TP.HCM: Đất bỏ hoang, trồng sả... trong khi địa phương không có để xây trường học

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 02/03/2023 16:05 PM (GMT+7)
Quận 12 hiện có 14 khu đất bỏ hoang hoặc cho thuê lại không đúng mục đích sử dụng, trong khi đó, đất để xây dựng trường học thì thiếu nghiêm trọng.
Bình luận 0

Ngày 2/3, ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - chủ trì Hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

TP.HCM: Đất thì bỏ hoang, nhưng địa phương không có đất xây trường học - Ảnh 1.

Ông Dương Anh Đức - Thành Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MQ

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến về việc thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân đến từ các quận, huyện. 

Trong đó, đại diện UBND quận 4 cho rằng, quận này khó hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân là do nhiều dự án xây trường phải điều chỉnh quy hoạch khiến thời gian thực hiện kéo dài. Quận này cũng gặp khó trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bà Võ Thị Chính - Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, đây là địa phương có áp lực rất lớn về trường lớp do tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm tăng cao. Hiện nhiều trường tiểu học của quận có trên 50 lớp, sĩ số nhiều lớp lên đến 60 em.

"Tính đến cuối 2022, toàn quận có 2.874 phòng học, với 122.413 dân trong độ tuổi đi học, đạt 235 phòng học/10.000 dân. Với tốc độ tăng dân số của quận như hiện nay so với tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường học, quận xác định không thể đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân", bà Chính nói.

Cũng theo bà Chính, dự kiến đến năm 2025 quận có 132.895 dân trong tuổi đi học, như vậy phải có thêm 1.700 phòng học mới đạt chỉ tiêu. Nếu hoàn thành được 23 dự án trường học theo kế hoạch đề ra, đến năm 2025 quận mới đạt được 240 phòng học/10.000 dân. Dù vậy, để đạt được chỉ tiêu này là rất khó, nên thực hiện 300 phòng học là không thể.

TP.HCM: Đất thì bỏ hoang, trồng sả... trong khi địa phương không có để xây trường học - Ảnh 3.

Lãnh đạo quận 12 chia sẻ khó khăn trong việc thực hiện 300 phòng học/ 10.000 dân. Ảnh: HN

Bà Chính cho biết thêm, ngoài quỹ đất sạch hiện có, đơn vị này đã rà soát các khu đất do cơ quan xí nghiệp, công ty nhà nước quản lý nhưng để trống. Quận 12 cũng đã kiến nghị thành phố thu hồi 14 khu đất không sử dụng nhưng chưa có chủ trương thu hồi.

Lấy ví dụ cho việc này, bà Chính chia sẻ, quận 12 hiện có khu đất thuộc Trung tâm sâm dược liệu (Bộ Y tế) đang bị bỏ hoang, chỉ trồng vài cây sả. Trong khi đó, kế bên khu đất này là một trường học đã cũ, xuống cấp trầm trọng. Quận 12 đã xây dựng mới trường này và đề xuất thu hồi khu đất bỏ hoang để mở rộng trường, nhưng không được.

Trong khi đó, bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, tốc độ tăng dân số trên địa bàn huyện quá nhanh nên các vấn đề liên quan đến giáo dục rất căng thẳng. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện có 16 dự án trường học, nhưng đến nay mới thực hiện được 7 dự án. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 có thêm 17 trường, nhưng chưa được cấp vốn.

Dự kiến năm 2025 còn 3 quận không đạt chỉ tiêu

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, tính đến tháng 12/2022, TP.HCM có 12/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi).

Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) gồm: quận 4 (286), quận 8 (292), quận 12 (235), quận Bình Thạnh (297), quận Gò Vấp (205), quận Tân Bình (288), quận Tân Phú (255), quận Bình Tân (288), huyện Bình Chánh (260), huyện Hóc Môn (211).

Dự kiến kế hoạch đến năm 2025, có ba 3 quận chưa thể đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) gồm: quận 4 (289), quận 12 (240), quận Gò Vấp (220).

Ông Nam đánh giá, tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) không đồng đều giữa các cấp học, tỷ lệ thực hiện cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt thấp, tập trung tại TP.Thủ Đức (khu vực quận Thủ Đức cũ) và một số quận, huyện như: quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, Huyện Bình Chánh và Huyện Hóc Môn.

TP.HCM: Đất thì bỏ hoang, nhưng địa phương không có đất xây trường học - Ảnh 4.

Đến năm 2023, dự kiến 3 quận vẫn không đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Ảnh: MQ

Về công tác đầu tư, ông Nam cho biết, giai đoạn trung hạn từ năm 2016 đến 2020, toàn thành phố có 721 dự án lĩnh vực giáo dục được thông qua chủ trương đầu tư, quy mô 13.676 phòng học, với tổng kinh phí 58.212.562 triệu đồng.

Tuy nhiên, TP.HCM chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng được 415 dự án với 7.478 phòng học, đạt 54,67% so với kế hoạch. Đáng nói, trong đó bao gồm cả những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2016 (chiếm 30 dự án với 739/6.854 phòng học). Vì vậy, số phòng hoàn thành thực tế trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020 chỉ còn 6.115 phòng học.

Ở giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, toàn thành phố cần bổ sung 14.097 phòng học ở tất cả các cấp, trong đó mầm non là 6.035 phòng, tiểu học là 4.412 phòng, trung học cơ sở là 2.382 phòng, trung học phổ thông là 1.268 phòng.

Tuy nhiên số phòng học đầu tư từ nguồn ngân sách tập trung đưa vào sử dụng đạt được 6.115/14.097 phòng học (đạt 43,38%) cho thấy tỷ lệ đạt quá thấp dẫn đến điều kiện đảm bảo chỗ học đáp ứng nhu cầu và đạt theo quy chuẩn luôn là áp lực lớn đối với thành phố.

Ông Dương Anh Đức cho biết, một trong những chỉ tiêu quan trọng, được thành phố đề ra từ lâu là thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Hiện nay, toàn thành phố đạt 292 phòng học/10.000 dân, đây là con số đã tiệm cận chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân được đưa ra mới chỉ đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông cũ, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu học sinh các bậc học được học 2 buổi/ngày thì tỷ lệ phòng học chưa đáp ứng được.

Để đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, ông Đức đề nghị các quận huyện rà soát lại quy mô số lượng chất lượng của các cơ sở giáo dục, đối chiếu mục tiêu, phối hợp ngành giáo dục và các sở ngành liên quan xây dựng lộ trình cụ thể đạt mục tiêu ở từng cấp học, khối học, phân bổ từng địa bàn.

Đồng thời, các địa phương cần tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án có nhu cầu sử dụng đất giáo dục, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư lĩnh vực giáo dục, tăng cường nguồn lực xã hội phát triển giáo dục; Đề xuât giải pháp đặc thù huy động nguồn vốn ngoài ngân sách phát triển giáo dục…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem