TP.HCM: Bé gái 7 tuổi hồi sinh từ lá gan của người cha trong ca ghép gan chủ động đầu tiên

Bạch Dương Thứ hai, ngày 20/12/2021 16:53 PM (GMT+7)
Ngày 20/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết đã tự thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên cho một bệnh nhi 7 tuổi từ lá gan của cha ruột. Đây là lần đầu tiên các y bác sĩ phía Nam hoàn toàn chủ động, tự thực hiện ghép gan mà không cần hỗ trợ.
Bình luận 0
TP.HCM: Bé gái 7 tuổi hồi sinh từ lá gan của người cha trong ca ghép gan chủ động đầu tiên - Ảnh 1.

Ca ghép gan kéo dài 12 giờ. Ảnh: BVCC

Đây là ca ghép gan thành công thứ 15, được thực hiện cho bé gái H.G.H. (7 tuổi, trú huyện Nhà Bè, TP.HCM) bị teo đường mật bẩm sinh, suy gan giai đoạn cuối và có chỉ định ghép gan, được cha ruột cho gan để ghép.

Bé H.G.H bị teo đường mật đã mổ Kasai lúc 2 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau mổ, bé phải nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng đường mật, gan xơ, lách rất to gây cường lách. Năm 2020 bé xuất huyết tiêu hoá (ói ra máu và tiêu phân đen) 2 lần, suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng thường xuyên chảy máu mũi.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết đây là ca ghép gan thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, rất khó khăn so với các ca ghép tạng những năm trước vì dịch Covid-19. Ca ghép kéo dài trong khoảng 12 giờ, bắt đầu từ 9h sáng đến 9h tối ngày 1/12.

Bệnh viện Đại học Y dược đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 để lấy gan từ người cha ruột. Đây là ca ghép gan thành công đầu tiên của bệnh viện với ê kíp toàn đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam. Trước đây, các ca ghép gan luôn có đoàn GS đến từ Bỉ trực tiếp hỗ trợ (từ ca ghép gan đầu tiên năm 2005 cho đến 2020). Tổng chi phí cho ca ghép gan này khoảng 400-500 triệu đồng.

Sau 2 tuần ghép gan, bé đã đi lại bình thường, ngày thứ 3 đã có thể tự ăn. Hiện bệnh viện có khoảng 200 trẻ em đang cần được ghép gan.

Bác sĩ Thạch cho biết thêm, Bệnh viện Nhi đồng 2 là trung tâm ghép tạng duy nhất ở trẻ em khu vực phía Nam, ca ghép thận đầu tiên năm 2004, ca ghép gan đầu tiên vào năm 2005. Những năm qua, bệnh viện đã thực hiện 20 ca ghép thận, 15 ca ghép gan.

Số ca ghép tạng còn ít là do khó khăn ở người cho tạng, nguồn tạng từ người cho còn sống và chung huyết thống hạn chế. Nguồn tạng từ người cho chết não nhiều, khả quan nhưng nhận tạng ở trẻ em có nhiều khó khăn về hòa hợp mô tạng, kỹ thuật... Việc ghép tạng cũng đòi hỏi nhiều kinh phí.

Trong 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều trẻ chờ ghép ra đi, khiến bệnh viện bức bối, bác sĩ căng thẳng. Với sự chủ động này, việc ghép gan sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để cứu được nhiều hơn các bệnh nhi bệnh gan giai đoạn cuối. Bệnh gan giai đoạn cuối khi bệnh nhi có nhiều biến chứng phải nhập viện nhiều lần và người thân mất công, mất việc khiến gia đình bệnh nhi dần suy kiệt. Vì vậy, các chính sách cho bệnh nhi ghép gan là rất cần thiết và sự hỗ trợ từ cộng đồng là không thể thiếu.

TP.HCM: Bé gái 7 tuổi hồi sinh từ lá gan của người cha trong ca ghép gan chủ động đầu tiên - Ảnh 3.

Bé H.G.H khỏe mạnh sau 15 ngày ghép gan của người cha. Ảnh: BVCC

"Chúng tôi tìm kiếm nhiều đối tác khác nhưng liên hệ khó khăn trong mùa dịch và đã quyết định hợp tác với Bệnh viện Đại học Y dược, thực hiện 3 ca ghép tạng, 2 ca thành công. Chúng tôi đã hoàn toàn tự chủ trong vấn đề ghép, Bệnh viện Đại học Y dược hỗ trợ vấn đề pháp lý, lấy gan ở người cho.

Trong tương lai, chúng tôi hướng tới lấy gan ở người lớn, lấy gan và tách gan ở người cho chết não. Bệnh viện đã gửi qua Bỉ một bác sĩ học chuyên về ghép gan, mong muốn chương trình ghép tạng sẽ trở nên thường quy, đội ngũ y bác sĩ đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật này", bác sĩ Thạch nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem