TP.HCM đào tạo nghề mới, đặc thù cho lao động nông thôn

Dương Quang Thứ bảy, ngày 29/07/2023 21:32 PM (GMT+7)
Thực hiện quyết định của Bộ NNPTNT, TP.HCM đã chỉ đạo các quận/huyện, sở, ban ngành tại TP.HCM triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã ký Quyết định số 2405/BNN-KTHT triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2023. Theo quyết định này, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch đã được giao.

TP.HCM đào tạo nghề mới, đặc thù cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

TP.HCM đào tạo nghề mới, đặc thù cho lao động nông thôn. Ảnh: Quang Sung

Trong đó, tiếp tục đào tạo lao động để nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, vùng. Phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn. Phát triển các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới.

Kết hợp đào tạo nghề nông nghiệp trong hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và gắn với chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sau học nghề, đặc biệt là đội ngũ lao động trẻ.

Đẩy mạnh việc thực hiện tri thức hóa nông dân, tiến tới vinh danh nông dân chuyên nghiệp, đặc biệt là nông dân tham gia trong Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn của Bộ NNPTNT.

Trước đó, tại TP.HCM, Sở NNPTNT TP cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch số 711/KH-UBND của UBND TP về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023.

Kế hoạch này giao UBND các quận/huyện, như: Quận 12, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và TP.Thủ Đức chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn.

TP.HCM đào tạo nghề mới, đặc thù cho lao động nông thôn - Ảnh 3.

Lao động tại làng nghề đan giở trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Ảnh: Quang Sung

Các địa phương được giao thực hiện rà soát, cập nhật thực trạng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp trong giai đoạn 2023-2025. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của địa phương theo quy định.

Từ những dữ liệu thu thập được, các địa phương gửi Sở NNPTNT TP tổng hợp để xây dựng cơ sở dữ liệu thực trạng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023-2025.

Theo TS. Trịnh Xuân Việt (Học viện Chính trị), công tác đào tạo nghề ở nông thôn đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề còn quá thấp so với yêu cầu thực tế và trình độ của các nước trong khu vực. Lực lượng lao động phần lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Cũng theo TS. Việt, lao động nông thôn trong 10 năm tới vẫn là nguồn cung lao động cho các ngành phi nông nghiệp và cho khu vực thành thị thông qua chuyển dịch cơ cấu lao động. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp sẽ chỉ còn dưới 30% và tiếp tục giảm xuống dưới 15% vào năm 2035.

Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng lực lượng lao động nông thôn thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn cần phải xây dựng, điều chỉnh lại quy hoạch đào tạo nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Mục tiêu đào tạo nghề cần chuyển dần từ chỉ chuyên đào tạo kỹ năng lao động nghề nghiệp để người lao động có thể làm được một công việc nào đó, như may, lái xe, thêu,...) sang việc cung cấp hàng loạt các kỹ năng tổng hợp khác như, tạo sản phẩm, tìm thị trường, sáng chế mẫu mã sản phẩm, tiếp thị,...

"Cần thay đổi quan niệm về đào tạo nghề. Nếu chỉ dừng lại ở việc dạy nghề như trước đây thì cùng lắm chỉ đạt đến kết quả giải quyết được việc làm, khó có thể tạo ra người lao động sáng tạo, thích nghi và phải bằng lòng với việc làm thuê suốt đời. Cần hiểu rằng đào tạo nghề là phải đào tạo cả chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và các kỹ năng khác để có thể tồn tại, phát triển bản thân trong một môi trường, điều kiện lao động nhất định bằng nghề nghiệp của chính mình", TS. Việt cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem