nam.

Trong mấy vụ việc này, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tuy đã "hạ cánh" nhưng không hề được an toàn! Và chỉ 2 ngày sau đó, "Phan Sào Nam bị buộc quay lại nhà tù". Phan Sào Nam tưởng thoát nhưng lại không thể thoát.

Đây là tín hiệu "khai hỏa" vào các hiện tượng tiêu cực để xác định các vụ việc nói trên không chỉ là "tiêu cực" đơn thuần, mà có lẽ đều ít nhiều liên quan đến "giặc nội xâm" và là căn nguyên, nguồn gốc "quốc nạn" tham nhũng ở nước ta hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem