TP.HCM đã có ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng, bệnh viện lo thiếu thuốc điều trị

Bạch Dương Thứ năm, ngày 01/06/2023 14:26 PM (GMT+7)
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết đã có một bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng. Đây là ca tử vong do tay chân miệng đầu tiên tại TP.HCM trong năm nay.
Bình luận 0
TP.HCM: Ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng, lo ngại thiếu thuốc điều trị - Ảnh 1.

Bệnh nhi tại khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: N.Ly

Theo đó, bệnh nhi 5 tuổi nhập viện với chẩn đoán mắc tay chân miệng độ nặng. Dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị nhưng đêm 31/5, bệnh nhi đã tử vong. Bệnh viện đã gửi mẫu đi làm xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Những ngày qua tại TP.HCM, số ca nhập viện khám và điều trị tay chân miệng tại các bệnh viện gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tháng 4 ghi nhận có 350 trẻ mắc bệnh, đến tháng 5 tăng lên 450 trẻ mắc bệnh này. Hiện tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị 20-30 trẻ.

Theo ThS.BS Trần Ngọc Hạnh Đan, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện đã có những ca di chứng từ mức nặng đến vừa, có những trường hợp mất khả năng nhận thức bình thường. Chính những điều này khiến trẻ không hồi phục và dễ bị nhiễm trùng trở lại, nên việc can thiệp điều trị khó khăn.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, dù chưa có ca nặng nhưng số bệnh nhân nhập viện cũng tăng nhanh. Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp chuyển biến nhanh nhưng cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, một điều khiến các bệnh viện lo ngại là thuốc thuốc phenobarbital, truyền tĩnh mạch cho trẻ mắc tay chân miệng độ 3 và 4 đang thiếu, phải dùng thuốc khác thay thế.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số mắc tích lũy bệnh tay chân miệng đến nay là 1.670 ca. Trong tuần 21, thành phố ghi nhận 157 ca, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện và khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột. Các dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh bao gồm sốt, loét miệng, xuất hiện hồng ban mụn nước thường ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông...

Bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở não, như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não cũng như các biến chứng khác về tim mạch, hô hấp. Trẻ gặp biến chứng có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biểu hiện nghi ngờ biến chứng của bệnh, như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình nhiều (trên 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút), yếu chi đi loạng choạng, co giật, ói nhiều, thở nhanh, thở mệt, tím tái, lơ mơ, hôn mê.

Hiện nay, chưa có vaccine ngừa bệnh tay chân miệng. Trẻ cần được phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Trẻ nhỏ bị tay chân miệng nên nghỉ học để tránh lây lan cho bạn bè.

Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, xử lý phân, dịch tiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem