TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để nâng sức cạnh tranh kinh tế

Bạch Dương Thứ ba, ngày 05/03/2024 16:35 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, để phục hồi, phát triển kinh tế cần có chính sách quốc gia thúc đẩy mang tính lan tỏa cao, không chỉ tập trung về tài chính kinh tế mà còn phải chú ý trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Bình luận 0
TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để nâng sức cạnh tranh kinh tế- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi giám sát. Ảnh: N.Phan

Tại buổi giám sát của Quốc hội tại TP.HCM về thực hiện Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 57/2022, về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, TP.HCM cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 ước đạt 9,03%; năm 2023 ước đạt 5,81%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực

Bên cạnh đó, TP đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; xử lý các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Ông Dũng cho biết thời gian tới, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Đặc biệt, TP.HCM sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế TP; huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển.

UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế suất VAT trong luật thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ để kích cầu tiêu dùng; nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với các nước trong khu vực. Đồng thời, kiến nghị sớm ban hành Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.

Theo báo cáo, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua địa bàn TP.HCM có chiều dài khoảng 47,51 km với hai dự án thành phần: Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 22.411 tỷ đồng và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM với tổng mức đầu tư 18.976 tỷ đồng.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc điều phối nguồn vật liệu xây dựng (nguồn cát san lấp và đất đắp) để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để nâng sức cạnh tranh kinh tế- Ảnh 3.

TP.HCM đang đẩy nhanh dự án đường Vành đai 3, trình hồ sơ dự án Vành đai 4. Ảnh: P.V

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đối với TP.HCM và các địa phương trong vùng, việc thực hiện Nghị quyết 43 không chỉ bị tác động bởi dịch Covid-19 mà còn bị tác động bởi suy giảm kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại thuộc về động lực tăng trưởng, động lực phát triển vùng. Vì thế, cần tái cấu trúc việc tham gia của kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao năng lực quốc gia trong cạnh tranh quốc tế.

Để làm được điều đó cần có chính sách quốc gia thúc đẩy; các chính sách ban hành phải mang tính lan tỏa cao; các chính sách không chỉ tập trung về tài chính kinh tế mà còn phải chú ý trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Ông Mãi cho biết sắp tới, TP.HCM sẽ trình cơ chế để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và cùng các địa phương trình hồ sơ dự án Vành đai 4. TP cũng tập trung để trình đề án về hệ thống đường sắt đô thị, xin cơ chế huy động nguồn vốn đủ lớn, khoảng 20 tỷ USD để thực hiện.

Đồng thời, TP xin một cơ chế giống như cơ chế Vành đai 3 về chuẩn bị, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án để rút ngắn thời gian. Khâu chuẩn bị từ 3 năm, khâu xây dựng từ 5 năm thì mới mong đến năm 2035 hoàn thành được hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM như Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem