Tết cận kề, công nhân - lao động ở TP.HCM làm việc cật lực, mong cái Tết đầm ấm

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 18/01/2022 14:04 PM (GMT+7)
Tết Nguyên đán cận kề, công nhân, người lao động tự do ở TP.HCM cật lực làm việc, mong mỏi những ngày Xuân yên bình bên người thân sau thời gian dài khốn khó do dịch bệnh.
Bình luận 0

Với những lao động tự do "đứng tuổi", mong ước của họ thật nhỏ nhoi nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được khi phải chạy ăn từng bữa. Họ cật lực làm việc, chỉ với mong mỏi con cháu của mình tạm đủ đầy, hay chỉ đơn thuần là một tấm áo mới trong ngày Xuân.

"Tôi chạy ăn từng bữa quen rồi!"

"Đối với tôi, việc chạy ăn từng bữa như ở thời điểm bùng dịch Covid đã trở thành quen, quen lắm rồi. Nhưng, ngoài lo cho mình, trong mùa Tết tôi muốn tặng cho cháu nội đang ở quê một bộ quần áo mới", bà Đoàn Thị Thanh (quê Bình Thuận), lao động tự do với nghề buôn bán ve chai thổ lộ với phóng viên.

Lao động tự do, công nhân ở TP.HCM dịp cận Tết Nguyên đán 2022: Làm việc cật lực, mong mỏi Tết đầm ấm - Ảnh 1.

Bà Đoàn Thị Thanh (quê Bình Thuận) lao động tự do với nghề buôn bán ve chai thổ lộ: "Sức khỏe tôi không đảm bảo, những Tết này tôi muốn mua cho cháu nội bộ quần áo mới, nhiều năm qua tôi chưa thực hiện được điều này". Ảnh: Chinh Hoàng.

Bà Thanh mưu sinh ở TP.HCM, tính đến nay đã hơn 15 năm. Và, trong ngần ấy năm, công việc chủ đạo của bà là buôn ve chai để kiếm sống. Bà là mẹ đơn thân có 2 người con trai - cả hai đều ở quê và đã lập gia đình, nhưng cuộc sống không mấy thấm khá. "Cả hai đứa đều không có nghề nghiệp ổn định, làm thuê mướn ngoài quê đủ sống tạm bợ qua ngày thôi!", bà Thanh kể.

Công việc đồng án ở quê không mang lại thu nhập khá, chạy vạy mượn gạo ăn từng bữa đối với bà Thanh như một cơn ác mộng nhiều năm. Bà quyết định vào Sài Gòn khởi nghiệp với nghề bán quán cơm với mong muốn cuộc sống ổn định hơn. Và điều bà luôn trăn trở đó là làm cách nào để lo cho hai đứa con của mình một cách chu toàn.

Nhưng trớ trêu thay, trong một lần bị tai biến nhẹ, sau khi hồi phục trở lại tay chân của bà đã không còn nhanh nhẹn như trước. Bà quyết định chuyển qua nghề buôn bán ve chai trên chiếc xe đạp "cà tàng", cũ kĩ đi khắp mọi nẻo đường ở Sài Gòn để mưu sinh. Lần gần nhất phóng viên gặp trò chuyện cùng bà tại đường Trần Hưng Đạo (quận 5).

Bà Thanh tâm sự, sức khỏe của của mình nếu còn tốt như lúc chưa xảy ra bệnh, sẽ đi được nhiều nơi, sẽ mua được nhiều hàng hơn. Nhưng nay bà đã dần yếu đi, số lượng hàng mua được cũng ít, vì thế mà thu nhập cũng chẳng được là bao. "Hằng ngày, tôi chỉ dám loanh quanh ở khu vực quận 5, quận 1 này thôi, không dám đi xa, sợ không về được", bà nói. Mặc dù sức khỏe yếu và chỉ quanh quẩn những khu vực thân quen bà Thanh hay đi qua. Vậy nhưng, từ 6h sáng bà Thanh đã ra khỏi nhà đi làm, 7-8h tối mới về đến nhà, nhưng thu nhập cũng chỉ được chừng 100 - 150 nghìn đồng/ngày.

Làm việc cật lực 12 tiếng mỗi ngày và với số tiền thu nhập như trên, bà Thanh cho rằng, chỉ đủ để bà đóng tiền trọ, tiền sinh hoạt hằng ngày. "Thi thoảng phải chạy vạy mượn gạo như hồi ở quê, như mùa dịch Covid-19 vừa qua".

Tài xế công nghệ vật vã "kiếm cơm" những ngày cận Tết

Lao động tự do, công nhân ở TP.HCM dịp cận Tết Nguyên đán 2022: Làm việc cật lực, mong mỏi Tết đầm ấm - Ảnh 3.

Anh Bùi Nam (quê Bình Dương), tài xế giao hàng công nghệ chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "Làm nhiều giờ, chạy xe ngoài đường liên tục song, thu nhập bất ổn định trong dịp cận Tết Nguyên đán này". Ảnh: Chinh Hoàng.

Theo nhiều tài xế công nghệ, sau giãn cách xã hội ở TP.HCM thu nhập ngày càng giảm đi khi tâm lí người dân vẫn còn ngần ngại di chuyển bằng hình thức đặt cuốc xe hoặc gửi hàng.

"Nếu như trước kia làm ngày 8-12 giờ có thể thu về 400-500 nghìn đồng/ngày nhưng thời gian hiện nay khá bấp bênh, ngày được ngày không. Có hôm mở app từ 6h sáng đến tận chiều chỉ kiếm được vài chục nghìn không lại tiền xăng xe", một tài xế công nghệ giãi bày.

Anh Bùi Nam (quê Bình Dương), tài xế giao hàng công nghệ, mỗi sáng anh Nam thường rời nhà lúc 6 giờ và về nhà khi đồng hồ đã điểm sang ngày hôm sau. Anh Nam lên TP.HCM đến nay đã hơn 5 năm, bén duyên với nghề tài xế xe công nghệ này hơn 2 năm trước và gắn bó từ đó đến nay.

Theo anh Nam, gia đình anh không mấy khá giả, lại đông anh chị em, bố mẹ anh cũng đã lớn tuổi không làm được gì nhiều. Tết cũng gần tới, anh Nam với mong muốn về quê có thêm cái gì gọi là quà cho bố mẹ và các cháu. Nên trong khoản thời gian này dù có vất vả bấy nhiêu, anh cũng không ngần ngại đi sớm về khuya cốt để kiếm tiền mang không khí Tết ấm no về cho cha mẹ, con cháu.


Cũng là tài xế xe công nghệ, anh Nguyễn Văn Bính (quê Lâm Đồng) cũng đang không ngừng tăng giờ làm lên hằng ngày, đặc biệt từ sau thời gian kết thúc giãn cách xã hội. Tháng 8 vừa qua, gia đình anh Bính đón tin vui khi có thêm thành viên mới, nhưng đi kèm cùng với niềm vui đó cũng là nỗi lo âu, gánh nặng cơm áo gạo tiền.


Trước kia chỉ có 2 vợ chồng, anh Bính cho rằng, thế nào rồi cũng xong. Nhà cửa không lớn nhưng cũng có chỗ chui ra chui vào. Nhưng từ ngày có con, thêm miệng ăn mà lại bớt đi người làm - vợ đang nghỉ sinh, chưa đi làm lại, thu nhập vì thế cũng giảm đi, cuộc sống không khỏi vật vã khi từng cuốc xe mỗi ngày của mình đều hết nhẵn không dư. "Dịp cận Tết rồi, tôi phải tăng cường ở ngoài đường nhiều hơn để kiếm thêm mua sữa phụ cho vợ của mình. Tình hình này về quê là điều không thể khi tiền ăn còn phải chạy vạy từng ngày như thế…", anh Bính nói.

Công nhân: "Mong chờ thưởng Tết để nhìn thấy con cái ấm no"

Trong những tháng cận kề Tết Nguyên đán để tăng thu nhập, công nhân của các xí nghiệp đã không ngần ngại tăng ca liên tục đến nữa đêm. Không dừng lại ở đó, thời gian nghỉ của ngày cuối tuần chỉ vỏn vẹn 1 ngày họ còn nhận thêm hàng về nhà để làm thêm và cuối cùng điều mong muốn của họ vẫn là: "Vì cái Tết ấm no cho con cái của mình".

Lao động tự do, công nhân ở TP.HCM dịp cận Tết Nguyên đán 2022: Làm việc cật lực, mong mỏi Tết đầm ấm - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hiền (quê Thái Bình) - công nhân đóng gói cho Công ty dược phẩm, ngày càng mong chờ tới ngày được nhận lương, thưởng Tết. Ảnh: Chinh Hoàng

Bà Nguyễn Thị Hiền (quê Thái Bình) - công nhân đóng gói cho Công ty dược phẩm, ngày càng mong chờ tới ngày được nhận lương, thưởng Tết. Bà Hiền bắt đầu trở lại làm việc từ tháng giữa 10, những tháng trước dịch thu nhập của chị Hiền khoảng 7-8 triệu đồng nhưng sau dịch con số này rút xuống chỉ còn 4 triệu đồng. "Trong thời gian dịch, khoản tiền tích góp được sau bao ngày tháng cũng cạn, tôi phải nợ lại tiền trọ. Vừa có lương sau tháng đầu tiên đi làm lại tôi trả cho chủ nhà trọ là hết cả tháng lương"- bà Hiền bộc bạch.

Sau gần nửa năm thu nhập bấp bênh, những tháng cuối cùng của năm, bà Hiền sẵn sàng làm thêm giờ, tăng ca để kiếm thêm tiền trong dịp này. Ngoài ra, chủ nhật là ngày nghỉ duy nhất của bà Hiền nhưng không ngần ngại công việc ảnh hưởng đến sức khỏe, bà tiếp tục nhận thêm hàng mang về nhà để làm.

"Tuỳ theo công ty sắp xếp, có khi tôi làm thêm giờ sáng có khi làm thêm giờ tối, lúc nào tôi cũng sẵn sàng miễn là công ty cần. Tôi mong khoản thưởng Tết nhiều lắm chứ. Nếu được thưởng nhiều một chút, tính toán đủ thì tôi sẽ về quê ăn Tết vì mình ở đây là ở trọ mà. Nhưng nếu không đủ thì cũng không sao, chỉ mong đến Tết thì mâm cơm đầy đủ hơn. Con cái của mình sẽ được quần áo mới chúng vui, vợ chồng tôi cũng vui", bà Hiền chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem