Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 2.

Anh "khởi nghiệp" trước tiên với cây bút hay khẩu súng?

- Nguyên uỷ tôi là một sĩ quan Cảnh sát hình sự, với gần 20 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu với tội phạm. Nhưng theo "nếp nhà", tôi rất yêu văn chương. Thời phổ thông, tôi là học sinh chuyên văn đã tham dự các kỳ thi Học sinh giỏi Văn toàn quốc.

Vào đại học, tôi viết khá đều những truyện ngắn, phóng sự, ghi chép gửi các báo. Đến khi trở thành người lính hình sự, dù làm nghề "súng đạn", nhưng niềm đam mê với con chữ trong tôi vẫn vẹn nguyên.

Đặc thù công việc của cánh trinh sát, điều tra viên chúng tôi rất khốc liệt, chạm đến tận cùng tội ác và sự thật trong các cuộc điều tra phá án, đối diện với nhiều hiểm nguy rình rập trong hành trình truy tìm thủ phạm.

Bù lại, hơn ai hết, chúng tôi được tiếp cận một cách trực tiếp nhất với các nhân vật, sự kiện. Đó là những trận đánh, những kẻ tội đồ sa lưới, những thử thách chông gai mà chỉ người trong cuộc mới biết, mới hiểu, những thân phận, nỗi đau bên lề vụ án…Tất cả, đối với một người viết, đó là chất liệu "vàng ròng" và không phải ai cũng có cơ may chạm tới. Tôi đã khai thác tối đa thế mạnh này cho các tác phẩm văn chương hay báo chí của mình.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 3.

20 năm theo lĩnh vực hình sự là một thời gian quá dài. Vậy cơ duyên nào đã khiến anh "bỏ súng cầm bút"?

- Tôi chuyển nghề có thể nói là vô cùng đột ngột. Vào một buổi trưa khi vừa dẫn quân đi bắt đối tượng đưa về đơn vị, tôi cùng anh em lính tráng ra quán cơm gần đó để ăn trưa. Mải chuyện vấp chân vào Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, kiêm Tổng biên tập Báo CAND) khi ông đang nhâm nhi cốc bia cỏ tại đó.

Thủ trưởng kéo cả bọn ngồi xuống trò chuyện. Rồi ông "than" rằng đang viết một kịch bản phim hình sự nhưng bị thiếu chất liệu cần thiết, đó là những chuyện ít biết bên lề các trận đánh của cánh lính hình sự.

Để giúp ông có thêm chất liệu cho dự án phim của mình, tôi đưa khóa cho một cậu lính chạy về đội mở tủ lấy ra cuốn sách đầu tay "Chuyện ngoài hồ sơ" để kính tặng ông.

Chuyện chỉ có thế. Nào ngờ vài tuần sau, ông điện bảo: "Mày viết tốt đấy, anh đang cần một thằng hiểu sâu về Công an, lại có chữ. Thôi mày về với anh", nghĩa là về Báo CAND - cơ quan ngôn luận của Bộ Công an.

Có thể nói phim "Bão ngầm" do anh làm biên kịch và Phó đạo diễn là một hiện tượng hiếm thấy trong nền điện ảnh nước nhà, khi mà rất nhiều vấn đề xã hội đương đại được kể khá mạnh dạn, táo bạo, không né tránh. Có những bí mật nào trong hành trình sáng tạo kịch bản và đưa phim lên sóng, thưa anh?

- Việc tôi viết phim và làm phim cũng đến thật đột ngột, vì rằng chưa bao giờ tôi nghĩ đến một ngày mình tham gia "show biz".

Thế nhưng sau khi tiểu thuyết đầu tay tựa đề "Bão ngầm" đoạt giải A trong Cuộc thi viết truyện và ký về đề tài "An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" tôi lại "bị" lính cũ ở ngôi nhà Số 7 Thiền Quang "xui", rằng nếu chuyển thể thành phim khả năng sẽ hay, vì kể được nhiều chuyện của chúng mình hơn.

Niềm tự hào lính trận, tình thân ái với đồng đội ngày nào, nhất là tình yêu ngành bỏng cháy, đã thôi thúc tôi cầm bút, bước vào hành trình 2 năm trời đằng đẵng "đánh vật" với kịch bản phim Bão ngầm.

Gần 2.300 trang viết thực sự là một khối lượng công việc khá đồ sộ mà tôi đã hoàn thành sau chừng ấy thời gian. Cũng chẳng hiểu tôi đã lấy ở đâu ra sự kiên trì như thế. Thú thực đã có nhiều lúc cạn ý tưởng, cảm thấy chán nản, mất hứng, muốn buông bút.

Duyên đến, tôi gặp một "đại gia" ở tỉnh Bình Dương là doanh nhân Trịnh Minh Phúc - một người rất có thiện cảm với ngành Công an. Được biết tôi đã dành mọi tâm huyết trong 2 năm để viết ra kịch bản này, anh đã quyết định đầu tư số tiền rất lớn, để làm một bộ phim thực sự đáng xem về ngành Công an, với một điều kiện: tôi phải bám sát hành trình làm phim với vai trò Phó đạo diễn phụ trách nghiệp vụ tác chiến và đối ngoại.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 5.

Trong phim "Bão ngầm", nhân vật Đào Hải Triều do nam chính Hà Việt Dũng thủ vai đã hiện lên như một "siêu trinh sát". Khán giả yêu thích bộ phim "Bão ngầm" rất tò mò về nguyên mẫu của nhân vật này. Đặt ra câu hỏi này cho Thượng tá Hiếu, anh tủm tỉm cười rồi "bật mí" có nhiều chuyện của Đào Hải Triều, chính là chuyện thật của anh trong hành trình điều tra khám phá tội phạm trước đây. Bởi chính anh là một trinh sát đã từng thực hiện các nhiệm vụ bí mật trong hang ổ tội phạm, trong các chuyên án đấu tranh với tội phạm ma tuý. Nhờ vậy nên anh mới có đủ chất liệu để kể một câu chuyện sống động như chúng ta đã thấy trên phim.

Nói về các phẩm chất cần có của một sĩ quan Cảnh sát, anh gói ghém trong cụm từ: "Một trái tim nóng, một cái đầu lạnh cùng đôi bàn tay sạch".

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 6.

Xem phim "Bão ngầm", khán giả có cảm nhận đó là câu chuyện mang dáng dấp hồi ký, tự sự. Phải chăng chuyện đó có thật ngoài đời, với những nhân vật thật sự đang hiện hữu quanh ta?

- Phim "Bão ngầm" là một tác phẩm điện ảnh hư cấu, tất cả nhân vật, diễn biến câu chuyện đều do tôi tưởng tượng ra. Nhưng chất liệu để phóng tác lại là những gì đã xảy ra trong cuộc sống, chiến đấu của tôi suốt thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát hình sự.

Trong phim, chúng tôi mô tả cuộc chiến đấu ở đáy sâu tâm lý nội tâm người lính khi cuộc đời đặt họ đứng trước sự lựa chọn, như phụng công hay tư lợi, trung thành hay phản bội, thực thà hay dối trá… Có thể thấy nhiều nhân vật trong phim, đặt biệt là nữ chính Vũ Hạ Lam đại diện cho sự chênh chao, nghiêng ngả, mất thăng bằng khi bị sự giàu sang cám dỗ.

Chất liệu tôi kể về cuộc chiến đấu nội tâm ấy, đi ra từ những đêm trằn trọc mất ngủ của mình trước đây. Vì tôi cũng đã từng đứng trước cám dỗ chết người và vượt qua được. Hồi ấy tôi công tác tại Đội điều tra trọng án, khi mới chuyển ở Yên Bái xuống, gia đình tôi phải thuê căn phòng trọ hơn 25 m2, vô cùng chật chội, con cái nheo nhóc. Đúng lúc ấy, tại Hà Nội nổ ra vụ án giết ba người đặc biệt nghiêm trọng và tôi là điều tra viên thụ lý chính.

Người nhà đối tượng thông qua một vị đàn anh "bắn tiếng" với tôi rằng nếu giúp con họ thoát án tử hình, sẽ sang tên cho tôi một cái nhà ở mặt phố Bạch Mai. Tôi đoán là rất "to tiền".

Lời đề nghị quá ư hấp dẫn, nhất là trong hoàn cảnh của tôi đã từng ứa nước mắt vì nỗi nheo nhóc của vợ con. Nhưng tôi đã trả lời: "Đúng là nhà thì em rất cần, nhưng ai sẽ giải oan, trả lời về sự thật cho 3 vong hồn này đây?"

Dù từ chối, nhưng cũng không dễ dàng quên được chuyện ấy, bởi nó đã gây ra sự giằng xé nội tâm rất khốc liệt. Vì với vai trò của điều tra viên thụ lý, có thể làm "mờ" đi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đổi lại, tôi sẽ có được thứ cả gia đình mình, đặc biệt là đứa con thơ đang rất cần. Nhưng lương tâm trách nhiệm, phẩm giá của người lính không cho phép tôi bước qua lằn ranh mong manh ấy. Trong khi đó, cũng có không ít bạn tôi đã "ngã ngựa" vì không khống chế được tâm tham (mong cầu) trong mình.

Bởi vậy mà tôi mới viết được một Hạ Lam bị dẫn dắt bởi lợi ích vật chất, đến mức xa rời đội ngũ, rũ bỏ mối tình xưa với người trinh sát trong đơn vị mà trước đó cô rất đỗi tôn thờ.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 6.

Qua câu chuyện anh kể trên phim, thấy cuộc chiến với tội phạm thực sự khốc liệt và cam go. Thế còn trên thực địa, anh có những trải nghiệm đáng nhớ nào không khi đối diện với tội phạm?

- Khi mới ra trường, tôi nhận công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái. Thời ấy địa bàn nóng về ma túy, với các đường dây trung chuyển bị phát hiện. Tuy công tác ở đội án nhân thân, nhưng tôi lại được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ đi sâu trinh sát, nắm bắt thông tin về các đầu mối, đường dây ma túy trên rẻo cao.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 7.

Thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu để khám phá, triệt xóa các băng, ổ, nhóm tội phạm ma túy. Rất nhiều thử thách cam go mà chúng tôi đã trải qua. Cho đến giờ, tôi không thể quên những giây phút cân não đến nghẹt thở, những đêm hành quân trong rừng áp giải kẻ bị bắt đi trên miệng vực thẳm…

Khi được điều động chuyển về công tác tại Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội, tôi từng bước làm quen với việc đánh án tại đô thị. Vì án hình sự ở Thủ đô quy mô và tần suất xảy ra cao hơn tỉnh lẻ cả chục lần, nên chúng tôi rất nhanh bắt nhịp được với yêu cầu công việc. Cùng với đồng đội, bản thân tôi đã góp sức cho những chiến công vang dội của hình sự Thủ đô.

Chẳng hạn, trong chuyên án điều tra vụ cháy thảm khốc làm chết 3 người xảy ra ngày 25/1/2008 tại Mỹ Đình, Từ Liêm, sau gần một năm ròng án "thối" (không rõ thủ phạm), may mắn tôi được góp công phát hiện ra các "đầu dây, mối rợ" dẫn đến thủ phạm. Với quyết tâm cao độ làm rõ sự thật vụ án, sau gần 2 tháng trời lao lực, gần như không có giấc ngủ đêm trọn vẹn, chúng tôi đã phá án thành công, bắt giữ 3 kẻ sát nhân để "rửa oan" cho các linh hồn tội nghiệp.

Khi được đề bạt chỉ huy Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – (lực lượng chuyên trách thí điểm đầu tiên của Công an Việt Nam về phòng chống loại tội phạm này), chúng tôi đã lập được nhiều chiến công.

Trong đó, tôi nhớ mãi chuyên án vắt qua 2 năm trời (2011 - 2012) đấu tranh với các nhóm tội phạm quốc tế vào Hà Nội gây án bằng thẻ tín dụng giả. Bản thân tôi đã trực tiếp chỉ huy nhóm trinh sát tổ chức điều tra, bắt giữ toàn bộ 7 nhóm đối tượng. Lời khen ngợi thú vị nhất khi chuyên án hạ màn mà tôi được nghe, chính là lời thú nhận của nhóm tội phạm ngoại quốc: "Chúng tôi đã đi gây án khắp nơi trên thế giới không sao, mà đến Việt Nam lại bị bắt".

Câu xưa "không thầy đố mày làm nên", hẳn là đúng với anh. Vậy anh có thể kể gì về những người thầy nghề của mình?

- Quả đúng là tôi sẽ không thể làm gì cho "ra hồn" nếu không được các thế hệ đi trước tận tình chỉ dạy. Người thầy trong lực lượng chúng tôi có thể chính là vị chỉ huy đội, chỉ huy phòng. Về tuổi đời, họ đáng tuổi chú, tuổi anh. Về nghề nghiệp, họ là người có thâm niên, đi trước mình nhiều năm. Về cấp bậc, chức vụ, họ là người ra lệnh, chỉ đạo, kèm cặp, hướng dẫn mình từng bước làm quen với công việc.

Tôi khá may mắn vì thường được gặp hoặc làm học trò các vị "cao nhân đắc đạo", cả ở ngoài trường đời cũng như trong các đơn vị mà tôi đã đi qua.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 9.

Một trong số rất nhiều câu thoại ấn tượng anh đã viết trong kịch bản phim "Bão ngầm", đó là về sự tha hoá thành lưu manh của người có học thức. Điều này đã khiến nhiều người liên tưởng đến một cựu điều tra viên khăng khăng chối tội tại phiên toà "Chuyến bay giải cứu". Duyên cớ nào đã khiến anh viết ra điều ấy? Phi chăng đó là sự chiêm nghiệm anh rút ra từ thực tiễn đời sống hiện nay?

- Vâng, đúng là trong kịch bản phim "Bão ngầm", tôi đã viết một câu thoại khá chua chát của Giám đốc Công an tỉnh Hưng Hoà, đó là: "Trên đời, sợ nhất là đám lưu manh có đào tạo. Nói đúng hơn là có đào tạo nhưng thoái hóa thành lưu manh. Chúng nguy hiểm hơn bọn đầu đường, xó chợ nhiều, vì lưu manh có phương pháp…".

Điều này đi ra từ sự quan sát, chiêm nghiệm của cá nhân tôi thông qua các vụ án xét xử cán bộ, công chức phạm tội trong thời gian qua.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 10.

Có thể thấy nhiều người giữ chức vụ quyền hạn, hoặc được đào tạo chuyên môn sâu, khi phạm tội thì thủ đoạn của họ rất tinh vi, xảo quyệt, kín kẽ từ cách thức thực hiện tội phạm đến thủ đoạn che giấu hành vi khi sự việc bị phát hiện, xử lý.

Họ là những người có học, được đào tạo bài bản với bằng cấp đầy mình. Tiếc là thay vì sử dụng học vấn, tài năng để phụng sự xã hội, phụng sự Nhân dân, thì họ lại dùng vị trí công tác, trí thông minh, sở học…vào những việc trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Trong những năm tháng làm công tác điều tra trước đây, chúng tôi đã phải đối diện với nhiều tình huống kiểu này. Phải nói rằng "đấu" với họ rất khó, vì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ họ thường là ngang bằng, thậm chí còn hơn hẳn mình. Để hạ gục ý chí chống đối khiến họ chịu khai và khai thật, khai hết về hành vi phạm tội, không bao giờ là chuyện dễ dàng. Bởi vì họ đã "lưu manh có phương pháp", hiểu rất rõ về luật nhưng lại phạm luật, biết được giới hạn nào mà người thẩm vấn không thể vượt qua… Chưa kể, trong công việc, có những người mang nghiệp vụ, hiểu biết của mình để làm những việc đi ngược lại lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.

Anh nhận xét gì về trường hợp bị cáo Hoàng Văn Hưng trong vụ án "Chuyến bay giải cu"?

- Tôi không quen biết Hưng, không hiểu về con người anh ta, cho đến khi phiên toà mở ra. Là người có thâm niên trong công tác điều tra tội phạm, lại đang nghiên cứu và giảng dạy lĩnh vực luật và khoa học điều tra tội phạm, lẽ dĩ nhiên tôi rất quan tâm đến "màn" chối tội trước toà của bị cáo này.

Phải nói rằng, với những gì Hưng thể hiện tại phiên toà, có thể thấy anh ta là người am hiểu sâu về luật và khá tinh quái, khi thừa nhận ngay những gì đã rõ, đã có chứng cứ chứng minh. Hưng chỉ chối tội ở tình tiết mà anh ta tin rằng chỉ có hai người biết với nhau.

Với khả năng biện bác khá chặt chẽ, lôi cuốn, thái độ tự tin của một người được đào tạo bài bản, Hưng đã khiến cho một bộ phận công chúng theo dõi phiên toà cảm thấy lo lắng, sợ rằng các cáo buộc chưa đủ chắc chắn để kết tội anh ta.

Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi đã có niềm tin nội tâm rằng Hưng phạm tội và việc buộc tội của cơ quan điều tra, viện kiểm sát là có căn cứ. Niềm tin này là có cơ sở vì phù hợp với hệ thống các chứng cứ bổ trợ mà cơ quan điều tra đã thu thập được, từ tần suất các cuộc giao dịch, lời khai các nhân chứng, người liên quan, hình ảnh camera… Mặt khác, tôi biết hiện nay cơ quan tiến hành tố tụng rất cảnh giác trước mọi nguy cơ oan sai. Nếu căn cứ buộc tội chưa chắc chắn, không đời nào Viện kiểm sát "dám" phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra.

Thực tế làm án trước đây, chúng tôi cũng đã buộc tội nhiều bị can trong các chuyên án truy xét mà không cần họ phải nhận tội, chỉ vì có các tài liệu, chứng cứ khác bổ trợ cho việc xác định tội phạm.

Việc bị can, bị cáo có nhận tội hay chối tội, không phải yếu tố quyết định đến việc có buộc tội được hay không. Thậm chí, lời thú nhận tội lỗi của bị can, bị cáo cũng chỉ được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác trong vụ án. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trở lại trường hợp bị cáo Hưng, dù anh ta chối tội rất bài bản và có vẻ khá thuyết phục, nhưng như chúng ta đã thấy, hội đồng xét xử vụ án này với các chuyên gia pháp lý hàng đầu, vẫn kết tội anh ta với mức án "kịch khung", cao hơn cả đề nghị của Viện kiểm sát. Điều này cho thấy sự tự tin của những người "cầm cân, nảy mực" trong vụ án. Chứng tỏ họ đã có trong tay một hệ thống chứng cứ đủ để khép tội bị cáo này và việc chối tội không giúp anh ta thoát tội.

Tôi tin rằng, hội đồng xét xử đã xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện và thận trọng hành vi của bị cáo này, đặt trong một tổng thể các sự vật, hiện tượng khác đã có tài liệu, chứng cứ chứng minh, chứ việc ra phán quyết không chỉ căn cứ vào mỗi lời khai của bị cáo, càng không phải dựa trên cảm tính, hay suy diễn trên cơ sở niềm tin nội tâm.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 11.

Nhưng tôi thấy dù án đã tuyên, vẫn còn rất nhiều quan điểm trái chiều về việc buộc tội bị cáo Hưng? Bởi đến nay vẫn chưa chứng minh được trong chiếc cặp là ngoại tệ.

- Tôi biết hiện có nhiều quan điểm trái chiều, cho rằng quy kết của hội đồng xét xử là chưa thuyết phục, chưa tuân thủ nguyên tắc "suy đoán vô tội" quy định tại Điều 13, Bộ luật TTHS năm 2015.

Quan điểm cá nhân tôi là việc kết tội của Hội đồng xét xử là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì rằng, nếu bóc tách riêng chi tiết chiếc cặp, thì câu chuyện có vẻ là 50/50. Nhưng đặt chiếc cặp ấy trong tổng thể hệ thống các chứng cứ khác, thì đã đủ điều kiện xác định trong cặp là tiền chạy án với số lượng cụ thể, cũng có nghĩa là đủ điều kiện để bác lời khai chối tội của bị cáo.

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 12.

Việc tuyệt đối hoá chi tiết trong chiếc cặp số chứa gì và xem nhẹ giá trị chứng minh của các chứng cứ khác, tôi cho cách nhìn như vậy là phiến diện.

Anh đánh giá thế nào về bản án đã tuyên trong vụ "chuyến bay giải cu?

- Tôi đánh giá bản án đã tuyên là thoả đáng, mặc dù phán quyết của Hội đồng xét xử cao hơn đề nghị của cơ quan công tố. Theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội thì hiện tượng này ít xảy ra.

Thế nhưng, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên toà, có thể thấy Hội đồng xét xử đã đưa ra các phán quyết hợp lòng dân.

Hiện nay tội phạm tham nhũng được coi là quốc nạn, gây khủng hoảng, xói mòn niềm tin của người dân vào thể chế. Dư luận công phẫn và đòi hỏi những mức án nghiêm khắc, tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Với các mức án đã tuyên, thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng, tội phạm chức vụ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý loại tội phạm này.

Thời còn làm án, anh đã gặp phải vụ án nào tầm cỡ như vụ "Chuyến bay giải cứu" hay chưa?

- Trước đây, tôi chủ yếu làm án ma tuý, án xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người đặc biệt nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, cũng có vụ khởi đầu là trọng án hình sự, sau mở rộng điều tra lại làm rõ hành vi tham nhũng. Chẳng hạn, trước đây chúng tôi có điều tra vụ án lâm tặc cầm kiếm tấn công một trạm kiểm lâm. Sau khi bị bắt, đối tượng khai ngày nào đi qua trạm cũng phải đóng tiền luật, hôm đó đưa hàng qua thì bị bắt nên tức quá, về nhà xách kiếm xông vào chém. Căn cứ lời khai của đối tượng hình sự, chúng tôi tiến hành khám xét khẩn cấp trạm kiểm lâm, phát hiện ra những tờ cáp ghi số tiền làm luật nhận hàng ngày nhận của lâm tặc. Đó là vụ án tham nhũng duy nhất tôi từng làm, so về quy mô thì không thể so với đại án "Chuyến bay giải cứu".

Xin cảm ơn Thượng tá Đào Trung Hiếu!

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Vụ “chuyến bay giải cứu”, theo tôi đủ căn cứ xác định trong cặp có tiền - Ảnh 13.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem