Tâm sự của những người phụ nữ còng lưng mưu sinh quên ngày 8/3

Doãn Nhàn - Thùy Anh Thứ ba, ngày 08/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, khắp phố xá ngập tràn hoa tươi, nhưng giữa ngày vui này vẫn còn đó những người phụ nữ lam lũ, suốt ngày mặt cúi, lưng còng, nhọc nhằn vì kiếp mưu sinh. Họ chẳng dám nghĩ đến hoa, đến quà, với họ “đủ ăn đã là tốt lắm rồi”.
Bình luận 0

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 là ngày dành cho các bà, các mẹ, chị em phụ nữ những đóa hoa tươi thắm và tiếng cười. Dẫu vậy, giữa niềm vui của muôn người, vẫn còn đó rất nhiều người phụ nữ vất vả mưu sinh, chạy vạy lo từng bữa cơm.

Những người phụ nữ đầu tắt mặt tối

Chậm rãi từng bước chân một di chuyển lên bậc thang, cô Dương Thị Hoài (63 tuổi, Thanh Hóa) đang vận chuyển bao hàng giúp khách. Dáng người cô nhỏ nhắn, tấm lưng gầy thêm bao hàng trên vai nặng trĩu còng xuống. Cô Hoài chỉ là một trong rất nhiều nữ cửu vạn ở chợ Đồng Xuân. Vừa thả bao hàng của khách xuống, cô thở một hơi dài sau một quãng đường di chuyển xa.

Chợ Đồng Xuân là nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ làm “cửu vạn”. Ảnh: Doãn Nhàn

Chợ Đồng Xuân là nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ làm “cửu vạn”. Ảnh: Doãn Nhàn

Thấy phóng viên hỏi chuyện, cô Hoài cũng nhiệt tình tâm sự: “Cô khuân hộ người ta, họ trả bao nhiêu là tùy tâm cháu ạ. Thường thì sẽ được trả từ 10.000-20.000 đồng tùy bao hàng nặng hay nhẹ”. Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong những khu chợ lớn nhất ở Hà Nội. Nơi đây tập trung nhiều “cửu vạn” từ các tỉnh lân cận như Nam Định, Yên Bái, Hưng Yên, Thanh Hóa… Họ chủ yếu là lao động nữ có độ tuổi trung bình khoảng 40-60 tuổi.

Đã ở cái tuổi có cháu có chắt bế bồng, nhưng cô Hoài vẫn phải tha hương mưu sinh nơi xứ người. Hàng ngày, cô đến chợ làm công việc khuân vác hàng thuê. “Làm công việc này bao nhiêu năm nay rồi nhưng cô cũng không quen được. Cái lưng cứ đêm về là đau nhức khủng khiếp. Tuổi cô ngày càng lớn rồi, xương cốt không dẻo dai như trước. Bây giờ cứ đêm về là phải mua cao dán thì mới ngủ được”, cô Hoài kể.

Bất kể nắng mưa, hàng ngày cứ khoảng 3 giờ sáng, cô Hoài cùng một số chị em khác đến chợ Long Biên để kiếm việc làm. Ban ngày mới quay lại chợ Đồng Xuân, ai thuê gì làm nấy. “Mỗi ngày suôn sẻ thì cô có 200.000-300.000 đồng. Nhưng từ độ Tết ra dịch dã, ít người đi chợ nên cũng không mấy người thuê, đói lắm”, cô kể thêm.

Công việc “bán sức lao động” này là nguồn thu nhập chính của nhiều người. Ảnh: Doãn Nhàn

Công việc “bán sức lao động” này là nguồn thu nhập chính của nhiều người. Ảnh: Doãn Nhàn

Công việc “bán sức lao động” này là nguồn thu nhập duy nhất giúp cô trang trải cuộc sống. Để tiết kiệm tiền nhà ở, cô Hoài cùng một số người lao động khác thuê chung một phòng trọ nhỏ cách chợ tầm gần 1 cây số. Mỗi tháng chi phí điện nước, tiền phòng trọ,... chia ra mỗi người khoảng 500.000 đồng.

“Có chỗ ở là tốt lắm rồi, nào dám nghĩ đến chỗ cao sang gì cháu ơi. Phòng trọ các cô hơi nhỏ, chật, ẩm thấp, dùng chung khu vệ sinh với các phòng khác. Nhưng cứ có chỗ chui ra chui vào, nắng mưa không phải ở nơi gầm cầu là hạnh phúc hơn nhiều người rồi”, cô nói. Khi nhắc về mong ước ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, cô Hoài chỉ cười trừ: “Lao động chân tay như cô thì làm gì có Ngày Quốc tế phụ nữ. Đầu tắt mặt tối suốt ngày, cô cũng chỉ mong đủ cơm đủ cháo no bữa là được”.

Chưa một lần dám nghĩ tới Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3

Phía dưới cầu thang, bên cạnh những xe chất đầy rác, bà T. đang nhặt nhạnh những thứ có thể bán đồng nát được. Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi, từ Hà Nam bà lặn lội lên Hà Nội để mưu sinh: “Bà già thế này rồi ở quê còn ai thuê nữa, việc nặng nhọc thì bà cũng không làm được. Làm công việc này mỗi ngày cũng kiếm được vài chục, đủ rau cháo qua ngày là bà vui rồi”.

Phía dưới chân cầu thang nhỏ hẹp, xung quanh đầy xe rác lại là nơi bà T. mưu sinh hàng ngày. Ảnh: Doãn Nhàn

Phía dưới chân cầu thang nhỏ hẹp, xung quanh đầy xe rác lại là nơi bà T. mưu sinh hàng ngày. Ảnh: Doãn Nhàn

Bà T. thuê chung trọ với những người lao động nghèo khác ở gần chợ Đồng Xuân. Mỗi tháng bà mất khoảng 400.000 đồng tiền thuê trọ. “Sáng bà gói cơm từ nhà đi, trưa tranh thủ kiếm chỗ để ăn tạm. Vừa làm vừa nghỉ, tới chiều bà lại về xóm trọ. Chỉ mong trời nắng ráo, người đi chợ đông đúc để bà còn có rác mà nhặt. Cứ hôm nào trời mưa tầm tã là phải nghỉ ở nhà, mà nghỉ là đói”, bà kể.

Ra Tết, dịch bệnh ở Hà Nội phức tạp hơn vì vậy người đi chợ thưa, thu nhập của bà cũng vì thế mà đã bấp bênh nay lại thêm “còm cõi”. Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng bà T. vẫn phải mưu sinh để lo cho đứa con đã ngoài 30 tuổi bị bệnh tâm thần của mình. “Một năm 3 lần nó phải vào trại điên, cũng khổ lắm. Chẳng biết lúc mình già yếu rồi nó biết dựa vào ai”... Nói rồi hai hàng nước mắt lăn dài, bà chỉ biết nhìn ra khoảng trời mênh mông.

Ngày Quốc tế phụ nữ, nhiều người không được tặng hoa, tặng quà. Thay vào đó, họ bán "niềm vui" cho người khác để đổi lại vài đồng lãi. Ảnh: Doãn Nhàn

Ngày Quốc tế phụ nữ, nhiều người không được tặng hoa, tặng quà. Thay vào đó, họ bán "niềm vui" cho người khác để đổi lại vài đồng lãi mưu sinh. Ảnh: Doãn Nhàn

Vất vả cả một đời nhưng bà T. chẳng bao giờ dám nghĩ tới Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. “Bà bây giờ già rồi, Ngày Quốc tế phụ nữ cũng chỉ là một ngày bình thường thôi. Bà chỉ mong ông trời cho bà sức khỏe để bà làm việc, nuôi con. Khi nào ông trời bắt đi thì mong ông đưa đi nhanh, đừng ốm đau liên miên phiền lụy đến con đến cháu…”, bà T. trải lòng.

Tâm sự của những người phụ nữ “mặt cúi, lưng còng nhọc nhằn mưu sinh” quên ngày 8/3 - Ảnh 5.

Một mùa Quốc tế phụ nữ lại đến, chỉ biết thầm chúc những người phụ nữ không có ngày 8/3 sống thật hạnh phúc giữa những lo toan, vất vả của dòng đời. Ảnh: Doãn Nhàn

Vì hoàn cảnh khó khăn, rất nhiều các bà, các mẹ, các chị đang phải lam lũ cõng nắng, cõng sương tất bật bon chen mưu sinh nơi phố thị. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai khiến những người như cô Hoài, bà T. chẳng bao giờ dám nghĩ đến Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đối với họ, có đủ cơm ăn, áo mặc đã là vui lắm rồi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem