Thu hút doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đầu tư, tỉnh Tây Ninh là điểm sáng giảm nghèo thông tin

Trần Đáng Thứ năm, ngày 09/11/2023 07:31 AM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, hai năm qua (2022-2023) tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giảm nghèo thông tin trên địa bàn, và được đánh giá là điểm sáng trong công tác này.
Bình luận 0

Mở rộng độ tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông cho người dân trên địa bàn, nhằm giảm nghèo thông tin, thời gian qua tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Thu hút doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đầu tư, tỉnh Tây Ninh là “điểm sáng” giảm nghèo thông tin  - Ảnh 1.

Với việc nhiều doanh nghiệp viễn thông đầu tư trên địa bàn, kế hoạch giảm nghèo thông tin của Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ảnh: T.Đ

Điểm sáng về giảm nghèo thông tin

Hiện, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định là FPT Tây Ninh, VNPT Tây Ninh và Viettel chi nhánh Tây Ninh; 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, gồm: Mobifone Tây Ninh, Viettel chi nhánh Tây Ninh, VNPT Tây Ninh, FPT Tây Ninh cùng 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động, là Mobifone, Vinaphone, Viettel, Gmobile, Vietnamobile.

Các doanh nghiệp này đã cung cấp dịch vụ viễn thông cho hơn 1.000.000 thuê bao di động kết nối Internet (chiếm khoảng 91% dân số) và gần 260.000 thuê bao cố định kết nối Internet (chiếm 22% dân số). Qua đó, giúp người dân tiếp cận, khai thác thông tin nhanh chóng, sâu rộng, đa dạng.

Nhằm tăng cường độ tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân, Tây Ninh đã thành lập 631 tổ công nghệ số cộng đồng ở cấp xã, ấp/khu phố, với 4.401 thành viên tham gia. Qua đó đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu, như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch bệnh, xác định mã định danh cá nhân.

Thu hút doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đầu tư, tỉnh Tây Ninh là điểm sáng giảm nghèo thông tin  - Ảnh 2.

Mô hình nuôi ba ba của ông Lũy Thanh Tùng ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Vũ Nguyệt

Đồng thời, tạo nhóm mạng xã hội, như lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác thu hút người dân trong ấp, khu phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Tỉnh cũng đã xây dựng, phát triển, hoàn thiện các ứng dụng hỏi - đáp, cung cấp thông tin trực tuyến, như: Tổng đài 1022, Tây Ninh Smart, Cổng hành chính công tỉnh Tây Ninh, trang điện tử http://hoidap.tayninh.gov.vn…

Qua các kênh thông tin này, mỗi năm, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp nhận, trả lời hàng nghìn câu hỏi của công dân và giải quyết nhiều vấn đề khác, liên quan đến công tác quản lý nhà nước, cũng như kịp thời cung cấp thông tin trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, y tế cho nhân dân.

Trong chuyến công tác tại Tây Ninh vừa qua, đánh giá về công tác tuyên truyền, giảm nghèo thông tin của địa phương, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hoài, cho rằng Tây Ninh là điểm sáng năng động, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền; đưa thông tin sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân…

Tây Ninh tăng cường giảm nghèo thông tin

Năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết số 45 về quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025.

Thu hút doanh nghiệp dịch vụ viễn thông đầu tư, tỉnh Tây Ninh là “điểm sáng” giảm nghèo thông tin  - Ảnh 3.

Nhiều cán bộ thông tin, truyền thông của tỉnh Tây Ninh tham gia buổi bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng thực hiện kế hoạch giảm nghèo thông tin trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.Đ

Nhằm tăng cường cung cấp hiệu quả thông tin đến người dân thời gian tới, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa qua đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh tổ chức khoá bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông năm 2023 của 94 xã, phường, thị trấn của tỉnh. 

Khóa bồi dưỡng, nâng cao này nằm trong khuôn khổ của Dự án Truyền thông và giảm nghèo thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh cũng cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên chỉ đạo, định hướng hệ thống tuyên giáo, các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp, tập trung tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, nhất là vùng nông thôn, biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các lĩnh vực thông tin.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống…, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022), trong đó có 2 Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều, thuộc Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem