Rảnh rỗi, phụ nữ dân tộc K’ho Sre ở Đinh Lạc của Lâm Đồng đan lát mà có thêm đồng ra đồng vào

Văn Long Thứ bảy, ngày 22/07/2023 12:10 PM (GMT+7)
Nhờ có nghề đan lát truyền thống, nhiều chị em phụ nữ dân tộc K’ho Sre ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã có thêm thu nhập, có đồng ra đồng vào, cải thiện đời sống lúc nhàn rỗi...
Bình luận 0

Những ngày giữa tháng 7, ảnh hưởng của cơn bão số 1 năm 2023, tại tỉnh Lâm Đồng liên tục có mưa lớn. Thời tiết này đã khiến cho nhiều chị em phụ nữ người K’ho Sre tại xã Đinh Lạc, huyện Di Linh không có việc làm. Đây cũng là thời điểm mà phóng viên Dân Việt tiếp cận và tìm hiểu về nghề đan lát truyền thống của người dân tộc thiểu số K’ho Sre tại địa phương.

Clip: Lớp dạy nghề đan lát truyền thống tổ chức tại thôn Duệ, xã Đinh Lạc được người dân hào hứng tham gia.

Được sự hướng dẫn của bà Nguyễn Thị Gái – Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, phóng viên đã đến được nhà của bà K’ẹp (53 tuổi, thôn Duệ, xã Đinh Lạc), nơi đây đang tập trung hàng chục người tham gia lớp học nghề đan lát. Làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề vào tháng 1 năm 2023. Các sản phẩm truyền thống của làng nghề như gùi, giỏ, rổ, rá...

Tập trung đan lát những ngày rảnh rỗi, chị em người K’ho Sre ở Đinh Lạc có thêm thu nhập - Ảnh 2.

Lớp học nghề đan lát được chị em người K'ho Sre tại thôn Duệ, xã Đinh Lạc hào hứng tham gia. Ảnh: Văn Long.

Đang tham gia lớp họp nghề, bà K’Treoh (68 tuổi, thôn Duệ) cho hay: "Tôi tham gia lớp học nghề đan lát tại thôn từ đầu năm 2023, đến nay tôi đã học được đầy đủ các công đoạn khi làm nghề. Hiện tôi đang tiếp tục nâng cao tay nghề cũng như đan lát những vật dụng có độ khó cao hơn. Mới đầu học cũng khó, nhưng nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn của giáo viên nên dần dần rồi cũng làm thành thạo.

Gia đình tôi có 1ha đất trồng cà phê. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn làm thêm việc khác, ai thuê gì làm nấy. Những ngày mưa gió, rảnh rỗi hay tối đi làm về thì tôi cũng tranh thủ đan những vật dụng như đồ đựng cá, xúc cá, rổ, giỏ, gùi để bán kiếm thêm thu nhập. Nhờ khoản thu nhập này mà đã giúp gia đình tôi bớt khó khăn, nuôi con ăn học".

Tập trung đan lát những ngày rảnh rỗi, chị em người K’ho Sre ở Đinh Lạc có thêm thu nhập - Ảnh 3.

Bà K'Treoh bên những sản phẩm do chính tay mình đan được sau lớp học nghề. Ảnh: Văn Long.

Cũng đang tham gia lớp học, chị K’Thủy cho hay, đến nay, gia đình bà có 4 người đã học được nghề và làm nghề. Nhờ có nghề đan lát mà vợ chồng bà Thủy đã có tiền cho 2 người con đang học đại học và cao đẳng.

"Mới đầu học đan thì tôi cũng thấy khó. Ban đầu người học phải học được cách gọt tre. Gọt được tre đúng chuẩn rồi thì khi đan sẽ đẹp hơn rất nhiều. Ngoài học trên lớp thì tôi còn học thêm cách làm của chồng vì chồng tôi học trước, có kinh nghiệm và kỹ thuật nhiều hơn. Tính đến nay, chồng tôi đã bán được hơn 200 sản phẩm, lo cho 2 con 1 cháu học đại học kinh tế, một cháu học cao đẳng. Nghề đan lát đã giúp gia đình tôi có thu nhập rất khá, vì vậy giờ 1 cháu 16 tuổi đang đi học khi nghỉ hè cũng tham gia lớp học nghề đan lát", chị K’Thủy chia sẻ.

Tập trung đan lát những ngày rảnh rỗi, chị em người K’ho Sre ở Đinh Lạc có thêm thu nhập - Ảnh 4.

Những sản phẩm đan lát được người K'ho Sre tại xã Đinh Lạc đan, bán ra thị trường. Ảnh: Văn Long.

Trao đổi với phóng viên, bà K’ẹp (53 tuổi) giáo viên dạy nghề đan lát tại thôn Duệ cho hay, đến nay bà đã làm nghề đan lát được gần 20 năm, cả gia đình bà cả 4 người đều đan các vật dụng như gùi, rổ, rá, dụng cụ bắt cá, đựng cá.

Tập trung đan lát những ngày rảnh rỗi, chị em người K’ho Sre ở Đinh Lạc có thêm thu nhập - Ảnh 5.

Các sản phẩm đan lát của người dân thôn Duệ được bán với giá từ 350 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi vật dụng. Ảnh: Văn Long.

Cầm trên tay những sản phẩm do chính tay mình đan, bà K’ẹp cho biết: "Trước đây, gia đình tôi đan lát những dụng cụ để phục vụ trong gia đình. Tuy nhiên, sau đó nhiều người ở địa phương, trong huyện hay thành phố Đà Lạt biết đến nên họ đã đến tận nhà mua đồ. Tôi chủ yếu bán lẻ sản phẩm để cho người ta trưng bày, phục vụ biểu diễn văn nghệ. Đặc biệt những sản phẩm được đan ra để phục vụ cho các đám cưới của người dân tộc thiểu số tại địa phương. Khi con trai đi lấy vợ thì họ mua các sản phẩm trên về để tặng cho nhà gái. Các sản phẩm có giá dao động từ 350 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi vật dụng.

Năm 2022, tôi dạy 1 khóa gần 30 người, đến nay họ đã làm thành thạo và làm sản phẩm kiếm được tiền rồi. Năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của địa phương, tôi tiếp tục dạy cho hơn 20 người nữa. Hy vọng, nghề đan lát của người xưa để lại có thể được bảo tồn và phát huy mạnh hơn nữa".

Tập trung đan lát những ngày rảnh rỗi, chị em người K’ho Sre ở Đinh Lạc có thêm thu nhập - Ảnh 6.

Đến nay, bà K'ẹp đã làm nghề đan lát được gần 20 năm. Ảnh: Văn Long.

Nói về nghề đan lát tại thôn Duệ, bà Nguyễn Thị Gái – Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biết: "Địa phương đánh giá rất cao nghề đan lát tại thôn Duệ, tận dụng được những lúc nhàn rỗi, trời mưa hay trời tối thì bà con đã có thêm thu nhập. Năm 2023, chúng tôi đã đề nghị Trung tâm Giáo dục thường xuyên mở lớp dạy nghề để dạy nghề cho người dân, giúp tăng thêm thu nhập. Khi lớp dạy nghề được mở thì chúng tôi cũng hỗ trợ người học 30 ngàn đồng/buổi. Tuy số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đây là sự động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân địa phương".

Tập trung đan lát những ngày rảnh rỗi, chị em người K’ho Sre ở Đinh Lạc có thêm thu nhập - Ảnh 7.

Những dụng cụ như gùi, rổ, xúc cá, đựng cá là sản phẩm gần gũi, được đan nhiều để bán ra thị trường. Ảnh: Văn Long.

Tập trung đan lát những ngày rảnh rỗi, chị em người K’ho Sre ở Đinh Lạc có thêm thu nhập - Ảnh 8.

Nghề đan lát đã giúp cho chị em phụ nữ người K'ho Sre tại thôn Duệ có thêm thu nhập. Ảnh: Văn Long.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem