dd/mm/yyyy

Sạch chuồng trại, tăng thu nhập, nông dân rủ nhau áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Nhiều nông dân, chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi ở Hà Nam cho biết, nhờ áp dụng giải pháp sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), bà con không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn giúp giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập hơn trước.

Tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng thu nhập nhờ mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Đến thăm trang trại của anh Đặng Xuân Nam (ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), các thành viên trong đoàn công tác khuyến nông T.Ư và địa phương đều chung cảm nhận môi trường sản xuất ở đây rất sạch, trong lành.

Dù chăn nuôi trên 30 con bò sữa nhưng hệ thống xử lý chất thải được anh Nam làm khá bài bản. Sau khi vật nuôi thả phân ra chuồng sẽ được công nhân tại trại dọn và rửa ra hệ thống bể ủ cùng về với men vi sinh. Khi ủ đủ thời gian, anh Nam sẽ dùng máy bơm hút và tưới cho cỏ voi, chuối...

Bên cạnh đó, anh Nam còn dùng phân hữu cơ tại trại của mình bón cho trên 15ha cây húng quế để sản xuất tinh dầu dược liệu. Đến khi thu hoạch húng đưa vào sản xuất tinh dầu, số bã thải của dược liệu sẽ được anh Nam đưa ra khu ủ để làm phân, quay lại bón cho các loại cây trồng tại trang trại.

Áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn: Sạch chuồng trại, nhà nông tăng thu nhập - Ảnh 1.

Anh Đặng Xuân Nam (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) dùng máy băm cỏ chăn nuôi bò sữa tại trang trại của gia đình. Ảnh: T.Q

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chia sẻ thêm: Mục đích của kinh tế NNTH là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, nhằm gia tăng giá trị. Nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn là: Tất cả các "phế thải" của quá trình sản xuất đều được coi như tài nguyên - là nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất sản phẩm khác.

"Chất thải ở trang trại đều được coi là tài nguyên quý, dùng để sản xuất phân chăm bón cho chuối, ngô, húng... Dùng phân hữu cơ không chỉ nhằm cải tạo đất, đáp ứng đủ dinh dưỡng giúp cây trồng hấp thu nhanh, phát triển tốt cho năng suất cao và hiệu quả hơn. Nhờ thế mà chúng tôi giảm được chi phí mua phân hóa học, xử lý môi trường khép kín tuần hoàn rất hiệu quả" - anh Nam chia sẻ.

Theo chủ trang trại ở xã Nguyên Lý, với diện tích trên 30ha vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi bò sữa, sản xuất tinh dầu dược liệu... mỗi năm trang trại đạt doanh thu hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đánh giá, trang trại của anh Nam là một trong những mô hình điển hình ở Hà Nam áp dụng rất thành công mô hình kinh tế NNTH. 

"Nhiều người hiểu nhầm mô hình NNTH phải đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, tiêu tốn nhiều tiền nhưng thực chất giải pháp này rất đơn giản, chỉ là dùng chất thải của chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vòng tròn cứ như vậy khép kín năm này qua năm khác..." - ông Thông nói.

Ngoài mô hình của anh Nam, hiện mô hình sông trong ao hay cá - lúa, nuôi bò - ủ phân trùn quế... ở Hà Nam cũng đang áp dụng khá triệt để giải pháp kinh tế NNTH giúp giải quyết được vấn đề môi trường nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) – bà Hạ Thúy Hạnh, mô hình kinh tế NNTH của anh Nam rất đơn giản nhưng cho thấy hiệu quả rất cao. "Thông qua giải pháp này giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp người dân chủ động hơn, không mất nhiều chi phí để mua phân bón vô cơ, giúp cải tạo đất, cải tạo môi trường…" - bà Hạnh khẳng định.

Bà Hạnh cho biết thêm, NNTH đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam trong các hệ thống có canh tác: Vườn - Ao - Chuồng, Vườn - Ao - Chuồng - Rừng; xen canh, gối vụ. Trong đó, chất thải của chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vòng tròn cứ như vậy khép kín năm này qua năm khác.

Một số năm gần đây, hệ canh tác lúa - cá, lúa - tôm và tôm - rừng phát triển rộng rãi, quy mô hàng trăm ngàn ha tại bán đảo Cà Mau. Các hệ canh tác này vừa tuần hoàn xét về mặt dinh dưỡng, lại vừa thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Trao đổi tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp "Giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn" sáng 23/5 tại Hà Nam, nhiều đại biểu cũng nêu thực tế sản xuất cho thấy nhận thức của cán bộ và người sản xuất về NNTH còn hạn chế; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu vốn đầu tư...

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế NNTH, nhiều đại biểu kiến nghị cần tập trung một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về kinh tế NNTH cũng như vai trò của kinh tế NNTH trong phát triển bền vững. Việc giáo dục về kinh tế NNTH, truyền thông về kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phải được thực hiện cho cả hai phía: Người tiêu dùng và người sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho sự hình thành và phát triển các mô hình kinh tế NNTH; Nhà nước cùng với các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng một môi trường khuyến khích sự ra đời và phát triển các mô hình áp dụng kinh tế NNTH ở các mức độ khác nhau từ thấp đến cao. 


Trần Quang