Tô mì 0 đồng ở trung tâm TP.HCM, ấm lòng người lao động nghèo

Minh Tâm - Kỳ Duyên Thứ sáu, ngày 01/12/2023 07:06 AM (GMT+7)
Quán mì nhỏ nằm trong khuôn viên giáo xứ Mạc Ty Nho (quận 1, TP.HCM) cứ khoảng 20h lại bắt đầu nhộn nhịp. Cánh đàn ông loay hoay kê bàn ghế, những người phụ nữ lại tỉ mỉ xem xét các nguyên liệu để chuẩn bị mở cửa đón khách.
Bình luận 0

Chưa đầy nửa tiếng, 5 chiếc bàn đặt dọc vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai đã đầy ắp thực khách. Đang xì xụp những tô mì nóng hổi của quán là các tài xế xe công nghệ, sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Họ ghé đây vì bị thu hút bởi lời mời dễ thương “Bạn chưa ăn tối mà trong túi còn ít tiền. Đừng lo, mời bạn đến với nhà thờ Mạc Ty Nho dùng tô mì 0 đồng nhé!” được in trên tấm biển đặt trước nhà thờ.

Tô mì 0 đồng ở trung tâm TP.HCM làm ấm lòng người lao động nghèo - Ảnh 1.

Quán mì 0 đồng nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Ảnh: Kỳ Duyên

Tiệm mì 0 đồng này là ý tưởng của cha xứ Nguyễn Hoàng Lê Nguyên (Chánh xứ nhà thờ Mạc Ty Nho). Khu vực trung tâm này tập trung nhiều người lượm vé chai, công nhân vệ sinh, tài xế xe ôm… Giá thức ăn ở đây đắt đỏ. Cha xứ nảy ra ý định mở tiệm mì để những người lao động nghèo có nơi lui tới.

“Cha xứ quyết định mở tiệm mì 0 đồng để phần nào giúp người lao động nghèo, sinh viên tiết kiệm chi phí trong thời buổi kinh tế khó khăn. Mọi người vào đây như một gia đình, có chỗ để no bụng và nghỉ ngơi”, bà Xí (người đứng bếp tiệm mì 0 đồng) nói.

Mỗi phần ăn bao gồm một gói mì tự chọn và các món ăn kèm gồm chả lụa, đậu hũ, gà xé và cá viên. Tô mì được truyền tay nhau, người cho mì vào tô, người gắp đồ ăn, người đổ nước sôi vào. Sau khi cho thêm hành ngò, giá hẹ, tô mì nóng hổi được trao đến tận tay thực khách. Cứ thế, mỗi đêm, 10 người phụ nữ “bán” ra gần 300 tô mì. Họ đều là những giáo dân của nhà thờ Mạc Ty Nho đến đây trên tinh thần tự nguyện, muốn lan tỏa niềm yêu thương đến mọi người.

Tô mì 0 đồng ở trung tâm TP.HCM làm ấm lòng người lao động nghèo - Ảnh 2.

Mỗi tô mì 0 đồng có đầy đủ món ăn kèm gồm chả lụa, gà xé, giá hẹ... Ảnh: Kỳ Duyên

Tiệm mì 0 đồng hoạt động từ thứ Hai-Sáu, từ 20h-21h30. Những ngày đầu tiên, quán phục vụ khoảng 100 tô mì. Khách ăn xong lại truyền tai cho các mảnh đời khó khăn khác, lượng người kéo đến quán ngày một đông. Nhìn thấy những người đến muộn phải ôm bụng đói ra về, các chị em giáo dân lại tăng dần số lượng lên 200, 250 tô. Đến nay, gần 2 tháng mở cửa, số lượng đã lên đến 300 tô mỗi ngày.

“Nhiều thực khách vô tình ghé ăn sau khi biết rõ câu chuyện cũng chung tay, góp sức. Người có điều kiện thì góp vài trăm chiếc tô, người khó khăn hơn thì góp ký thịt, bó hành”, bà Xí cho biết.

Hôm trước, sau cuốc xe chở khách sang quận 3, anh Lê Bình Nguyên (quận 5) vội chạy ngược về quận 1 để kịp giờ, tiệm mì chưa đóng cửa. Nhìn thấy các nữ tình nguyện viên đang dọn dẹp để đóng cửa quán, anh định bụng tối nay phải ăn bánh mì cầm hơi thì được các cô ngoắc vào để phục vụ tô mì cuối cùng trong ngày. Sau khi dùng bữa, anh thuần thục đổ phần nước thừa vào một thùng sau đó đặt tô vào thau dành riêng cho chén bát đã qua sử dụng. Khoảng 1 tháng nay, cứ có thời gian rảnh, anh Nguyên lại đến đây ăn để tiết kiệm khoảng 30.000 đồng cho bữa tối.

“Dù ở quán phải tự phục vụ nhưng tôi cũng không thấy phiền hà gì vì các cô đã mang đến cho tôi một bữa ăn ngon. Dù là quán ăn miễn phí nhưng các món ăn được chuẩn bị rất đàng hoàng, chỉn chu và sạch sẽ, chỗ ngồi thoáng mát. Tôi có giới thiệu quán cho các anh em tài xế xe công nghệ khác để họ đỡ được ít tiền mua bánh mì, hộp cơm”, anh Nguyên chia sẻ.

Thực đơn của quán thường xuyên được thay đổi để thực khách đỡ ngán. Thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm là kết hợp chả lụa, bò viên, gà xé ăn kèm giá hẹ. Thứ Tư là mì tươi nấu với xương. Thứ Sáu quán phục vụ các món chay như phở, mì… Tuần trước, những nữ tình nguyện viên phục vụ mì quảng, gần 300 tô đã được “bán” sạch.

Tô mì 0 đồng ở trung tâm TP.HCM làm ấm lòng người lao động nghèo - Ảnh 4.

Lời mời dễ thương “Bạn chưa ăn tối mà trong túi còn ít tiền. Đừng lo, mời bạn đến với nhà thờ Mạc Ty Nho dùng tô mì 0 đồng nhé!” trên tấm bảng đặt trước nhà thờ. Ảnh: Kỳ Duyên

Dù là quán ăn 0 đồng, thế nhưng, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm rất được chú trọng. Các nguyên liệu đều được các chị em giáo dân chính tay lựa chọn và sơ chế một cách cẩn thận. Thấy người đàn ông dùng tay không bốc hành cho vào tô mì, một nữ tình nguyện viên vội cản: “Ở đây, tất cả các khâu đều phải sử dụng bao tay để sạch sẽ”.

“Của cho không bằng cách cho, vì thế, dù 0 đồng nhưng đều phải chất lượng và sạch sẽ”, bà Xí lý giải.

Dù đang bận rộn quán xuyến lượng khách ra vào, thế nhưng, khi thấy người đàn ông mặc áo sơ mi sờn bạc, tay cầm xấp vé số khập khiễng bước vào quán, bà Xí liền quay sang nói với cộng sự: “Cho chú thêm miếng chả nha con, chú này ăn khỏe”.

Cứ thấy các nam tài xế xe ôm công nghệ, bà lại cho thêm miếng thịt, miếng chả hay hỏi có ăn mì thêm không. Bà Xí cho biết, bất cứ ai ghé quán, bà đều xem là người trong gia đình, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo. Khách ăn mạnh cũng có thể mạnh dạn xin thêm 1-2 gói mì.

Tô mì 0 đồng ở trung tâm TP.HCM làm ấm lòng người lao động nghèo - Ảnh 5.

Anh Tấn Phát vui khi được thưởng thức tô mì 0 đồng tại quán. Ảnh: Kỳ Duyên

Nhiều lần bị từ chối khi đi xin cơm từ thiện, anh Tấn Phát (quận 7) không khỏi xúc động khi được đối đãi nồng hậu khi ghé tiệm mì 0 đồng.

“Nghề nghiệp của tôi không ổn định nên có những ngày không kiếm được đồng nào. Vì vậy, tôi thường đi xin cơm thiện nguyện để ăn nhưng nhiều nơi thấy tôi mặc quần áo chỉn chu, là trai trẻ nên họ từ chối không cho. Tuy nhiên, ở đây mọi người đều rất nhiệt tình, không hề phân biệt già trẻ, giàu nghèo, miễn mình cần thì họ sẵn sàng cho mình 1 phần ăn. Ở đây được ăn bao nhiêu cũng được, khi nào no thì thôi. Sức tôi ăn mạnh, xin 2 gói mì mọi người vẫn vui vẻ cho”, anh Phát nói.

Sau lần đầu tiên đến đây, anh còn chụp lại ảnh quán ăn và đăng bài lên mạng xã hội để giới thiệu cho bạn bè, những người khó khăn và sinh viên nghèo có thể thưởng thức bữa ăn 0 đồng.

“Mô hình này rất đáng trân trọng và nên được nhân rộng hơn. Rất mong là chương trình sẽ được nhiều người biết đến hơn, bà con có thể ủng hộ hiện kim hoặc có rau góp rau, có thịt góp thịt để chương trình được duy trì, tạo miếng ăn cho những người lao động nghèo. Những người không có điều kiện thì có thể truyền miệng nhau, giúp mô hình này được những người tài xế xe ôm, người lao động biết để tìm đến ăn”, anh Mạnh Hùng (quận 9) chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem