Tết ở cụm giàn dầu khí xa nhất Biển Đông

Anh Minh Thứ hai, ngày 23/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh cách đất liền 320km, là cụm giàn xa nhất trên biển Đông của Việt Nam. Ở đó, khi Tết đến, những người thợ dầu khí ấy sẽ đón Tết giữa bốn bề sóng nước, với rất nhiều sự nhớ thương gia đình, và không khí Tết trên đất liền…
Bình luận 0

Tết không ngày nghỉ

Hải Thạch - Mộc Tinh những ngày giáp Tết, gió chướng thổi mạnh, sóng cả bạc đầu vỗ ào ào vào chân đế. Khi ở đất liền, không khí Tết đã tràn ngập phố phường, còn trên cụm giàn, các kỹ sư, người lao động vẫn làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí với cường độ gấp 2-3 ngày thường. 

Lý giải cho cường độ làm việc này, anh Đoàn Mai Lâm - Giàn trưởng cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh chia sẻ, đó là nét đặc thù của các giàn khai thác khí. Bởi chỉ khi Tết đến, các nhà máy, xí nghiệp… dừng sản xuất thì nhu cầu điện tạm giảm đi, các nhà máy điện khí mới có thể giảm công suất, các giàn khai thác khí giảm công suất theo. Lúc đó mới là thời điểm giàn có thể triển khai sửa chữa lớn. Nhưng thời gian nhu cầu khí tạm giảm chỉ có chừng 1 tuần, nên để triển khai sửa chữa lớn, các kỹ sư trên giàn phải tập trung cao độ, làm việc liên tục với cường độ cao.

xuan/ Tết ở cụm giàn dầu khí xa nhất Biển Đông - Ảnh 1.

Cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh là công trình dầu khí hoàn toàn do người Việt thiết kế, chế tạo và lắp đặt trên một vùng mỏ có điều kiện địa chất vô cùng phức tạp, chưa từng có tiền lệ khai thác thành công trên thế giới. Đây cũng là một trong hai công trình dầu khí lớn nhất trên Biển Đông.

Đơn vị chủ quản của cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh là đơn vị cung cấp khí lớn thứ 2 Việt Nam. Với vai trò quan trọng ấy, trừ những lần bảo dưỡng định kỳ, cụm giàn này chỉ có thể sửa chữa lớn vào những ngày Tết.

Kế hoạch làm việc trên giàn ngày Tết đã được chuẩn bị trước hàng tháng, khi Tết dương lịch còn chưa qua đi. Kỹ sư cơ khí Trần Hữu Đăng cho biết, anh em sẽ rà soát lịch của mình xem những ngày Tết sẽ đang ở trên bờ hay ngoài giàn. Với những người năm trước đã được ở trên bờ đón Tết cùng gia đình thì năm nay sẽ trực ở giàn. Cứ thế tuần tự, 1 năm ở giàn, 1 năm trên bờ… Ở giàn Hải Thạch - Mộc Tinh có những người đã làm việc trên biển hơn 20 năm, vì vậy đã đón Tết hơn 10 năm trên biển.

Cuộc đời của những người làm dầu khí trên biển là chuỗi ngày đối mặt với sóng cả, gió lớn; làm việc liên tục với cường độ cao và rưng rức nỗi nhớ gia đình, vợ con. Không phải dịp Tết thì những kỹ sư, công nhân trên giàn Hải Thạch chia hai ca ngày đêm, làm việc 12 tiếng một ngày, liên tục trong 21 ngày không nghỉ. Rồi họ về bờ nghỉ 21 ngày, sau đó lại ra khơi . Trong năm chỉ duy nhất chiều 30 Tết là anh em được nghỉ sớm, dọn dẹp và chuẩn bị đón giao thừa.

Chào cờ, thi gói bánh và xin giấy phép... thắp hương

xuan/ Tết ở cụm giàn dầu khí xa nhất Biển Đông - Ảnh 3.

Các kỹ sư trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh (ảnh trái) và lễ chào cờ trên giàn. Ảnh: Anh Minh

Lễ chào cờ trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là lễ chào cờ trên giàn khoan xa nhất biển Đông. Mỗi sáng thứ 2, tất cả kỹ sư, người lao động trên giàn đều tập trung tại khu vực sân bay trực thăng để thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca. Vào những ngày Tết, lễ chào cờ sẽ được thực hiện vào thứ 2 gần giao thừa nhất. Tất cả sẽ đặt tay lên trái tim, Quốc ca cất vang giữa trùng khơi, giữa bốn bề sóng gió. Lễ chào cờ này được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước, luôn nhắc nhở những kỹ sư trên giàn về tình yêu đất nước và trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, Giàn trưởng Đoàn Mai Lâm chia sẻ.

xuan/ Tết ở cụm giàn dầu khí xa nhất Biển Đông - Ảnh 4.

Kỹ sư, người lao động trên giàn thi gói bánh chưng. Ảnh: A.M

Để giúp anh em trên giàn vơi đi nỗi nhớ nhà, mỗi mùa Tết, trên cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh sẽ tổ chức thi gói bánh chưng, thi cờ tướng, thi bóng bàn… Trong đó, nhiều tiếng cười nhất là thi gói bánh chưng. Nguyên vật liệu gói bánh đã được chuyển ra giàn từ trước đó mấy ngày. Tất cả đều đầy đủ, từ những nguyên vật liệu thiết yếu để gói bánh như lá dong, lạt, gạo nếp, đỗ xanh đến những gia vị nhỏ nhất. Những ngày giáp Tết, tranh thủ giờ nghỉ, hội thi gói bánh chưng được tiến hành để tìm ra những chiếc bánh đẹp nhất đặt lên bàn thờ cúng đêm giao thừa. Hoa, tranh, câu đối, trái cây, mứt bánh… đã được đất liền chuyển ra.

Chuyện nghe qua như đùa, nhưng để thắp được hương trên giàn khoan dầu khí thì phải trải qua cả một quy trình nghiêm ngặt. Ở trên giàn, nhất là giàn khai thác khí như cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh, công tác an toàn được đặt lên hàng đầu. Tất cả những người làm việc trên giàn đều phải mặc đồ bảo hộ liền thân, đội mũ, đeo kính và đi giày bảo hộ. Bộ đồ bảo hộ tại cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh thuộc loại tốt nhất, may bằng vải cháy chậm của hãng bảo hộ danh tiếng Redwing. Kính bảo hộ làm bằng mê - ca chống xước, chống lóa, chống hóa chất… Còn giày thì giá cả chục triệu đồng/đôi, loại mũi giày có cốt thép, chân người đi giày phải chịu được vật nặng 20kg rơi từ độ cao 2m xuống.

Công tác an toàn nghiêm ngặt như thế nên chuyện thắp hương đêm giao thừa trên cụm giàn này cũng nhiều ly kỳ. 3 nén hương đêm giao thừa là 3 nén hương duy nhất trong năm được thắp lên ở giàn, và mất khoảng nửa ngày để chuẩn bị. Còn việc xin giấy phép tổng công ty trong đất liền thì đã phải tiến hành từ nhiều ngày trước. Từ ngoài biển, giàn trưởng phải làm một báo cáo chi tiết về quy trình thắp hương, quy trình phòng chống cháy nổ gửi về ban an toàn của tổng công ty. Sau khi được đồng ý bằng văn bản, giàn trưởng phải bố trí đầy đủ các quy trình phòng chống cháy nổ để đêm giao thừa có thể thắp hương.

Ngay từ chiều 30 Tết, một giám sát an toàn đã phải đem theo máy dò khí dò khắp khu vực nhà ở (nơi đặt bàn thờ) để đảm bảo không có khí rò rỉ. Đồng thời, hệ thống điều hòa không khí trong khu vực được kiểm tra chặt chẽ, luôn phải đảm bảo áp suất không khí bên trong luôn cao hơn bên ngoài. Việc này nhằm để để không khí bên ngoài (là nơi có khả năng có khí cháy nổ) không thể xâm nhập vào khu vực tổ chức thắp hương. Hệ thống báo cháy được tạm cô lập, để tránh trường hợp tự động tắt giàn. Các máy dò khí được đặt xung quanh các cửa để có thể kịp thời báo động nếu có khí rò rỉ vào trong.

Giao thừa đến, giàn trưởng thắp 3 nén hương và cùng anh em cầu chúc cho gia đình, bản thân luôn mạnh khoẻ, làm việc an toàn, công việc hanh thông. Chờ hương cháy hết, anh em dọn dẹp và khởi động lại hệ thống báo cháy, rồi gửi thông báo về đất liền rằng đã tắt hương... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem