Đem loại quả quê sấy khô thành hàng OCOP, nữ nông dân Quảng Trị tự trả lương cao cho chính mình

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 07/08/2023 11:04 AM (GMT+7)
Vợ chồng chị nông dân Trần Thị Hoài Nhung, thôn An Tiêm, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để xây dựng cơ sở sấy chuối. Mặt hàng chuối sấy của gia đình chị đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và tạo việc làm trực tiếp, gián tiếp cho nhiều lao động trong vùng,..
Bình luận 0

Ngôi nhà của vợ chồng chị Trần Thị Hoài Nhung cách biển báo khu vực biên giới Việt Nam – Lào chỉ vài bước chân. Đây là nơi lui tới thường xuyên của nông dân, thương nhân và nhiều người khác.

Không cam phận nghèo

Đầu tháng 8, vùng biên giới Quảng Trị rả rích những cơn mưa, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Hoài Nhung ở thôn An Tiêm, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá. Người phụ nữ với thân hình khá gầy gò chạy ra đon đả chào đón khi thấy khách đến chơi nhà.

Người phụ nữ ở vùng biên giới Quảng Trị thoát nghèo nhờ tiên phong làm chuối sấy - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Hoài Nhung, nông dân thôn An Tiêm, xã Tân Thành, huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) thu hoạch chuối đem về ủ chín, sau đó sấy khô. Ảnh: Ngọc Vũ.

Khi biết chúng tôi là đoàn nhà báo đến thăm, tìm hiểu viết bài về chị - người phụ nữ tiên phong làm chuối sấy ở Quảng Trị, chị Nhung đặt tay lên trán, cười e thẹn. Tranh thủ lúc trời tạnh mưa, chúng tôi uống vội ly nước rồi cùng chị ra vườn chuối ngay cạnh biển báo khu vực biên giới Việt – Lào, cách nhà chị vài bước chân.

Tay thoăn thoắt cắt tỉa lá chuối khô, phát quang vườn chuối, chị Nhung kể, quê chị ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Sinh ra, lớn lên ở đồng bằng, nhưng năm 2009, sau khi lấy chồng, sinh con gái đầu lòng mới 9 tháng tuổi, vợ chồng chị Nhung đã khăn gói, dìu dắt nhau vượt gần 100km lên thôn An Tiêm lập nghiệp.

Ngày ấy, tài sản chị Nhung mang theo chỉ vỏn vẹn vài triệu bạc, một ít xoong nồi, chén bát, quần áo. Vợ chồng chị dựng ngôi nhà đơn sơ khoảng 40m2 để có chỗ "chui ra, chui vào". Gọi là nhà nhưng mưa thì dột, nắng thì như cái lò nung, ngột ngạt, bức bối.

Người phụ nữ ở vùng biên giới Quảng Trị thoát nghèo nhờ tiên phong làm chuối sấy - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Hoài Nhung đã mạnh dạn vay vốn Agribank mua sắm máy móc làm chuối sấy, từ đó khởi nghiệp thành công. Ảnh: Ngọc Vũ.

Để có việc làm, chị Nhung tìm đến ngân hàng Agribank chi nhánh Lao Bảo để vay 9 triệu đồng về nuôi heo. Tích góp được một ít tiền từ bán heo, chị Nhung tiếp tục vay vốn để thuê 2ha đất trồng chuối và mở thêm quán tạp hoá.

Khi cuộc sống đã khá hơn, không còn cảnh chạy ăn từng bữa, chị Nhung bắt đầu có thời gian tư duy cách làm giàu. Nhận thấy Hướng Hoá có diện tích trồng chuối rất lớn, lên tới hàng chục ngàn ha. Nông dân Hướng Hoá một nắng hai sương, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới trồng được thứ chuối chín vàng thơm ngon, có thể gọi là đặc sản. Thế nhưng, nghịch lý là vẫn lâm vào cảnh "được mùa mất giá", "được giá mất mùa", đôi khi chuối chín vàng cây không ai đoái hoài thu hoạch, hoặc chặt cho bò.

Chị Nhung tự đặt câu hỏi: "Hạt hướng dương, hạt dưa, mít và rất nhiều nông sản khác có thể sấy khô, bảo quản, bán giá cao. Tại sao chuối lâu nay chỉ bán tươi, sao không sấy khô".

Để trả lời, chị Nhung tìm hiểu trên sách báo, mạng internet và bạn bè gần xa về cách sấy chuối.

Năm 2017, sau khi vay ngân hàng Agribank 300 triệu đồng, chị Nhung đặt mua máy sấy chuối và chính thức trở thành người phụ nữ tiên phong làm chuối sấy ở Quảng Trị. Quá trình chạy thử nghiệm, hàng tấn chuối sắp thành phẩm phải bỏ đi khi chị Nhung chưa tìm ra công thức, nguyên lý sấy tối ưu nhất.

Có tâm – có tiền

Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Nhung chỉ dám sấy chuối gia đình trồng trên 2ha gần nhà. Là sản phẩm mới nên thị trường còn hạn hẹp, khiến chị Nhung khá lo lắng.

"Vay mấy trăm triệu chứ có ít đâu. Với sức vóc như tôi, nếu khởi nghiệp vỡ trận thì khó có cơ hội phục hồi. Lo lắm, mất ăn mất ngủ chứ không đơn giản" – chị Nhung nhớ lại.

Người phụ nữ ở vùng biên giới Quảng Trị thoát nghèo nhờ tiên phong làm chuối sấy - Ảnh 3.

Sản phẩm chuối sấy Chánh Nhung được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Thế nhưng, nhờ sự lo lắng ấy, chị Nhung càng có thêm động lực, trách nhiệm phấn đấu, vừa sản xuất, vừa tìm kiếm thị trường. Chị luôn tâm niệm, chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu, vì sức khoẻ cộng đồng.

Một người, hai người rồi hàng trăm, hàng ngàn người cứ tấm tắc khen khi thử sản phẩm chuối sấy Chánh Nhung – hương vị nắng gió của chị. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu chuối Chánh Nhung ngày càng mở rộng thị trường. Từ khi chỉ loanh quanh trong thôn, xã dần vươn ra thị trường toàn quốc và thế giới.

Không những vậy, chuối sấy Chánh Nhung còn được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, tạo ra bước đại nhảy vọt trong con đường "phủ sóng" thị trường. Bởi lẽ, sản phẩm OCOP chuối Chánh Nhung có mã QR Code truy xuất nguồn gốc, đem lại niềm tin cho khách hàng.

Người phụ nữ ở vùng biên giới Quảng Trị thoát nghèo nhờ tiên phong làm chuối sấy - Ảnh 4.

Chị Nhung chia sẻ niềm vui của mình với bạn bè và những người đã giúp đỡ mình trong vay vốn, khởi nghiệp với nghề sấy chuối. Ảnh: Ngọc Vũ.

Để cung cấp kịp thời cho thị trường, chị Nhung mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm nhiều máy sấy chuối, đồng thời thu mua chuối tươi cho nông dân trong vùng.

Cứ 40kg chuối tươi chị Nhung sẽ làm ra 7kg chuối sấy thành phẩm, đóng gói. Mỗi ngày bình thường, chị Nhung sản xuất từ 30 đến 40kg chuối sấy thành phẩm, còn các dịp lễ, tết số lượng gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Được chị Nhung thu mua chuối đều đặn, nông dân xã Tân Thành nói riêng, huyện Hướng Hoá nói chung rất vui mừng.

"Chị Nhung mua đều đặn, giá cả ổn định nên nông dân rất mừng, không còn cảnh bị tư thương ép giá như xưa. Bà con chúng tôi mong có nhiều chị Nhung hơn để cây chuối Hướng Hoá được nâng cao vị thế" – bà Lê Thị Hương (xã Tân Thành) chia sẻ.

Chị Nhung cho biết, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng chị lãi 20 triệu đồng từ làm chuối sấy. Ngoài ra, chị Nhung còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Dịp Tết, chị Nhung sẽ thuê thêm lao động thời vụ, tính lương theo ngày, giờ làm việc, bình quân khoảng 200.000 đồng/ngày.

Bên cạnh đó, cơ sở chuối sấy của chị Nhung còn giúp tiêu thụ chuối cho nông dân trong vùng, gián tiếp duy trì số việc làm ở vùng nông thôn này thông qua nghề trồng chuối.

Người phụ nữ ở vùng biên giới Quảng Trị thoát nghèo nhờ tiên phong làm chuối sấy - Ảnh 5.

Chị Nhung (thứ 4 từ phải sang) nhận giấy khen của UBND huyện Hướng Hoá vì có sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021. Ảnh Đình Phục.

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá cho biết, với xuất phát điểm gần như bằng không, sau nhiều năm cố gắng, bà chủ trẻ 38 tuổi Trần Thị Hoài Nhung đã có thu nhập đáng mơ ước, lo cho 4 người con ăn học. 

Chuối sấy Chánh Nhung được chứng nhận 3 sao, khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai, trở thành niềm tự hào của huyện Hướng Hoá. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Nhung còn thu mua chuối cho nông dân, giải quyết đầu ra nông sản, góp phần tăng thu nhập người dân địa phương, từ đó giúp xoá đói giảm nghèo. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chị Nhung mở rộng sản xuất, nâng vị thế cây chuối Hướng Hoá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem