TP.HCM kiến nghị biện pháp xử lý "lợi ích nhóm", kiểm soát quyền lực

Bạch Dương Thứ hai, ngày 06/11/2023 15:52 PM (GMT+7)
Ngày 6/11, Thành ủy TP.HCM đã làm việc với Đoàn cán bộ khảo sát thực tế của nhóm 2 – Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Bình luận 0
TP.HCM kiến nghị biện pháp xử lý "lợi ích nhóm", kiểm soát quyền lực - Ảnh 1.

Buổi làm việc của Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 2 tại TP.HCM ngày 6/11. Ảnh: Việt Dũng

TP.HCM là địa phương nhận nhiệm vụ báo cáo 7/8 nội dung tổng kết của Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng. Để tiếp tục phát huy tối đa có hiệu quả vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng TP.HCM trong công cuộc đổi mới giai đoạn tới, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố.

Trong đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng là những cơ chế, chính sách để thành phố thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã báo cáo tóm tắt về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại thành phố.

TP đã từng bước hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Riêng về phát triển các loại hình doanh nghiệp, đến nay TP có 541.919 doanh nghiệp còn hoạt động với số vốn đăng ký 11.095.246 tỷ đồng; 11.988 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 57 tỷ USD.

Cùng với đó, TP tập trung hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Trong đó, rà soát, điều chỉnh khung giá quyền sử dụng đất phù hợp với thị trường. Bình đẳng trong tiếp cận các yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

TP.HCM dẫn đầu cả nước về chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong báo cáo PCI năm 2022. Cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai… tiếp tục được tăng cường trong những năm qua.

Đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM theo giá hiện hành gấp 2,9 lần so với năm 2010. Trong đó kinh tế Nhà nước gấp 1,6 lần, kinh tế ngoài Nhà nước gấp 3,1 lần, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gấp 4,3 lần…

Thời gian tới, kinh tế TP.HCM tập trung vào những định hướng phát triển quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp xanh, năng lượng xanh, gắn với liên kết vùng…

TP.HCM xác định Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội là cơ hội để tháo gỡ các điểm nghẽn, nhanh chóng tạo bước chuyển đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan kiến nghị, Bộ Chính trị sớm ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời kiến nghị, Quốc hội ban hành Luật vận động hành lang ngay sau khi có Quy định về kiểm soát quyền lực này được ban hành để tạo cơ sở pháp lý bắt buộc các "nhóm lợi ích" và các cơ quan, nhà hoạch định chính sách, pháp luật phải minh bạch hóa và có trách nhiệm giải trình về mối quan hệ của họ, từ đó các cơ quan Nhà nước khác, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và người dân có thể dễ dàng giám sát.

TP.HCM kiến nghị biện pháp xử lý "lợi ích nhóm", kiểm soát quyền lực - Ảnh 3.

Thúc đẩy đầu tư nước ngoài là một trong những trọng tâm của phát triển kinh tế TP.HCM. Ảnh: VGP

TP.HCM cũng đề xuất ban hành chính sách, kể cả các biện pháp tình thế khi cần thiết, để thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh trong từng ngành và từng lĩnh vực; làm nòng cốt, dẫn dắt và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ; làm đối tác ngang tầm với các doanh nghiệp lớn nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt tạo nên những thương hiệu Việt với tầm nhìn toàn cầu. Đồng thời xây dựng tiêu chí công nhận thương hiệu quốc gia được Nhà nước bảo hộ và kiểm soát trong quá trình mua - bán; sáp nhập (M&A) với doanh nghiệp nước ngoài. Tăng cường biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó là nghiên cứu ban hành Luật về đầu tư mạo hiểm với cơ chế chung cho mọi nguồn vốn tham gia, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) về đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế, xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp.

Xây dựng Luật công nghiệp hỗ trợ gắn với Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện hành nhằm đồng bộ hóa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tập hợp, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong cùng nhóm ngành theo mô hình các "cứ điểm sản xuất" ở các vùng kinh tế…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem