Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn

Nguyễn Huy Chủ nhật, ngày 14/08/2022 14:45 PM (GMT+7)
Có những thực khách đến ăn mỗi ngày, có thực khách mỗi tuần ăn 1 lần. Có những vị khách Nhật Bản đến từ buổi sáng, kêu một ly café nhấm nháp thật chậm, nhìn ngó xung quanh rồi mới ăn phở. Quán phở Minh dù vẫn nằm trong con hẻm nhỏ và sâu nhưng luôn đông khách.
Bình luận 0

Theo nhiều tài liệu đáng tin cậy, món phở ra đời tại làng Vân Cù, tỉnh Nam Định vào đầu thế kỷ 20, tức khoảng năm 1900. Không rõ món ăn trứ danh này theo chân người miền Bắc xuôi Nam từ năm nào, nhưng vào năm 1942, tại một xóm nhỏ ngay đường Pasteur Sài Gòn xuất hiện một người đàn ông và cô em gái bán phở trên xe đẩy giống như xe mì gõ. 

Ông và người em bán từ sáng đến chiều quanh quẩn khu vực quận 1 với trục đường Pasteur, Tạ Thu Thâu, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Ông tên là Minh và cô em tên là Năm, từ Hà Đông di cư vào Sài Gòn cùng gia đình.

Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn - Ảnh 1.

Sài Gòn quán: Thịt bò hầm ở phở Minh rất bùi và thơm. Ảnh: N.H

Hai năm sau, 1944, hai anh em buôn bán chăm chỉ tích cóp đủ tiền để mua căn nhà tường gạch, gác gỗ đơn sơ dùng để ở và bán phở, trong con hẻm nhỏ hình chữ U ngay tại đường Pasteur, quận 1. Quán vẽ bản hiệu lấy tên là phở Minh. 

Ông Minh học cách nấu phở Bắc truyền thống, đó là hầm xương lấy vị nước ngọt thanh; hầm thịt bò chín đến mức mềm, thơm và bùi; hầm gân sụn đến mức giòn sần sật; bò tái có sự tươi kèm vị ngọt thơm. Thế nhưng, ông nhận thấy khẩu vị người miền Nam tại Sài Gòn có chút khác biệt với người miền Bắc, nên ông biến tấu đôi nét cho phù hợp. Đó là đi kèm tô phở có thêm giá trụng, rau mùi các loại, tương đen. Với hương vị này, ngay lập tức món phở Minh đông khách.

Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn - Ảnh 2.

Tấm bảng hiệu Phở Minh từ năm 1957 đến giờ

Nhưng năm 1945, nạn đói hoành hành miền Bắc và nhiều khu vực khác của cả Việt Nam. Việc buôn bán khó khăn, quán phở Minh đóng cửa lần đầu tiên.

Năm sau, 1946, tình hình ổn định trở lại, phở Minh mở cửa và vẫn tiếp tục đông khách. Thực khách đến quán không chỉ là giới lao động bình dân mà dần dần thu hút cả công chức, doanh nhân, nghệ sỹ. Hồi bà Năm còn sống, bà kể rằng từ thập niên 1950, quán đã có dịp tiếp các danh ca cải lương lừng lẫy như NSND Phùng Há, NSND Út Trà Ôn. Qua thập niên 1960, số nghệ sĩ nổi tiếng thích hương vị phở Minh càng dày thêm, trong đó, có cả kỳ nữ Kim Cương, nữ hoàng cải lương Thanh Nga.

Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn - Ảnh 3.

Sài Gòn quán: Hương vị Bắc truyền thống ở phở Minh có pha lẫn hương vị Sài Gòn với giá trụng, rau mùi, tương đen. Ảnh: N.H

Dẫu việc buôn bán phát đạt, nhưng ông Minh và bà Năm vẫn giữ ngôi nhà đơn sơ như ban đầu, vào năm 1957, họ chỉ nâng cấp đôi chút cho chắc chắn. Ngôi nhà hiện nay có địa chỉ tại số 63/6 đường Pasteur, quận 1, TPHCM. Hình dạng ngôi nhà của hiện tại hầu như giữ nguyên bản ngày xưa với nét bình dị với màu thời gian in đậm trên căn gác gỗ, bàn ghế gỗ cổ xưa.  

Đến năm 1963, vì một biến cố thời cuộc, quán phở Minh đóng cửa lần thứ hai. Nhân dịp này, ông Minh và bà Năm mua thêm căn nhà phía đối diện, tại số 63/16. Căn nhà này được xây tường kiên cố theo lối kiến trúc Hoa Kỳ. Ông Minh đặt thợ khắc một tấm bản hiệu mà đến nay vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian. Căn nhà này cũng được dùng để phục vụ khách ăn phở.

Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn - Ảnh 4.

Lối vào phở Minh

Từ năm 1964, quán mở cửa trở lại và vẫn tiếp tục đông khách. Đến năm 1968, bà Năm bán thêm món bánh cam giòn rụm thơm ngon. Lúc này, hầu như khách nào đến ăn phở cũng mua bánh cam mang về, hoặc là ăn trước 1,2 cái trong lúc chờ tô phở nóng hổi được bưng ra bàn. Món bánh cam của bà Năm nổi tiếng đến mức, thực khách phải đặt trước mới có. Sau khi ông Minh qua đời, bà Năm thay thế anh trai đứng vào vị trí nấu phở. Lúc này, con ông Minh là cô út đứng phụ bếp cho bà Năm.

Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn - Ảnh 5.

Cô Út thợ nấu chính nay đã 72 tuổi, và anh Lam thợ phụ đã 60 tuổi, là thế hệ thứ hai của quán phở Minh. Ảnh: N.H

Sau năm 1975, có một thời kỳ thực phẩm khan hiếm, nhưng phở Minh vẫn hoạt động, dù âm thầm lặng lẽ nhưng hiệu quả. Đến năm 1997, do bà Năm tuổi cao nên ngưng làm món bánh cam trong sự tiếc nuối của nhiều người. Thay vào đó, quán bán món bánh nướng pate chaud, yaourt và café, món nào cũng ngon. 

Thời điểm bà Năm ngoài 80 tuổi, cô út con ông Minh thay vị trí nấu phở của cô ruột, còn anh Lam con bà Năm thì phụ bán với chị họ là cô út. Quán bắt đầu được chuyển giao cho thế hệ thứ hai tiếp nối. Song song đó, thực khách là thế hệ thứ hai, thứ ba của quán đã theo chân cha mẹ đến đây ăn thường xuyên. Giờ đã có thế hệ khách hàng thứ tư.

Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn - Ảnh 6.

Sài Gòn quán: Nét xưa cũ của quán phở Minh

Chị Mỹ Liên, một thực khách thế hệ thứ hai hồi tưởng: "Hồi nhỏ, chồng tôi được cha dắt đến đây ăn phở. Anh ghiền hương vị này đến mức tuần nào cũng thưởng thức một lần. Sau khi kết hôn với tôi, anh chở tôi đến đây và tôi cũng không còn ăn quán phở nào khác. 

Giờ thì đến lượt con chúng tôi cũng yêu thích phở Minh. Mùi vị phở của hôm nay không khác ngày xưa. Chúng tôi thích đến đây để nhìn ngắm sự bình yên trong khu xóm nhỏ này, nhìn lại hình ảnh quen thuộc của quán phở này, và để nhớ về một phần tuổi trẻ của mình".

Phở Minh - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn - Ảnh 7.

Chị Mỹ Liên cùng chồng là thế hệ thực khách thứ hai của phở Minh

Hồi bà Năm còn sống, mỗi sáng bà ngồi ở chiếc bàn gỗ bên nhà 63/6. Thực khách đến đây, nhất là những Việt kiều xa quê, tranh thủ đến nghe bà kể chuyện đời xưa. Bà kể về hành trình di cư vào Nam, vào khoảng thời gian đi buôn bán khắp các vùng biên giới, và khoảng thời gian mấy mươi năm bán phở. Dù tuổi cao nhưng đầu óc bà minh mẫn, nhớ rõ từng chi tiết. Đến năm 2019, bà qua đời khi tuổi đã gần 100.

Ngày nay, thực khách của phở Minh không chỉ có người Việt bốn phương mà còn cả người phương Tây, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Thái Lan. Có những thực khách đến ăn mỗi ngày, có thực khách mỗi tuần ăn 1 lần. Có những vị khách Nhật Bản đến từ buổi sáng, kêu một ly café nhâm nháp thật chậm, nhìn ngó xung quanh rồi mới ăn phở. Quán dù vẫn nằm trong con hẻm nhỏ và sâu nhưng luôn đông khách.

Vào năm 2021, dịch covid-19 hoành hành, quán đóng cửa lần thứ 3. Đầu năm 2022, quán mở cửa trở lại và vẫn tiếp tục đông khách. Xưa đến nay, quán vẫn chỉ mở cửa vào buổi sáng từ 6 giờ đến 11 giờ. Vào ngày 14, 15/7 âm lịch tức ngày rằm tháng 7 Vu Lan, quán nghỉ. 

Thực khách nào chưa biết phở Minh hãy đến con hẻm rất nhỏ số 63 đường Pasteur. Đi sâu vào trong đến số 63/6 và 63/16 sẽ thấy tấm bản hiệu đề hai chữ Phở Minh. Ăn xong khách có thể đi ra theo con hẻm cũng rất nhỏ ngay tại số nhà số 85.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem