Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 1.

Mới đây, Hoàng Đức góp mặt trong hai trận đấu của Thể Công Viettel tại giải giao hữu quốc tế Hana Play Cup 2024 (đối đầu với Hà Nội FC và Daejeon Hana City (Hàn Quốc), chơi đủ 90 phút trên sân. Như vậy, có thể nói chấn thương của anh đã hoàn toàn bình phục?

- Tôi nghĩ mọi thứ đang tiến triển khá tốt ở thời điểm hiện tại. Sau quá trình điều trị chấn thương, tôi đã tập luyện lại cùng đội vào hai tuần trước. Chân tôi dần ổn định, cảm giác bóng cũng tốt hơn nhiều.

Chấn thương này đã khiến Hoàng Đức bỏ lỡ cơ hội góp mặt trong đội hình đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) tham dự VCK Asian Cup 2023 tại Qatar? Trong thời gian nghỉ ngơi, anh có theo dõi ĐT Việt Nam thi đấu và cảm thấy tiếc nuối khi chúng ta ra về tay trắng?

- Dù ở câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia, mỗi khi không thể thi đấu cùng đồng đội tại một giải đấu nào đó, tôi vẫn luôn ở nhà theo dõi và cổ vũ họ.

Ở giải đấu Asian Cup lần này, đã có những thời điểm tôi vô cùng bất ngờ và tự hào khi chúng ta dẫn trước ĐT Nhật Bản tại lượt đấu đầu tiên. Tuy kết quả trận đấu sau đó không như ý muốn, tôi nghĩ đội tuyển đã thể hiện được nhiều khía cạnh tích cực. Tại các trận đấu tiếp theo, ĐT Việt Nam kém may mắn, nhận thất bại 1-0 trước ĐT Indonesia và 2-3 trước ĐT Iraq. Sau những kết quả này, tôi tin toàn đội sẽ rút kinh nghiệm và trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Hãy thử so sánh một chút. Năm 2022, Hoàng Đức đã từng cùng đồng đội gặp ĐT Nhật Bản tại vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á. Khi đó, chúng ta đã một lần để thua với tỉ số 0-1 trên SVĐ Mỹ Đình, một lần gây bất ngờ khi có kết quả hòa 1-1 ngay tại Nhật Bản. Theo anh, có điểm gì khác nhau về lối chơi của ĐT Việt Nam ở trận đấu mới đây với các cuộc đối đầu trước đó?

- Thật khó để nhận định hay so sánh về điều này. Thứ nhất là trong hai trận đấu tại vòng loại World Cup khu vực châu Á diễn ra vào năm 2022, tôi chỉ có thể tham dự một trận. Ở trận đấu còn lại, tôi buộc phải nghỉ thi đấu do mắc Covid-19.

Thứ hai, như chúng ta đều thấy, đã rất nhiều năm nay, ĐT Nhật Bản luôn nằm trong Top những đội bóng lớn của khu vực châu Á. Họ từng góp mặt tại VCK World Cup rất nhiều lần, thi đấu sòng phẳng với các đội tuyển mạnh bậc nhất trên thế giới. Để nói về chuyên môn, chúng ta vẫn còn kém xa Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi tin ĐT Việt Nam vẫn đang tiến bộ từng ngày.

Mỗi HLV có một triết lý riêng, một lối chơi riêng biệt khi đối đầu với Nhật Bản. Ở thời điểm còn cầm quân, HLV Park Hang-seo đã mang những bước phát triển cho ĐT Việt Nam. Hiện giờ, thầy Troussier cũng đã mang tới những tiến bộ tích cực, nếu người xem hiểu về chuyên môn, tôi tin họ nhìn nhận ra được điều đó.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 2.

Có thể nói, thất bại trước ĐT Nhật Bản là điều không bất ngờ. Thế nhưng, sau trận thua trước ĐT Indonesia, đã có không ít người hâm mộ bày tỏ sự lo lắng về tương lai của đội tuyển quốc gia. Thậm chí, một số khán giả cho rằng chúng ta đang đi xuống so với những đội tuyển trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Anh có cho rằng nhận định đó chính xác?

- Việc ĐT Indonesia thắng ĐT Việt Nam một trận sau rất nhiều năm, theo tôi, đó không phải vấn đề gì đó quá to tát, cũng chẳng thể phản ánh điều gì. Lần chạm trán vừa rồi chúng ta thua, thế nhưng, ở tháng 03/2024, với một bộ mặt khác, ĐT Việt Nam hoàn toàn có quyền hi vọng.

Với bóng đá Thái Lan, chúng ta đều nhìn thấy một thực tế là họ đã đi trước Việt Nam rất nhiều năm rồi. Tại đất nước của họ, công tác đào tạo, chuẩn bị, tiến hành một giải đấu đều vô cùng chuyên nghiệp. Từng sang Thái Lan cùng CLB để thi đấu giải AFC Cup, tôi đã tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất, tiện nghi của họ và có thể khẳng định đó là thứ mà rất nhiều đội bóng Việt Nam hiện tại chưa có khả năng đáp ứng.

Ở các cấp độ cao nhất như Thai League 1, Thai League 2, Thái Lan luôn có 17,18 đội tuyển tham gia thi đấu. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 14 đội tham gia V-League, ở hạng Nhất còn ít ỏi hơn nữa. Những năm gần đây, không ít đội bóng phải bỏ giải do không còn đủ khả năng về kinh tế.

Có thể thấy, Thái Lan đang có môi trường bóng đá cạnh tranh hơn chúng ta. Chất lượng giải đấu quốc nội cũng cao hơn, tạo môi trường tốt cho cầu thủ trau dồi. Để trở nên chuyên nghiệp như họ, có lẽ chúng ta còn cần thêm một thời gian nữa.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 3.

Một trong những điểm mới HLV Troussier mang tới ĐTVN là việc nhà cầm quân người Pháp rất tin dùng các cầu thủ trẻ. Điều này liệu có phải là một hạn chế, khi họ còn non nớt về kinh nghiệm, sự tự tin trên sân, cũng như cả khía cạnh chuyên môn?

- Cá nhân tôi nghĩ rằng, chính vì các cầu thủ trẻ cần kinh nghiệm, việc họ góp mặt trong các trận đấu hay giải đấu lớn càng cần thiết. Đương nhiên, họ sẽ cần thời gian để chứng minh và hoàn thiện bản thân, có những giai đoạn chuẩn bị trước khi trở nên chín muồi. Việc HLV Troussier đưa các cầu thủ trẻ vào thành phần đội tuyển là điều tích cực. Hiện tại, các đội bóng cấp quốc gia hay CLB trên thế giới cũng đưa vào thành phần rất nhiều cầu thủ trẻ và triển vọng.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 4.

Trước khi làm việc với ông Troussier, Hoàng Đức đã có một hành trình khá thuận lợi với HLV Park Hang-seo tại ĐT U22 +2 quốc gia, sau đó là U23 rồi đến ĐT Việt Nam. Gắn bó với vị thầy người Hàn Quốc một thời gian dài, thời điểm mới làm quen với ông Troussier, chắn hẳn anh cũng gặp phải không ít khó khăn?

- Cũng không có gì là quá khó. Đương nhiên, mỗi HLV có một lối chơi khác nhau. Trong khi HLV Park Hang-seo thiên hướng về phòng ngự, HLV Troussier lại tổ chức một lối chơi có thiên hướng tấn công. Thời gian đầu, tôi có chút lạ lẫm khi thích nghi với chiến thuật mới. Tuy vậy, sau một thời gian tập luyện, tôi đã dần thích ứng và hoàn thiện bản thân để theo đuổi được triết lý mà HLV Troussier mong muốn.

Cá nhân Hoàng Đức thích lối chơi nào hơn, đó là lối đá phòng ngự phản công của HLV Park Hang-seo, hay phong cách kiểm soát bóng, thiên hướng tấn công của HLV Troussier?

- Là một người chơi ở vị trí tiền vệ, đương nhiên tôi có thiên hướng tấn công và thích lối chơi tấn công hơn.

Dư luận đang có không ít đồn đoán về sự vắng mặt của Hoàng Đức ở ĐTVN ở những giải đấu vừa qua. Nói một cách thẳng thắn, việc anh ngồi ngoài sân ở 2 trận vòng loại World Cup gặp ĐT Philippines và ĐT Iraq, hay không góp mặt tại VCK Asian Cup 2023 vừa rồi đơn thuần bởi chuyên môn, hay bởi những mâu thuẫn giữa hai thầy trò như dư luận đang đồn đoán?

- Không hề có khúc mắc nào cả. Trong bóng đá, một cầu thủ có lúc ra sân, có lúc lại ngồi ngoài bởi cách bố trí đội hình của HLV, đó là chuyện rất đỗi bình thường. Là cầu thủ chuyên nghiệp, tôi tôn trọng ban huấn luyện và tuân thủ những quyết định của nhà cầm quân. Hơn thế, nếu tôi không ra sân, đội vẫn giành chiến thắng, bóng đá Việt Nam vẫn tiến triển tích cực, tôi rất sẵn sàng và thoải mái.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 5.

Thế nhưng, tôi nghe nói, trong quá trình tập luyện vừa rồi, Hoàng Đức và HLV Troussier cũng từng có những bất đồng?

- Đó không hẳn là bất đồng. Ngay khi mới làm việc cùng chúng tôi, với phong cách một người châu Âu, HLV Troussier đã nói các cầu thủ hãy phản hồi hoặc đưa ra ý kiến riêng của mình khi thấy bản thân không thích hợp hoặc chưa hiểu về vị trí. Cũng bởi vậy, có thời gian tôi đã ngồi lại và nói chuyện với ông. Tôi thẳng thắn chia sẻ rằng tôi chưa thấy vị trí này phù hợp với cá nhân tôi, có thể tôi chưa đáp ứng được yêu cầu HLV đặt ra, đang cảm thấy cảm thấy rất lạ lẫm, mới mẻ.

Cầu thủ nào cũng đều có một vị trí sở trường. Khi chơi ở vị trí sở trường, họ phát huy tốt hơn, còn với một vị trí mới toanh, họ sẽ cần có thời gian để thích nghi dần.

Theo anh, tại sao ông Troussier lại xếp anh chơi tại hàng tiền đạo, thay vì vị trí tiền vệ mà anh đang tỏa sáng?

- Đó là lối tư duy riêng của từng HLV, đáp ứng sơ đồ chiến thuật mà thầy đã vạch ra. Trong một cuộc chơi tập thể, mỗi cầu thủ đều cần thích ứng. Thực ra, vị trí tiền đạo mà tôi đảm nhận trong sơ đồ của HLV Troussier cũng không đơn thuần như mọi người vẫn nghĩ. Tôi không hoạt động như trung phong cắm mà được phép giật về để nhận bóng, sau đó triển khai tấn công. Lúc đầu, do không hiểu vị trí này, tôi cảm thấy rất khó khăn. Sau khi HLV giải thích, tôi đã hiểu ra và thích nghi dần.

Nhìn chung, việc mỗi cầu thủ có thể chơi được 1-2 vị trí thậm chí là 3 vị trí trên sân sẽ tốt cho bản thân họ, trước khi nói tới việc tốt cho cả đội bóng.

Có một câu chuyện cũng được nhiều người nhắc tới, đó là trước khi chấn thương và buộc phải rời khỏi đội tuyển, không thể tham dự VCK Asian Cup 2023, Hoàng Đức có được HLV Troussier tặng một chai rượu vang tại xưởng sản xuất rượu riêng của vị HLV này. Khi đó, ông đã nhắn nhủ gì với Hoàng Đức?

- Tôi cũng bất ngờ trước hành động này của HLV Troussier. Trước đó, tôi mới chỉ nghe qua chứ chưa biết nhiều về hãng rượu vang của ông. Hôm đó, ông mang tặng tôi chai vang, phía ngoài có in hình gương mặt ông, cùng lời nhắn nhủ: "Có dịp gì vui, nhớ mang thưởng thức cùng gia đình". Thầy cũng mong tôi sẽ cố gắng điều trị, hồi phục tốt và sớm trở lại.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 6.

Hãy cùng quay ngược thời gian một chút. Cậu bé Hoàng Đức gần 20 năm trước đã tới với bóng đá như thế nào? Gia đình anh có ai theo đuổi sự nghiệp thể thao hoặc hướng dẫn anh những bước đi đầu tiên?

- Cũng như các bạn cùng lứa khác ở quê, thưở nhỏ, tôi thường cầm quả bóng nhựa và ra sân chơi bóng đá, tối mịt lại lóc cóc về nhà. Đến năm lớp 3, một người chú cùng xóm giới thiệu tôi với người bạn làm công việc huấn luyện trên thành phố. Tôi bắt đầu đi tập tại đây, sau hai năm thì chính thức chuyển vào trung tâm ăn tập, bắt đầu cơ duyên với bóng đá.

Gia đình tôi không có ai theo thể thao, tuy nhiên bố tôi rất đam mê lĩnh vực này. Kể cả bóng đá hay tennis, ông đều không ngại thức đêm xem, cổ vũ những vận động viên mà ông yêu thích. Cũng bởi vậy, ngay từ đầu bố đã ủng hộ tôi theo bóng đá. Mẹ thì ngược lại, ban đầu bà phản đối, lo tôi không tập trung học hành. Mãi đến sau này, khi thấy tôi cứ trốn đi suốt, cuối cùng mẹ cũng không nói nữa (cười).

Đến khi nào thì Hoàng Đức bắt đầu cuộc hành trình với CLB Thể Công – Viettel?

- Tôi đến với CLB Viettel từ năm 2012, khi đang học lớp 8. Nguyên do là bởi bác tôi chơi với thầy Hồng Sơn, trong một lần trò chuyện có giới thiệu cháu trai đang chơi bóng đá. Cũng bởi thế, thầy bảo gia đình đưa tôi lên Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel để "thử xem sao".

Sau khi bác trao đổi với bố mẹ, tôi "khăn gói" tới trung tâm. Trải qua các vòng kiểm tra, tôi trúng tuyển và bắt đầu một hành trình mới.

Trong quá trình ăn tập đó, có thời điểm nào Hoàng Đức cảm thấy chán nản, không muốn tập bóng đá đỉnh cao nữa, chỉ muốn chơi phong trào hoặc chuyển hẳn sang một lĩnh vực khác?

- Cũng có một lần, đó là khi tôi khoảng 15 tuổi. Thời điểm ấy, tôi rất mất tinh thần, thực sự có nghĩ tới việc không tiếp tục theo bóng đá. Khi trò chuyện với mẹ về điều này, mẹ hỏi tôi: "Tại sao ngày trước mẹ phản đối, con vẫn kiên quyết đi? Nếu đã chọn cho mình một con đường, sao không kiên trì theo tiếp?" Sau khi nghe những gì mẹ khuyên nhủ, tôi suy nghĩ, quyết tâm trở lại và cố gắng hơn trong tập luyện. Cũng từ lúc đó tới tận bây giờ, tôi luôn tin rằng mình chọn bóng đá là một quyết định đúng.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 7.

Có cơ duyên với cựu danh thủ Hồng Sơn, khi tới tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel, anh có được thầy hướng dẫn?

- Thú thật là thời gian tới CLB Viettel, tôi ít gặp thầy, cũng như không có cơ hội tiếp xúc với thầy nhiều.

Trước đó, thời điểm còn tập luyện tại Hải Dương, có lần tôi từng được HLV tại đó giới thiệu rằng ông có quen danh thủ Hồng Sơn. Thế nhưng, thú thật, tôi lúc đó không biết thầy Hồng Sơn là ai, cứ nghĩ là thủ môn Dương Hồng Sơn – người gần hơn với thế hệ chúng tôi khi đó.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 8.

Khoảng cách thế hệ giữa thầy Hồng Sơn và chúng tôi khá xa. Thêm nữa, tính cách tôi cũng khá đặc biệt. Tôi đi đá bóng nhưng lại rất ít khi xem đá bóng. Kể cả sau này, lúc chơi tại V-League, tôi cũng ít theo dõi giải đấu này.

Anh đang chơi bóng ở CLB Thể Công Viettel - một câu lạc bộ rất đặc biệt trong làng bóng đá Việt. Không chỉ giàu thành tích, đội bóng này còn có một truyền thống đồ sộ với những người hâm mộ trung thành sau rất nhiều năm, cùng khẩu hiệu quen thuộc "Một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công". Sống trong môi trường ấy, Hoàng Đức cảm nhận thế nào về truyền thống mà mình đang tiếp nối?

- Khi tôi lên đây, CLB đã mang cái tên Viettel, sau đó mới đây mới đổi lại thành Thể Công Viettel như hiện tại. Tôi chỉ có thể hình dung về truyền thống của đội bóng khi được những người đi trước kể lại cho lớp cầu thủ chúng tôi nghe trong những dịp gặp gỡ. Họ chia sẻ cho chúng tôi rằng thế hệ các chú, các anh đã thi đấu như thế nào, tập luyện ra sao để mang lại thương hiệu Thể Công cho đất nước, mang lại hào quang trên những chiếc Cup được đặt trang trọng tại CLB. Tôi cũng có nhiều cơ hội được giao lưu với người hâm mộ, chứng kiến tình yêu họ dành cho đội bóng.

Khi CLB Viettel lấy lại tên Thể Công – Viettel, tôi cảm thấy vinh dự, đồng thời cũng có trách nhiệm nhiều hơn. Đó là trách nhiệm của những người tiếp nối truyền thống của các bác, các chú ngày trước, đi tiếp con đường mà họ đã dành nhiều công sức để vun đắp, tạo dựng.

Hiện tại, Thể Công Viettel đang đứng ở vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng. Đây là thứ hạng có thể nói là đáng thất vọng, so với mục tiêu trước đó của câu lạc bộ. Là trụ cột của đội bóng, anh lý giải thế nào về điều này?

- Đúng là tới thời điểm này, Thể Công Viettel đang chưa đi đúng mục tiêu cũng như con đường đã được đặt ra từ đầu mùa bóng. Nguyên nhân có lẽ là bởi V-League thay đổi khung thời gian thi đấu giống với các giải đấu châu Âu, dẫn tới việc các trận đấu quá sát nhau. Trong đội, nhiều cầu thủ ngoại cũng như cầu thủ nội không may dính chấn thương, bên cạnh đó quãng thời gian tập trung đội tuyển quốc gia khiến mọi thứ ngắt quãng. Do không có quãng thời gian nghỉ, anh em chưa thể quay lại được với phong độ.

Bản thân tôi luôn muốn hoàn thành mục tiêu, cũng như đạt được thứ hạng cao nhất cùng câu lạc bộ. Tuy thời điểm hiện tại, chúng tôi đang gặp đôi chút khó khăn, tôi tin sắp tới, khi V-League quay trở lại, Thể Công Viettel sẽ trở lại mạnh mẽ hơn, trở lại với thứ hạng cao trên bảng xếp hạng.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 9.

Nhiều cầu thủ hàng đầu Việt Nam như Xuân Trường, Công Phượng, Quang Hải đều đã từng thử sức với việc tới các CLB nước ngoài chơi bóng. Không biết Hoàng Đức có nghĩ tới điều này?

- Trong 1-2 năm trở lại đây, tôi luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc ra nước ngoài thi đấu khi có cơ hội. Thời gian qua, cũng có khá nhiều CLB ngỏ lời với đơn vị chủ quản của tôi, tuy vậy tới thời điểm hiện tại hợp đồng của tôi và CLB Thể Công Viettel vẫn còn hiệu lực, do vậy tôi cần phục vụ và cống hiến hết mình cho CLB.

Hoàng Đức đang ở tuổi 26, liệu lúc này đã là muộn màng để ra nước ngoài thi đấu? Bên cạnh đó, trước anh, không ít cầu thủ hàng đầu của Việt Nam đã ra nước ngoài thi đấu và không gặt hái thành công, thậm chí rất ít có cơ hội ra sân thi đấu. Anh có e ngại trước điều này?

- Đương nhiên việc ra nước ngoài sẽ có thể mang lại thất bại hoặc thành công cho mỗi cầu thủ, quan trọng là những đàn anh đi trước đã dám thử nghiệm, dám dũng cảm phá bỏ vòng vây của mình để tới một môi trường hoàn toàn mới. Kể cả tôi không có cơ hội đi nước ngoài, tôi vẫn nghĩ việc những cầu thủ Việt Nam tới với những giải đấu có chất lượng cao hơn là điều cần thiết. Càng nhiều người đi, cơ hội có người thành công sẽ càng lớn. Phải có người dám thất bại, dám đi trước, những người sau mới thêm tự tin để dấn bước.

Ở độ tuổi này, tôi rất muốn khám phá bản thân mình, xem mình có thể đi xa được tới đâu, còn thiếu những điều gì. Nếu có thể thành công ở một môi trường khác, một quốc gia khác, đó sẽ là động lực để tôi phát triển. Nếu không may mắn, đó cũng là bài học cho mình, là cơ hội đê tôi trau dồi những điểm yếu trong khả năng chơi bóng.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 10.

Theo anh, môi trường bóng đá tại đất nước nào sẽ phù hợp để anh thử sức?

- Trong các cuộc trò chuyện với tôi trước đây, HLV Park Hang-seo đã nhiều lần khuyên tôi thử sức tại K- League của Hàn Quốc. Mới đây, ông Troussier cũng động viên tôi ra nước ngoài thi đấu, chọn một môi trường tốt hơn, cạnh tranh hơn. Cá nhân tôi cho rằng, để đi được từng bước, việc có cơ hội tham gia những giải đấu lớn tại châu Á như Nhật Bản hoặc Hản Quốc là hợp lý nhất.

Nói một cách khác, theo Hoàng Đức, cầu thủ Việt Nam rất khó khả năng thành công tại các CLB Châu Âu?

- Thực tế cho thấy, có không ít khoảng cách giữa môi trường bóng đá Việt Nam và môi trường bóng đá tại các nước châu Âu, khi họ đã có một thời gian dài phát triển. Những đội bóng ở đây đều có lứa đào tạo trẻ và trung tâm riêng, chế độ dinh dưỡng chuyên nghiệp, dồi dào về chất lượng.

Bóng đá Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hiện tại nhiều nơi còn không có trung tâm riêng, một số đội bóng thậm chí không có nguồn cầu thủ trẻ để kế cận lứa đàn anh. Chế độ dinh dưỡng thường chỉ có ở đội 1, nằm trong phạm vi cho phép nhất định. Trong khi đó, điều này vô cùng quan trọng, bởi đảm bảo ra sân thi đấu 90 phút với cường độ cao không hề đơn giản. Chúng ta thua xa họ về mọi thứ, mà điều dễ thấy nhất là thể lực, được nuôi dưỡng từ một chế độ dinh dưỡng tốt. Người Việt Nam đã thấp bé, nhỏ nhắn hơn, nếu không có thể lực nữa thì hoàn toàn không thể cạnh tranh được.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 11.

Cách anh dành tình yêu cho trái bóng tròn ở tuổi 18, đôi mươi có khác nhiều so với hiện tại?

- Tôi nghĩ là không quá nhiều. Mỗi khi ra sân, tôi vẫn luôn định hình trong đầu rằng mình phải đá như thế nào, nỗ lực ra sao để giành chiến thắng.

Tôi khát khao chiến thắng và mỗi thất bại trong bất kỳ trận đấu nào đều khiến tôi khó chịu, phải mất thời gian mới có thể bình tâm lại. Có thể khác biệt đôi chút là ngày trẻ, đôi lần tôi khóc vì cay cú. Hiện tại, tôi đã kiềm chế được cảm xúc của bản thân hơn, ít biểu lộ ra ngoài.

Nhiều khi tôi ghi bàn, người xem bảo tôi "tại sao mặt anh này không cảm xúc gì cả?". Thật ra, khi đó tôi cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc. Đơn giản là mình không biểu hiện ra quá nhiều thôi.

Mọi người thường nói, cách một người đàn ông chơi thể thao phản ánh con người anh ta ngoài đời. Nhìn lối chơi của Hoàng Đức, tôi đoán rằng ngoài đời anh là một người khá điềm tĩnh và tinh tế?

- Thật khó để đánh giá về bản thân. Tôi chỉ có thể nói rằng mình là người luôn nghĩ về gia đình đầu tiên, tôi tận tâm và nỗ lực với những điều mà tôi cảm thấy tốt nhất cho gia đình, cho người thân của mình.

Về tính cách, ngoài đời, tôi rất ít khi nóng giận. Bố mẹ tôi nhiều lúc thắc mắc khi chẳng bao giờ thấy tôi quát mắng hay bức xúc với ai. Nhiều lúc họ cũng chẳng biết tôi có bực dọc hay không, có vui vẻ quá hay không, vì tôi ít khi phản ứng thái quá trước điều gì.

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 12.

Anh có chia sẻ nhiều với gia đình về những thành công, thất bại trong bóng đá?

- Từ khi gắn với sự nghiệp quần đùi áo số, mỗi khi có chiến thắng, mẹ và chị gái đều là những người đầu tiên tôi nhắn tin, trò chuyện. Tôi cũng rất yêu bố nhưng ít chia sẻ với ông hơn, có lẽ bởi cả hai đều là đàn ông, cách quan tâm dành cho nhau cũng khác.

Thất bại thì không cần phải nói nhiều, những lúc như thế cả nước đều biết tới. Tôi thường không tâm sự những nỗi buồn, những khúc mắc của mình trong sự nghiệp bởi không muốn mẹ hay chị gái phải buồn. Tôi nghĩ mình buồn một thì người thân họ buồn gấp đôi, đôi khi lại lo lắng, mất ngủ. Trong khi đó, điều mình muốn là họ luôn vui vẻ và hạnh phúc.

Năm mới Giáp Thìn 2024 sắp tới. Tết Nguyên đán năm nay, anh đã có dự định gì? Hãy chia sẻ đôi chút về khát vọng của anh trong năm mới?

- Những năm gần đây, tôi ít ra ngoài ngày Tết. Ở thời điểm hiện tại, bạn bè tôi đều đã lập gia đình, chị gái cũng đã lấy chồng, thường tôi chỉ dành thời gian ở nhà với bố mẹ. Tết năm ngoái, ngày 30 Âm lịch tôi ở nhà xem Táo quân, đến giờ thì ra shop thắp hương, tự mình xông đất cho cửa hàng. Sau đó, tôi đi chùa cùng bố mẹ.

Trở lại CLB vào những ngày đầu xuân, tôi mong Thể Công Viettel sẽ tốt lên từng ngày, chúng tôi cùng cố gắng, nỗ lực để có một vị trí khả quan hơn khi hết lượt đi. Tới tháng 3 sắp tới, khi ĐTVN có hai trận đấu quan trọng, tôi cũng mong có cơ hội được tập trung trở lại, cống hiến cho màu cờ sắc áo, cho nền thể thao của nước nhà.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức: Tôi khao khát được ra nước ngoài thi đấu, dù có thể thất bại…- Ảnh 13.

Nguyễn Hoàng Đức sinh năm 1998 tại tỉnh Hải Dương. Anh được phát hiện bởi Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Hải Dương, sau đó chuyển tới tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Viettel. Tại VCK U19 Quốc Gia 2016 tổ chức tại Nha Trang, anh tỏa sáng và được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Năm 2018, Nguyễn Hoàng Đức ghi 9 bàn thắng và có 3 kiến tạo để giúp Viettel vô địch V-League 2 2018, qua đó thăng hạng V-League 1 2019. Cá nhân anh cũng được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải. Năm 2020, anh là 1 trong những nhân vật chủ chốt của Viettel và cùng Viettel vô địch V-League 2020, về Nhì cúp Quốc gia 2020.

Tại cấp đội ĐTQG, Hoàng Đức cùng U22 Việt Nam đoạt tấm HCV lịch sử tại SEA Games 30, bảo vệ HCV tại SEA Games 32. Anh giành danh hiệu Quả bóng Vàng năm 2021, Quả bóng đồng năm 2022.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem