TP.HCM: Căng thẳng xử lý tổ ong vò vẽ 'khủng' có đường kính khoảng 1 mét tại Thảo Cầm Viên

Chinh Hoàng - Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 23/11/2021 19:52 PM (GMT+7)
Lực lượng chức năng liên tục đưa ra các phương án để xử lý tổ ong vò vẽ "khủng" có đường kính khoảng 1 mét, nằm trên thân cây cách mặt đất 30 mét trong Thảo Cầm Viên.
Bình luận 0

Tối 23/11, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) - Công an TP.HCM đã có mặt tại Thảo cầm Viên (phường Bến Nghé, quận 1) để xử lý một tổ ong vò vẽ "khổng lồ".

Theo ông Huỳnh Chí Hải, bảo vệ tại Thảo cầm viên, tổ ong vò vẽ này được phát hiện khoảng một tuần trở lại đây. Xác định đây là loại ong đặc biệt nguy hiểm, nhất là lại nằm trong khu vực có đông người đến tham quan, ban quản lý Thảo Cầm Viên đã thông báo cho cơ quan chức năng đến xử lý.

TP.HCM: Căng thẳng xử lý tổ ong vò vẽ "khủng" có đường kính khoảng 1 mét tại Thảo Cầm Viên - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng triển khai phương án xử lý tổ ong vò vẽ tại Thảo Cầm Viên. Ảnh: Chinh Hoàng

Từ 17h30, Trung tá Đào Quốc Trung - Tổ trưởng tổ cứu nạn cứu hộ (PC07) đã cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ có mặt tại Thảo Cầm Viên để chuẩn bị công tác xử lý. Đơn vị này cũng cũng trang bị xe thang, các dụng cụ để bắt ong và xe cứu thương, phòng trường hợp không mong muốn xảy ra.

Trung tá Đào Quốc Trung nhận định, đây là tổ ong vò vẽ rất lớn, đường kính tổ khoảng 1 mét. Tổ ong này nằm cao trên thân cây cách mặt đất khoảng 30 mét nên công tác tiếp cận khá khó khăn. Để xử lý, trước mắt đội sẽ cử 3 người có kinh nghiệm nhất trong việc bắt tổ ong lên tiếp cận, thực hiện theo phương án đã bàn bạc tại đơn vị.

TP.HCM: Căng thẳng xử lý tổ ong vò vẽ "khủng" có đường kính khoảng 1 mét tại Thảo Cầm Viên - Ảnh 2.

Tổ ong vò vẽ được các chiến sĩ PC07 xử lý trên cao. Ảnh: Chinh Hoàng

"Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc xử lý tổ ong vào ban đêm sẽ có hiệu quả cao hơn bởi thời điểm này, ong đã trở về tổ hết nên bắt được toàn bộ. Ngoài ra, trong đêm tối, ong sẽ không thấy đường nên nếu bay ra sẽ bám vào ánh đèn. Đây cũng là một trong những phương án bắt ong.

Về phương án xử lý tổ ong này, chúng tôi phải sử dụng xe thang và dùng vợt trùm vào bắt sống, không để ong bay túa ra bên ngoài. Nếu không được thì buộc phải đốt tổ ong từ trên cao.

Quan trọng nhất là là sự phối hợp nhịp nhàng của các chiến sĩ trong quá trình xử lý để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh" - Trung tá Trung chia sẻ.

TP.HCM: Căng thẳng xử lý tổ ong vò vẽ "khủng" có đường kính khoảng 1 mét tại Thảo Cầm Viên - Ảnh 3.

Tổ ong "khủng" cực kỳ nguy hiểm được lực lượng chức năng xử lý an toàn. Ảnh: Chinh Hoàng

Khoảng 18h15, khi các phương án được thống nhất, ba chiến sĩ PC07 mặc đồ bảo hộ, lên xe thang và tiếp cận tổ ong. Sau 15 phút tiếp cận, tổ ong vò vẽ đã được các chiến sĩ dùng lưới quấn trọn và mang xuống đất an toàn. Sau đó, tổ ong vò vẽ này được ban quản lý Thảo Cầm Viên đưa đi xử lý, phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Có mặt tại hiện trường, ông Lê Tấn Châu - Phó Trưởng phòng PC07 cho biết, nhờ tính toán kỹ lưỡng nên quá trình xử lý tổ ong đã diễn ra thành công tốt đẹp. 

Trước khi triển khai xử lý tổ ong này, đơn vị đã tới khảo sát hiện trường và về chế tạo một cái vợt lớn để trùm gọn tổ ong, không để bay ra ngoài gây nguy hiểm.

TP.HCM: Căng thẳng xử lý tổ ong vò vẽ "khủng" có đường kính khoảng 1 mét tại Thảo Cầm Viên - Ảnh 5.

Tổ ong sau khi được đưa xuống dưới đất. Ảnh: Chinh Hoàng

Được biết, đây là loại ong nguy hiểm, khó xử lý hơn các loại ong khác như ong mật, ong ruồi… nên các chiến sĩ cứu hộ phải hết sức thận trọng. 

Nọc độc của ong vò vẽ sau khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng dị ứng như phù nề, nổi mề đay. Nặng nhất là sốc phản vệ và có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng sau 15 phút.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem