TP.HCM: Khó khăn trong quản lý chợ truyền thống

Bạch Dương Thứ ba, ngày 08/11/2022 19:36 PM (GMT+7)
Ngày 8/11, Thường trực HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và một số đơn vị về việc thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Bình luận 0
TP.HCM: Khó khăn trong quản lý chợ truyền thống - Ảnh 1.

Nhiều khó khăn trong quản lý chợ truyền thống. Ảnh: P.V

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, chợ truyền thống giữ vai trò quan trọng nhưng lợi ích mang lại nhỏ. Hiện mô hình này đang gặp vướng về giá thuê đất.

Sau một thời gian chuyển từ thu phí chợ sang cơ chế thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng theo quy định của Luật Phí và lệ phí và Luật Giá, các chợ truyền thống ở TP.HCM vẫn lúng túng về phương án thu tiền sử dụng đất (tiền thuê đất).

"Nếu theo mô hình chợ truyền thống thì phải tính cơ cấu giá thuê đất vào giá thuê sạp chợ. Việc này Sở Công Thương, Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với nhau báo cáo lên Bộ xem xét, nhưng hiện chưa được hướng dẫn nên các chợ hiện nay đang thu theo giá tạm tính, chưa cơ cấu", ông Tú nêu thực tế, lấy ví dụ nếu các chợ truyền thống thực hiện cơ cấu như chợ Bến Thành thì tiểu thương không thể thuê được.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng cần phải đổi mới phương thức quản lý để phát triển chợ truyền thống. Thời gian qua, đã có nhiều đề án về việc chuyển đổi số, sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Hiện Sở Công Thương TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị báo cáo với UBND TP về vấn đề này.

Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng đặt câu hỏi: "Theo báo cáo, quy hoạch chợ truyền thống trong tương lai giảm, vậy các hoạt động, loại hình phục vụ người dân khác thì như thế nào?"

Theo ông Dũng, một số địa phương hiện đang hoạt động theo mô hình hợp tác xã để quản lý chợ truyền thống, Sở Công Thương có thể tham khảo nhưng "nếu làm không khéo thì nhà chợ vẫn ở đó nhưng tiểu thương thì không ở trong chợ. Sạp chợ vẫn có tên tiểu thương nhưng họ kinh doanh ngoài chợ. Có nhiều trường hợp tiểu thương chỉ giữ sạp trong chợ để kinh doanh ngoài chợ, đó là thực tế", ông Dũng nói.

Ông Dũng nhìn nhận, việc quản lý chợ truyền thống hiệu quả sẽ góp phần trong việc giữ gìn an ninh trật tự xung quanh chợ. Song song đó cần tiếp tục phát triển các loại hình thương mại khác để phục vụ người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem