Lo dân "gánh" lãi suất cao, ông Nguyễn Tuấn Anh gợi ý "chấp nhận ưu đãi" cho người mở thẻ tín dụng nội địa

H.Anh Thứ sáu, ngày 15/09/2023 18:15 PM (GMT+7)
"Phát hành thẻ tín dụng nội địa có chi phí rất cao, cho nên người sử dụng thẻ tín dụng nội địa thông thường đang phải chịu mức lãi suất rất cao. Chúng ta cũng mạnh dạn nghĩ đến một hướng mới để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa trong nước".
Bình luận 0

Đó là gợi ý của ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tại hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức ngày 15/9.

Dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất lớn

Tại hội thảo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian qua, NHNN đã chủ động nghiên cứu ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật QR Code, thẻ chip, tăng cường chuẩn hóa tính liên thông trong ngành ngân hàng, giữa ngành ngân hàng với các lĩnh vực khác…

Đồng thời các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.

Sử dụng công cụ lãi suất khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Theo Phó Thống đốc, những chính sách, quy định kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong xã hội, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp. Từ đó đem lại một số kết quả như sau:

Đến cuối năm 2022, trên 77,41% người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán bằng ngân hàng. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua QR Code tăng 124,15% về số lượng.

Việc mở tài khoản trực tuyến được thực hiện từ cuối tháng 3/2021. Tính đến tháng 6 năm 2023 đã có gần 27 triệu tài khoản được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Đang hoạt động 10,8 triệu thẻ lưu hành bằng phương thức eKYC.

"Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các bên liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, cung cấp các sản phẩm thanh toán đa dạng, hiện đại, mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp biệt ở vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện, ngăn ngừa tín dụng đen" – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Sử dụng công cụ lãi suất khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng giám đốc NAPAS.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết, thời gian qua thẻ tín dụng ở Việt Nam có sự phát triển từ "không đến có". Đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh mẽ khi có sự tham gia của 15 ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Hiện, NAPAS đang phối hợp với các tổ chức thẻ quốc tế triển khai thẻ đồng thương hiệu, phục vụ tệp khách hàng có nhu cầu chi tiêu trong nước và quốc tế. Sử dụng thẻ đồng thương hiệu, người dân có thể thực hiện giao dịch trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

"Trước đây nếu muốn thanh toán chấp nhận trên điện thoại di động, phải đầu tư thiết bị đầu cuối sẽ mất nhiều chi phí cho ngân hàng. NAPAS phối hợp phát triển công nghệ "tap to phone" - biến điện thoại chạy trên nền tảng Android, chấp nhận thanh toán thẻ không qua tiếp xúc. Giải pháp này hướng đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có điều kiện đầu tư mua thiết bị. Ngoài ra, NAPAS phát triển thanh toán qua VietQR. Với VietQR không chỉ thanh toán 24/7 mà còn thanh toán qua NAPAS VietQR. Hiện nay thanh toán QR, Account to account payment đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên thanh toán bằng thẻ vẫn đang phổ biến và không thể thay thế hoàn toàn" – ông Hùng khẳng định.

Sử dụng công cụ lãi suất khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa - Ảnh 3.

Ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng giám đốc Agribank

Về phía ngân hàng thương mại, ông Lê Hồng Phúc – Phó Tổng giám đốc Agribank thừa nhận, thị trường thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa với những ưu thế vượt trội còn nhiều dư địa phát triển.

Chính vì thế, thời gian qua để đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa, Agribank đã phát triển mở rộng sản phẩm thẻ chip hai ứng dụng theo chuẩn VCCS - Lộc Việt. Đây là sản phẩm phát huy được tối đa thế mạnh công nghệ của sản phẩm thẻ chip nội địa

Agribank đã tích hợp thành công hai ứng dụng thẻ debit và credit trên cùng một con chip giúp tiết giảm chi phí phôi thẻ và giúp khách hàng chủ động, linh hoạt trong việc thanh toán mà không phải cầm theo quá nhiều thẻ.

Thẻ Lộc Việt của Agribank có nhiều ưu đãi rất là vượt bậc so với sản phẩm thẻ quốc tế như: thời gian ân hạn là 55 ngày; miễn toàn bộ phí phát hành và phí thường niên, bởi khách hàng mục tiêu của Agribank là đối tượng khách hàng yếu thế (khách hàng ở địa bàn nông nghiệp - thôn, đối tượng khách hàng được trả lượng, học sinh sinh viên và khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện).

"Mục tiêu phát triển sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hướng tới để phục vụ đa số người dân, hướng đến tài chính tài diện. So với thẻ tín dụng quốc tế các điều kiện về hạn mức, thủ tục, các loại phí,…người dân dễ dàng tiếp cận hơn, đây cũng là kênh tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho tiêu dùng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, người dân vùng sâu vùng xa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Hơn thế, còn góp phần quan trọng đưa thanh toán không dùng tiền mặt với phương thức hiện đại đến gần hơn với người dân", Phó Tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh.

"Mạnh dạn" nghĩ đến một hướng mới để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa trong nước

Dù còn nhiều dư địa, song các ngân hàng cũng gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai thẻ tín dụng nội địa.

Bà Phan Thị Thanh Nhàn – Giám đốc Trung tâm thẻ của BIDV cho biết, BIDV cung cấp dịch vụ chấp nhận thanh toán thông qua quy mô, tính năng dưới các hình thức như POS, QR Code, tích hợp sâu… phù hợp với từng đối tượng. Tuy nhiên, khó của ngân hàng đó là chi phí để đầu tư máy POS rất cao, trung bình lên đến 7 – 8 triệu đồng. "Không phải ngân hàng nào cũng đủ chi phí để đầu tư miễn phí cho toàn bộ khách hàng. Ngoài ra, không phải đơn vị thanh toán nào cũng chấp nhận trả phí. Đồng thời, sự cạnh tranh của các ngân hàng ở các trung tâm thương mại rất cao", bà Nhàn nêu thực tế.

Sử dụng công cụ lãi suất khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ thực tiễn, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng để phát triển thẻ tín dụng nội địa, không chỉ có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự phối hợp với các đơn vị phát hành thẻ, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là người sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Trong đó, theo ông Tuấn Anh đó là cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta phát triển thị trường lành mạnh.

Ông Tuấn Anh cũng trăn trở về thực tiễn liên quan đến công nghệ mới, ứng dụng mới có nhiều rủi ro cũng tiềm ẩn. "Chúng ta cũng cần có chính sách làm sao cho phù hợp. Chính vì thế, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ cho quyền lợi cho người sử dụng thẻ, tránh lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người sử dụng thẻ. Trên thực tế, chúng ta chủ yếu đang phát triển rất tốt thẻ tín dụng ở thành thị, thế nhưng ở thị trường nông thôn vẫn còn rất ít. Rõ ràng, chúng ta cần hướng đến việc phổ cập kiến thức tài chính, cơ chế cho sâu rộng người dân" ông Tuấn Anh phát biểu.

Cũng theo Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phát hành thẻ tín dụng nội địa có chi phí rất cao, cho nên người sử dụng thẻ tín dụng nội địa thông thường đang phải chịu mức lãi suất rất cao. Do đó, ông đề nghị NHNN "mạnh dạn" nghĩ đến một hướng mới để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa.

"Chúng ta có nên chấp nhận ưu đãi cho người sử dụng thẻ nếu như khách hàng sẵn sàng mở thẻ, chúng ta được một cơ chế ưu đãi về lãi suất tín dụng thấp hơn so với mức lãi suất cho các khoản tiếp cận tín dụng và cho các khoản cho vay tín dụng thông thường. Thực tế, nếu chúng ta giải quyết bộ hồ sơ cho vay cá nhân để tiêu dùng thì chúng ta cũng tốn chi phí để tiếp cận, giải quyết thẩm định hồ sơ. Hiện nay với việc phát hành thẻ tín dụng nội địa và ứng dụng mới như hiện này thì hoàn toàn có thể tận dụng để giảm thiểu chi phí. Vì vậy, không có lý do gì để chúng ta không cố gắng khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa bằng cách sử dụng công cụ lãi suất, trong đó công cụ lãi suất cho vay ưu đãi" - ông Tuấn Anh lý giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem