TP.HCM "mắc kẹt" với mục tiêu hạn chế túi ni lông, bởi lý do tiểu thương ở các chợ đưa ra

Vũ Quyền Thứ tư, ngày 04/10/2023 06:33 AM (GMT+7)
TP.HCM đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ giảm sử dụng 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy. Tuy nhiên đến nay, kết quả đạt được cực kỳ khiêm tốn. Nhiều tiểu thương ở các chợ cho rằng túi ni lông khó phân hủy giá thành rẻ, tiện lợi và dễ mua, họ không muốn thay đổi.
Bình luận 0

Mục tiêu giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại chợ truyền thống không đạt

Theo thông tin từ chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời", chủ đề bảo vệ môi trường - vấn đề rác thải nhựa, do HĐND TP.HCM mới tổ chức, từ năm 2018 đến nay, thành phố đã triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, và đạt được một số kết quả ban đầu. 

Cụ thể, đến hết năm 2022, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn đã cơ bản cắt giảm 100% túi ni lông khó phân hủy, chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

TP.HCM gặp khó khăn với mục tiêu hạn chế túi ni lông trong chợ truyền thống - Ảnh 1.

Việc sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường trong chợ truyền thống còn ít. Ảnh: Vũ Quyền

Song song đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến hết năm 2023, tiểu thương tại các chợ sẽ giảm sử dụng 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy. Bởi chợ truyền thống là nơi chiếm hơn 60% lượng rác thải nhựa khó phân hủy của toàn thành phố.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết đối với các chợ truyền thống, kế hoạch dự kiến thực hiện mục tiêu sử dụng túi thân thiện môi trường đạt 50% trong năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 65% trong năm 2023. Tuy nhiên, tới nay kết quả đạt được vẫn cực kỳ khiêm tốn, chỉ có 17,5% sử dụng. 

"Chúng tôi đánh giá quá trình triển khai các cái giải pháp này chưa được hiệu quả", ông Phương nói.

TP.HCM gặp khó khăn với mục tiêu hạn chế túi ni lông trong chợ truyền thống - Ảnh 2.

Việc triển khai các giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong chợ truyền thống chưa hiệu quả. Ảnh: Vũ Quyền

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay trong thời gian tới, Sở cùng đơn vị liên quan sẽ xem xét lại các giải pháp đưa ra tại sao lại chưa có hiệu quả, đồng thời điều chỉnh để đảm bảo các mục tiêu đặt ra được thực hiện.

Thực tế, tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy để đựng hàng hóa vẫn phổ biến. Nhiều tiểu thương cho rằng việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy đã diễn ra từ lâu, vì giá thành rẻ, tiện lợi và dễ dàng mua, nên không muốn thay đổi.

Vì sao người dùng "không ưng" túi ni lông thân thiện môi trường 

Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, chia sẻ giá thành túi ni lông thân thiện môi trường còn cao, trong khi túi ni lông thông thường vẫn được kinh doanh đại trà, chưa có biện pháp hạn chế, để nhằm tạo động lực phát triển hơn túi tự hủy bảo vệ môi trường.

Ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban quản lý chợ Tân Định, quận 1, cũng cho rằng hiện nay tỷ lệ thương nhân sử dụng các cái túi ni lông khó phân hủy còn nhiều, bởi giá thành nó rất rẻ, dễ tiếp cận, nhiều đơn vị cung cấp. Trong khi túi ni lông thân thiện môi trường giá thành rất cao, tại chợ bán khoảng 50.000-60.000 đồng/kg.

TP.HCM gặp khó khăn với mục tiêu hạn chế túi ni lông trong chợ truyền thống - Ảnh 3.

Nhiều bãi rác quanh chợ truyền thống tràn lan túi ni lông khó phân hủy. Ảnh: Vũ Quyền

Ngoài ra, theo quy định về thuế bảo vệ môi trường, một kg túi ni lông khó phân hủy là 50.000 đồng/kg, tuy nhiên, giá thành thực tế bán tại chợ là 25.000-40.000 đồng/kg. Do đó, túi ni lông bảo vệ môi trường rất khó cạnh tranh.

Ông Thiện đề xuất việc phải thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Việc này làm tránh thất thu nguồn ngân sách, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh cho sản phẩm thân thiện môi trường.

Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, ông Giang Văn Hiển, cho rằng theo quy định hiện hành, đối với túi ni lông sản xuất từ hạt nhựa sẽ phải chịu mức thuế suất tuyệt đối là 50.000 đồng/kg. Trường hợp những bao bì thân thiện với môi trường và túi ni lông sản xuất từ vật liệu thân thiện với môi trường, sẽ được miễn thuế.

Liên quan công tác quản lý thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM, đối với các mặt hàng túi ni lông thuộc đối tượng chịu thuế, số lượng doanh nghiệp sản xuất, hộ gia đình cũng không nhiều. Tuy nhiên, số lượng túi ni lông tiêu thụ lại khá lớn, từ nhiều nguồn và chưa được quản lý chặt chẽ.

Ông Hiển cũng cam kết sẽ rà soát, kiểm tra... xử lý nghiêm các trường hợp mà thực tế có sản xuất, kinh doanh túi ni lông thuộc đối tượng chịu thuế nhưng trốn tránh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường, hoặc kê khai nhưng kê khai không đủ gây thất thu ngân sách nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem