Tỉnh đưa tên Việt Nam lên bản đồ LNG thế giới, du khách quốc tế khó quên

Nguyễn Tường Thứ tư, ngày 08/11/2023 11:19 AM (GMT+7)
Không những đi đầu trong phát triển công nghiệp và dịch vụ cảng biển, logistics, Bà Rịa - Vũng Tàu còn được biết đến nhờ lợi thế du lịch biển, từng đón nhiều siêu du thuyền. Ngoài ra, kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam cũng đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bình luận 0

Bản đồ LNG thế giới có tên Việt Nam

Khí thiên nhiên LNG được thế giới sử dụng rộng rãi như nguồn năng lượng sạch. Việc khánh thành kho cảng LNG đầu tiên của Việt Nam đặt tại Thị Vải ngày 29/10/2023 đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh dự án kho cảng LNG Thị Vải, được PV GAS thuộc tập đoàn Petrovietnam xây dựng và vận hành, là hạng mục quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia.

Với quy mô nhập khẩu 1 triệu tấn/năm, đây không chỉ là tổ hợp LNG quy mô lớn nhất cả nước mà còn chứng minh cho sự hiện đại, tiên tiến và đổi mới của ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Tỉnh đưa tên Việt Nam lên bản đồ LNG thế giới, du khách quốc tế khó quên - Ảnh 1.

Tàu chở khí LNG cập cảng LNG Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Tọa lạc tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, hệ thống kho cảng LNG Thị Vải phù hợp tiếp nhận các tàu LNG trọng tải lớn và thuận lợi cho việc nhập khẩu và phân phối khí LNG.

Chuỗi công trình kho cảng LNG Thị Vải do PV Gas làm chủ đầu tư với Liên danh Tổng thầu Samsung C&T và PTSC thuộc Petrovietnam. Hệ thống kho cảng này được xây dựng từ những công nghệ tiên tiến nhất, nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến hàng đầu trong ngành công nghiệp LNG.

Ví dụ, thiết kế cảng và hệ thống hàng hải của công trình đã được đánh giá về an toàn neo đậu động, đánh giá rủi ro đâm va; các mô phỏng hàng hải từ phao số 0 đến bến cảng được thực hiện chuyên nghiệp bởi các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như Royal Haskoning (Hà Lan) và NYK (Nhật Bản), theo PV Gas.

Làm bạn với siêu du thuyền, kết nối du lịch

Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến quen thuộc của các siêu du thuyền quốc tế. Gần đây nhất, du thuyền Spectrum of the Seas hiện đại bậc nhất thế giới chở hơn 4.000 du khách nước ngoài đến Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuối tháng 8/2023.

Tỉnh đưa tên Việt Nam lên bản đồ LNG thế giới, du khách quốc tế khó quên - Ảnh 2.

Du thuyền Spectrum of the Seas tại cảng Tân Cảng-Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cuối tháng 8/2023. Ảnh tư liệu.

Đó là lần thứ 3 du thuyền nằm trong top 10 tàu du lịch lớn nhất thế giới này dừng chân tại tỉnh và lần thứ 2 trong năm 2023. Lần đầu trong năm là tháng 2/2023 với hơn 3.800 du khách quốc tế trên hành trình du ngoạn Đông Nam Á, và cũng cập cảng Tân Cảng - Cái Mép như lần vừa rồi.

Hiện nay, Vũng Tàu có 27 dự án đầu tư du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư của 19 dự án có vốn trong nước là 10.212 tỉ đồng và 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 5,86 tỉ USD.

Nguồn khách từ các siêu du thuyền quốc tế không chỉ tăng doanh thu du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn giúp TP.HCM và các tỉnh miền Tây sông nước với phong cảnh thiên nhiên thanh bình và nhiều đặc sản trái cây nhiệt đới được du khách thích thú. Bởi vì TP.HCM và miền Tây cũng là các điểm đến thường xuyên cho nguồn khách từ du thuyền.

Đặc biệt, thành phố Vũng Tàu 2 lần liên tiếp được bình chọn là Thành phố du lịch Asean và hiện đang tiếp tục làm hồ sơ công nhận là Thành phố du lịch Sạch Asean lần thứ 3 liên tiếp (năm 2024 - 2026).

Với lợi thế là thành phố biển năng động, xinh đẹp, hướng đến thành phố du lịch xanh trong thời gian tới, mỗi năm Vũng Tàu đón khoảng 6,5 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khoảng 1,8 đến 2 triệu lượt khách quốc tế.

Tỉnh đưa tên Việt Nam lên bản đồ LNG thế giới, du khách quốc tế khó quên - Ảnh 3.

Vẻ đẹp hài hòa của Bãi Sau, Vũng Tàu. Nguồn: báo Ảnh Việt Nam.

Đầu tháng 10/2023, phái đoàn công tác của thành phố Sacheon Hàn Quốc đến thăm và tìm cơ hội hợp tác với Vũng Tàu. Thành phố biển sẽ trở nên gần hơn cho cộng đồng du lịch quốc tế vì sân bay quốc tế Long Thành chỉ cách Vũng Tàu hơn 40km dự kiến đi vào hoạt động năm 2025.

Đại diện của thành phố Sacheon đánh giá sự năng động về kinh tế, văn hóa và du lịch của Vũng Tàu, không chỉ muốn hợp tác xúc tiến du lịch mà phía Hàn Quốc còn mong hợp tác trong ngành sản xuất, chế tạo sản xuất phụ tùng ô tô, nông sản đặc sản và khu nông nghiệp thông minh.

Không chỉ là dầu khí

Trong các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn của tỉnh, nổi bật nhất phải kể đến dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn tại TP. Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD của tập đoàn đa ngành Siam Cement Group Thái Lan.

Với tên quốc tế viết tắt là LSP (Long Son Petrochemicals), tổ hợp Long Sơn vận hành chạy thử vào đầu tháng 11/2023, dự kiến đầu năm 2024 sẽ vận hành thương mại. Lãnh đạo LSP cho biết dự kiến doanh thu năm 2024 của tổ hợp khoảng 1,5 tỷ USD, qua đó sẽ đóng thuế cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 150 triệu USD. Ngoài ra sẽ có gần 1.000 lao động Việt Nam làm việc tại LSP.

Là dự án hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, tầm quan trọng chiến lược của LSP nằm ở tính chất thay thế nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng nhanh của Việt Nam về nhựa polyme, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành nhựa, là một nguồn xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Theo thời gian, các kỹ sư và lao động Việt Nam sẽ nắm được công nghệ quản lý và vận hành tổ hợp "tỷ đô" này, theo lãnh đạo LSP.

Tỉnh đưa tên Việt Nam lên bản đồ LNG thế giới, du khách quốc tế khó quên - Ảnh 4.

Một góc tổ hợp hoá dầu Long Sơn.Ảnh: Long Son Petrochemicals

Dự án "tỷ đô" thứ hai rất được quan tâm, tuy chưa triển khai là Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Với quy mô đầu tư ước tính 6,7 tỷ USD, đây được xem là siêu cảng lớn nhất Việt Nam và sẽ tiếp tục khẳng định ưu thế logistics cho hệ thống các cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Theo kế hoạch, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ sẽ được xây ở ngay cửa sông Cái Mép và sông Thị Vải để trở thành cảng trung chuyển quy mô quốc tế. Hai đơn vị sẽ hợp tác thực hiện dự án là công ty SSA Marine (Mỹ) và Công ty cổ phần Gemadept của Việt Nam, theo thông báo từ Nhà Trắng ngày 11/9/2023.

Nơi đây sẽ trở thành trung tâm logistics cảng biển lớn nhất Việt Nam. Như vậy, riêng tỉnh đã có 2 dự án quy mô lớn nhất nước là Kho LNG Thị Vải và dự án Cái Mép Hạ. Đó là chưa nói đến nhà máy bia có diện tích lớn nhất nước: nhà máy Heineken 40 hectare với vốn đầu tư 400 triệu USD đang hoạt động tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, thị xã Phú Mỹ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút được 20 dự án FDI, tăng hơn 5 dự án so với cùng kỳ năm 2022, với tổng vốn đăng ký hơn 751 triệu USD (tăng 2,78 lần, tương đương tăng hơn 481 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022).

Trong số này có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 503 triệu USD, tăng 15,3%, tương đương tăng gần 67 triệu USD. Riêng tháng 10, có 5 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký hơn 594 triệu USD, có 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 62,5 triệu USD.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 457 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31.433 triệu USD. Trong đó, trong khu công nghiệp là 284 dự án với tổng vốn đầu tư 13.738 triệu USD; ngoài khu công nghiệp 173 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17.695 triệu USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem