Tài xế xe khách liên tỉnh lo mất Tết

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 17/12/2021 17:57 PM (GMT+7)
Những chuyến xe chở khách hay hàng hóa từ các tỉnh thành đậu tại bến xe Miền Đông đa số đều vắng khách, hàng hoá cũng chỉ lác đác vài ba kiện. Nhiều chủ nhà xe hay các tài xế đều mang một tâm trạng chung: nơm nớp lo âu, sợ mất Tết vì tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp…
Bình luận 0

Năm nay thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lượng khách và hàng hóa hầu như không đủ để bù lỗ vào tiền xăng dầu, thuê nhân viên, đi lại… cho các chủ nhà xe.

Những năm về trước, những tháng cận kề Tết Nguyên Đán các nhà xe ở TP.HCM đều đông nghịt khách, hàng hóa bốc xếp đưa về các tỉnh thành không ngớt.

Tài xế lo mất Tết

"Tôi lái xe khách cho công ty nên vẫn may mắn hơn so với những người làm chủ. Tôi được trả lương đủ hàng tháng, vẫn gồng gánh lo cho vợ con ở nhà được. Nhưng, với tình hình như hiện nay tôi e rằng Tết này sẽ không được sung túc như mọi năm…", ông Nguyễn Văn Tâm (tài xế xe khách tuyến Nha Trang đi bến xe Miền Đông) chia sẻ.

Tài xế xe khách liên tỉnh lo “mất Tết” - Ảnh 1.

Tại các quầy bán vé đi liên tỉnh ở bến xe Miền Đông vẫn đìu hiu, đại diện bên xe Miền Đông cho rằng: "Vẫn chưa có kế hoạch phục vụ khách cho Tết Nguyên Đán này vì phải phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh, thành. Ảnh: Chinh Hoàng.

Chỉ mới trở lại đón khách đi liên tỉnh từ Nha Trang lên TP.HCM trong vòng chưa đầy 2 tháng trở lại đây, theo ông Tâm, thực ra chạy chỉ để giữ mối chứ chủ nhà xe liên tục bù lỗ.

Ông Tâm nói, giá vé xe khách tuyến Nha Trang – TP.HCM khách đi và quay đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay với giá một chiều 245.000 đồng. Cạnh đó, lượng hàng hóa cũng sụt giảm theo không thể bù trừ cho nhau được. Thành ra, để giữ được mức ổn định lượng khách và hàng hóa trong thời gian này rất khó.

Tài xế xe khách liên tỉnh lo “mất Tết” - Ảnh 2.

Bến xe Miền Đông nhìn từ trên cao. Ảnh: Chinh Hoàng.

Ở thời diểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, cận kề dịp Tết Nguyên Đán này ông Tâm kể rằng, khách đặt vé đi và quay đầu liên tục, hàng hóa có khi phải giao, bốc xếp đến đêm muộn mới về nhà. Nhưng, năm nay hầu như mọi thứ đều dần dần trở về như lúc mới bắt đầu vận hành xe đi liên tỉnh: không có khách, hàng hóa cũng không nốt.

Lý giải về lí do sợ mất Tết, ông Tâm nói, mình vẫn còn may mắn hơn so với những anh em tài xế khác ở đây, bởi vì họ làm chủ xe và hiển nhiên mọi chi phí bù lỗ, đi lại, chăm lo cho nhân viên đều một mình gánh hết.

"Tôi chỉ lái xe thuê cho Công ty vẫn được trả lương đầy đủ hàng tháng, vẫn gồng gánh lo cho vợ con ở nhà được. Nhưng, với lượng khách như này thì đối với một người làm nghề năm như tôi ai cũng sẽ thấy buồn. Chủ xe kiếm được tiền, lúc đó nhân viên mới sung túc được và tuyệt nhiên tôi không trông chờ vào khoản thưởng Tết cuối năm này", ông trải lòng.

Ở mức lương tài xế của ông Tâm chỉ đủ để chi trả những khoản chi tiêu sinh hoạt gia đình, lo cho con đi học. Ngoài công việc là tài xế chính, ông còn phụ bưng, bốc xếp hàng hóa trên mỗi chuyến xe của mình để kiếm thêm. Song, mặc nhiên thời gian này hầu như ông Tâm và các nhân viên đi cùng, đều đậu xe tại bến rồi nằm ngã ngiêng bấm điện thoại.

Ông bày tỏ: "Nếu trường hợp không có khách ít nhất những dịp cận kề Tết này lượng hàng hóa từ thành phố gửi về các tỉnh rất nhiều chúng tôi có thêm được một khoản phụ dành dụm đến khi nghỉ Tết cũng khá khẩm nhưng giờ có lẽ chịu rồi!".

Cũng theo ông, giờ đến đâu thì hay đến đó, điều trước tiên là phải lo được cho gia đình của mình trước. "Theo nghề lái xe đã lâu năm, như những cái Tết cận kề những năm về trước anh em tài xế chúng tôi háo hức lắm vì được nghỉ ngơi bên gia đình, vợ con. Năm nay, thời gian bên gia đình nhiều song, kinh tế eo hẹp và tôi hay kể cã những anh em khác không dám nghĩ đến Tết, ông Tâm cười hồn hậu.

Khách đặt vé "hờ", nỗi lo Tết ngày càng đè nặng…

Các chủ nhà xe mừng rỡ khi có khách hỏi đặt vé, gửi hàng. Tuy nhiên, khách chỉ gọi dò vé, đặt vé, gửi hàng "hờ". "Họ chỉ nói miệng vậy thôi, có khách thì mình cứ mừng đã nhưng toàn mừng hụt không à!", bà Hồ Thị Thu Phượng (chủ tuyến xe Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu) kể.

Tài xế xe khách liên tỉnh lo “mất Tết” - Ảnh 4.

Bà Hồ Thị Thu Phượng nói, nhiều khả năng phải bán 1 chiếc xe để bù lõ, gánh nợ ngân hàng. Ảnh: Chinh Hoàng.

Bà Phượng là người có nguy cơ cao vỡ nợ ngân hàng bởi vì trước đó, bà liên tục bù lỗ vào các chuyến xe của mình do không có khách và hàng hóa kèm theo. Giá vé tuyến Châu Đốc (Bà Rịa Vũng Tàu) đi bến xe Miền Đông bà Phượng cho hay chỉ với 65.000 đồng, tuy nhiên từ lúc được hoạt động trở lại cho đến bây giờ mọi ngày đi và về như đi dạo chơi.

Bà Phượng có đến 3 chiếc xe, 2 tuyến chạy dưới quê, 1 tuyến chạy lên TP.HCM. Hiện nay, tuyến dưới quê Châu Đốc đã dừng hoạt động từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay.

"Cả 3 chiếc xe đều vay vốn ngân hàng để mua, hàng tháng phải trả lãi đầy đủ, đúng hạn. Không làm ăn được, cũng cận kề Tết rồi tôi chưa biết xoay đâu ra tiền trã lãi ngân hàng. Đối với tôi, Tết của những năm về trước tuy không đủ đầy nhưng ít ra vẫn có cái gọi là đầm ấm đủ chi tiêu trong gia đình, năm nay…", bà Phượng bộc bạch.

Nhiều nỗi lo đè nặng trên đôi vai của bà Phượng không chỉ dừng lại ở tiền lãi ngân hàng, tiền chi tiêu dịp Tết. Mà trong đó, số nhân viên (bao gồm phụ xe và tài xế của bà Phượng) đang có xu hướng nghỉ dần vì trên những tuyến xe từ Châu Đốc lên TP.HCM đều không có nguồn thu vì không có khách và hàng hóa.

"Tôi cảm thấy bất lực, cũng phải cảm thông cho nhân viên vì bây giờ đi với tôi họ không thể kiếm ra nguồn thu. Họ cũng phải đi kiếm việc khác để lo cho gia đình. Trước mắt, tôi cứ gồng gánh tạm thời cho qua mùa Tết này, nhiều khả năng tôi phải bán lại 1 chiếc xe đễ bù lỗ…", bà nói.

Trong xuyên suốt các cuộc trò chuyện với các tài xế, hầu hết họ điều cho rằng: "Tết nay, có gì hay đó còn kiếm được tiền lo cho gia đình trong thời gian này là còn may…".

Đìu hiu thị trường vé xe Tết, khó xác định được lượng khách

Đại diện Bến xe miền Đông cho biết, bến chưa có kế hoạch phục vụ Tết Nguyên Đán bởi hoạt động vận tải vẫn chưa phục hồi, nhiều tỉnh cũng chưa mở lại tuyến. Dự báo tình hình đi lại sắp tới phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như chủ trương của từng địa phương nên khó dự báo.

Còn ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Tây cho hay, nếu như mọi năm giờ này công tác chuẩn bị kế hoạch bán vé Tết đã hoàn thành thì năm nay mọi thứ vẫn cần phải tính toán. Theo ông Huân, hiện nay hoạt động vận tải chưa hồi phục, chỉ mới khoảng 50% doanh nghiệp tại bến hoạt động trở lại nhưng chủ yếu là cầm chừng, vận chuyển hàng hoá là chính. Hiện nay mỗi ngày chỉ khoảng 120-130 xe xuất bến với khoảng hơn 1.000 khách, tức là chưa tới 10% số xe, chưa tới 5% hành khách như trước khi có dịch.

Ông Huân phân tích, những người trên thành phố trở về quê sau giãn cách khá lớn và hiện rất ngại lên lại thành phố. Những người đang có mặt tại thành phố cũng ngần ngại trong chuyện về quê bởi quy định chống dịch ở từng địa phương khác nhau. Do đó, bến cũng rất khó khăn trong công tác dự báo lượng khách trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên Đán sắp tới.

Hiện bến xe miền Tây đang làm việc với các bến xe khác tại thành phố và các tỉnh miền Tây để nắm tình hình, đưa ra dự báo trước khi báo cáo Sở Giao thông vận tải ban hành kế hoạch phục vụ. Tuy nhiên, ông Huân khẳng định, dù lượng khách sắp tới có tăng đột biến thì bến vẫn đảm bảo phục vụ tốt bởi Bến xe miền Tây có công suất phục vụ lên đến 65.000 khách/ngày.

"Bến đang rất khó khăn trong việc dự báo sản lượng phục vụ. Với dự đoán tới thời điểm này nếu có tăng đột biến trong vòng một ngày đi nữa thì với công suất, năng lực phục vụ của bến thì dư sức đáp ứng bởi tình hình khách quá thấp"- ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân cho biết.

Chỉ còn hơn 1,5 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Tất cả đều mong tình hình phòng chống dịch Covid-19 có những chuyển biến tích cực để người dân có cơ hội đoàn viên bên gia đình và hoạt động vận tải hành khách cũng khởi sắc hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem