Quả bóng tròn giữa lòng Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Thứ sáu, ngày 10/09/2021 10:09 AM (GMT+7)
Dân Sài Gòn vốn mê thể thao. Từ lúc mới mở đất, các môn như đánh võ, đánh vật, đá cầu, bơi thuyền, lội sông... đã được dân chúng ưa chuộng. Hồi Tây vào, lại thêm nhiều môn hấp dẫn khác: bóng đá, cầu lông, quần vợt, đấm bốc... Nhưng giống nhiều nơi trên thế giới, bóng đá chiếm địa vị số một, trở thành môn thể thao vua.
Bình luận 0

Theo nhiều tư liệu kể lại, sân bóng đá đầu tiên ở Sài Gòn là sân Tao Đàn. Lúc đó, Tao Đàn được người Pháp cải tạo lại, trở thành Câu lạc bộ Thể thao Tao Đàn, với sân bóng đá, sân quần vợt và hồ bơi đạt chuẩn thi đấu. Đây cũng là nơi Việt Nam đón tiếp các đội bóng ngoại quốc. 

Các cụ cao niên kể lại, hồi đó, mấy ông Tây bự quá, mình lấn không lại, nên phải chọn lối đá nhỏ nhuyễn để làm đối trọng với chiến thuật thiên về thể lực của họ, dần trở thành lối đá truyền thống, bản sắc của Sài Gòn, miền Nam và phần nào đó của cả Việt Nam.

Nhưng những trận thời Pháp, chủ yếu thi đấu biểu diễn. Lúc đó mà thắng được trận nào sướng trận đó, đều được báo chí bốc thơm rằng "Đội thuộc địa thắng đội mẫu quốc", dù cho đội thuộc địa đa phần là các cầu thủ đá giỏi, còn đội "mẫu quốc" chẳng qua là mấy ông công nhân mới xuống tàu còn lảo đảo say sóng. Chưa thắng được trên chiến trường, thì ta cứ thắng trên sân bóng trước đã.

Quả bóng tròn giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 1.

Trận cầu lịch sử 1976 giữa Cảng Sài Gòn và Tổng Cục Đường Sắt. Ảnh: TL.

Tới hồi vào thập niên 1960, mới bắt đầu có các cuộc thi đấu giữa các đội trong nước với nhau, các trận bóng đều được dời về sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Lúc đó, các đội như Cảng Sài Gòn và Quan Thuế được xem như những đội tiêu biểu của miền Nam, mỗi lần đụng độ cứ như "siêu kinh điển" hoặc "derby Sài Gòn".

Chiếm nhiều cảm tình của bà con ở Sài Gòn nhất, là đội Cảng Sài Gòn. Ngoài dân yêu bóng đá thuần túy, đội này còn có hội cổ động viên thuộc hàng máu lửa, bởi đại bản doanh đặt tại "đất dữ" quận Tư. 

Cứ mỗi lần đụng với đội Quan thuế hoặc đội Cảnh Sát Quốc Gia, thành phố như chia làm hai. Dân quận Tư đi coi đá banh cũng không quên xách thêm một mớ đồ nghề, lỡ có cãi cọ là lôi ra "nói chuyện" với cổ động viên đội bạn.

Quả bóng tròn giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 2.

Sân Tao Đàn, một trong số các sân bóng đủ chuẩn đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Internet.

Năm 1976, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của bóng đá Sài Gòn, sân vận động Cộng Hòa đổi tên thành Thống Nhất, chứng kiến trận cầu Thống Nhất của cả đất nước. Đội Cảng Sài Gòn đại diện cho phía Nam. Và cả Sài Gòn cùng hồ hởi đón chào đội Tổng Cục Đường Sắt đại diện cho phía Bắc. 

Trận này, ghi dấu sự đối đầu của hai trường phái: Cảng Sài Gòn với lối đá thêu dệt vẽ vời và Tổng Cục Đường Sắt thiên về thể lực, chiến thuật. Kết quả, ông vẽ vời đã thua ông đầy sức mạnh. Kệ, vui là chính. Một số cầu thủ từng tham dự trận này đã ghi dấu đậm nét trong nền bóng đá Việt Nam như: Phạm Huỳnh Tam Lang, Trần Duy Long, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung...

Qua các mùa giải, kể từ khi Giải vô địch quốc gia Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên năm 1980 cho đến trước khi giải chuyên nghiệp được tổ chức, đây là sân nhà của các đội Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp, Công an TP.HCM… 

Sau khi Giải Vô địch Quốc gia chuyên nghiệp đầu tiên được tổ chức, qua các mùa giải, sân được chọn là sân nhà của các đội chuyên nghiệp Cảng Sài Gòn (sau là Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn rồi Câu lạc bộ bóng đá TP.HCM, Công an TP.HCM (sau chuyển thành Ngân hàng Đông Á), Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Sài Gòn FC... 

Nhưng hay một điểm, bóng đá Sài Gòn cũng thể hiện tình bao dung y chang con người Sài Gòn. Nhiều danh thủ không có đất dụng võ ở nơi khác, đến Sài Gòn là nhận ngay. Đội ở Hà Nội, "di cư" vào Sài Gòn, bà con vẫn cổ vũ.

Và một cái sướng của các đội khác mỗi khi thi đấu tại TP. HCM, đó là ở đây luôn luôn có một lượng người đồng hương đông đảo, chắc chắn sẽ đến cổ vũ cho đội của họ. Ví dụ như đội Sông Lam Nghệ An, hoặc Hải Phòng, Nam Định... vào Đồng Tháp, Cần Thơ thi đấu... chỉ có khán giả của Đồng Tháp, Cần Thơ đến xem mà thôi. Còn đá ở Sài Gòn, chắc chắn không thiếu những người xa quê cư ngụ ở đây và lân cận đến xem. Nhiều đội còn nhận sân Thống Nhất là sân nhà thứ hai. 

Cho nên, những trận bóng đá ở Sài Gòn, ngoài tinh thần thể thao thuần túy, còn là nơi để những người cùng quê gặp gỡ, trao đổi chuyện trò, hàn huyên tâm sự. Họ đến ngoài để cổ vũ đội nhà, còn được nói tiếng quê, nói giọng quê sau nhiều ngày phải uốn lưỡi sửa giọng khi làm ăn nơi đất khách.

Quả bóng tròn giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 4.

Hội cổ động viên Hải Phòng tại TP. HCM cổ vũ đội trên sân Thống Nhất.

Thậm chí, đây còn là nơi họ phô trương một cách tự nhiên tính cách của địa phương nơi họ xuất thân. Ví dụ đội Nam Định với đội Cảng Sài Gòn. Tất nhiên người Nam Định ở Sài Gòn sẽ cổ vũ đội Nam Định. Rồi ông ở Hải Phòng sống tại Sài Gòn sẽ cổ vũ đội Cảng Sài Gòn. 

Thấy cổ động viên Nam Định hò reo quá xá, ông Sài Gòn gốc Hải Phòng nổi máu quê hương, quay sang chỉ vào khán đài đội bạn mà quát rằng: "Thằng nào còn la, ông 'thịt' cả bọn". Nhiều khi nghĩ lại, người khó tính bảo rằng quá đáng, còn người dễ tính lại cảm thấy buồn cười. Nhưng nói gì thì nói, hiếm khi thấy chuyện ẩu đả, cổ vũ thiếu văn hóa tại sân Thống Nhất.

Ước mơ hiện tại của người hâm mộ bóng đá Sài Gòn nói riêng và phía Nam nói chung, đó là một lần được tổ chức một trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam. Xin cam đoan, người Sài Gòn sẽ thể hiện hết tinh thần hâm mộ thể thao chân chính và tính hiếu khách vốn có của người dân nơi đây. Đội tuyển đi xa lâu quá, ghé về Sài Gòn thăm nhà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem