Siết chặt việc rút bảo hiểm xã hội một lần

Bạch Dương Thứ ba, ngày 08/08/2023 12:27 PM (GMT+7)
Nghị quyết số 114/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành cơ bản đồng ý dự án Luật BHXH (sửa đổi), đánh giá dự án Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.
Bình luận 0
Siết chặt việc rút BHXH một lần - Ảnh 1.

Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho người dân. Ảnh: BHXH TP.HCM

Theo BHXH TP.HCM, so với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, siết nhận BHXH một lần, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội…

Trong đó, điều kiện nhận BHXH một lần cũng được siết lại nhằm giảm số người rút một lần. Cụ thể, phương án 1 được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, người tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được rút một lần.

Nhóm 2, người bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/1/2025) không được rút một lần. Trừ trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2 là cho người lao động rút một lần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ hưu trí, tử tuất. Phần còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Cùng với đó, dự thảo Luật bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH. Cụ thể, quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ sáu tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Đáng chú ý, khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ngoài ra, Bộ LĐTB-XH cũng đề xuất bổ sung một số chính sách mới như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội. Hiện tại, Luật Người cao tuổi quy định người già đủ 80 tuổi không có bất kỳ khoản trợ cấp nào thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ 360.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi đưa chính sách này vào dự luật, cơ quan soạn thảo muốn tạo sự liên kết hỗ trợ người già khi hết tuổi lao động mà không có lương. Cụ thể, dự luật sẽ hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi.

Chính phủ cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian, tức làm việc theo chế độ linh hoạt.

Cạnh đó, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động đều phải tham gia BHXH.

Dự thảo cũng đề xuất người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản. Đây là những người đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng hiện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện (cả nữ và nam) sẽ được hưởng chế độ thai sản với mức 2 triệu đồng, do ngân sách nhà nước chi trả. Điều kiện hưởng là đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem