TP.HCM chuẩn bị tốt nhất để bắt tay thực hiện nghị quyết mới

Bạch Dương Thứ tư, ngày 21/06/2023 16:16 PM (GMT+7)
Theo kế hoạch, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua ngày 24/6, ngay trước khi Quốc hội bế mạc kỳ họp.
Bình luận 0
TP.HCM chuẩn bị tốt nhất để bắt tay thực hiện nghị quyết mới - Ảnh 1.

TP.HCM cần cơ chế đặc biệt, vượt trước, mở đường. Ảnh: B.D

Nói về công tác chuẩn bị để thực hiện nghị quyết mới này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, qua tổng kết Nghị quyết 54 cho thấy, nhiều kết quả tích cực được mang lại thông qua thực hiện những chính sách đặc thù. Đó là tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; huy động nguồn lực từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án….

Khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 54, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra 3 hạn chế chủ yếu, đó là một số nội dung triển khai chậm; một số cơ chế thực hiện hiệu quả thấp; một số chính sách chưa được quy định cụ thể, phải chờ văn bản hướng dẫn. Có rất nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có và một trong những nguyên nhân chủ quan đó là sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan còn hạn chế.

Bà Lệ cho biết, TP.HCM là đô thị đặc biệt nên không chỉ cần cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần phải có cơ chế vượt trước để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm những vấn đề mới để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ hoặc đủ nhưng chưa thật chín.

TP.HCM đã có kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua. HĐND TP.HCM sẽ sớm quyết định các vấn đề trên cơ sở các tờ trình của UBND TP.HCM và triển khai ngay để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thành phố.

Trong đó, dự kiến HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết với khoảng 30 nội dung để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố tại kỳ họp thứ 10 của HĐND TP.HCM (dự kiến tổ chức trong tháng 7/2023). Nghị quyết của HĐND TP.HCM quy định cụ thể trách nhiệm, thời gian giao nhiệm vụ UBND TPHCM trình để HĐND TP.HCM quyết định theo thẩm quyền.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội ngày 15/6, các đại biểu cho rằng cần đưa ra những chính sách đủ mạnh, vượt trội với thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho TP.HCM có sự phát triển đột phá hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, rà soát kỹ lưỡng các chính sách đưa ra, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có sự kết nối đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo phù hợp, khả thi trong tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao dự thảo Nghị quyết và sự chuẩn bị của các cơ quan hữu quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong báo cáo tiếp thu, giải trình cần làm rõ thêm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Bên cạnh đó, quy định về hợp đồng BT phải thật sự chặt chẽ, kín kẽ để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật.

Mới đây, UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng về thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.

TP.HCM chuẩn bị tốt nhất để bắt tay thực hiện nghị quyết mới - Ảnh 3.

TP.HCM đã trình Thủ tướng quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040. Ảnh: B.D

Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức TP.Thủ Đức là một đô thị đa trung tâm, với một trung tâm chính là khu Thủ Thiêm, 2 trung tâm khác tại khu vực Trường Thọ và khu vực Long Phước. TP.Thủ Đức sẽ phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm; các trung tâm tại các phân vùng đô thị gắn với các cơ hội việc làm về thương mại, dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo, sản xuất công nghệ cao... Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghệ cao đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

TP.Thủ Đức sẽ tập trung phát triển 11 khu vực trọng điểm nhằm kích thích kinh tế, đổi mới, sáng tạo. Các khu này bao gồm khu trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; khu đô thị thương mại, dịch vụ cảng, công nghiệp Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi; khu đô thị thương mại, văn hóa, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ; khu công viên và đô thị Tam Phú; khu đô thị sản xuất tiên tiến, thương mại dịch vụ Linh Trung; khu sản xuất công nghệ cao, dịch vụ và đào tạo TP.HCM; khu đô thị và công viên lịch sử - văn hóa dân tộc Long Bình; khu đô thị và công viên khoa học - công nghệ TP.HCM tại Long Phước; khu đô thị sinh thái, công nghệ cao Long Phước - Tam Đa; khu vực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Về giao thông, sẽ bổ sung các hướng kết nối qua sông Sài Gòn, sông Tắc, sông Đồng Nai, để phát huy vai trò và giá trị trung tâm của TP.Thủ Đức đối với TP.HCM.

TP.Thủ Đức được xác định là đô thị loại 1 trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía Đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem