Đây là cây công nghiệp đang giúp nông dân một xã của Sơn La tăng thu nhập, làng bản đang giàu lên

Văn Ngọc Chủ nhật, ngày 20/08/2023 15:13 PM (GMT+7)
Được trồng từ những năm 1990, cà phê đã trở thành cây chủ lực ở xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Loại cây công nghiệp này đang giúp bà con nông dân các dân tộc thiểu số xã Chiềng Chung giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, tạo vô số việc làm, tăng thu nhập bình quân đầu người
Bình luận 0

Clip: Trồng cà phê-một loại cây công nghiệp đang giúp bà con nông dân các dân tộc thiểu số xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, tạo vô số việc làm.

Nâng cao thu nhập từ cây cà phê

Câu chuyện giảm nghèo, phát triển kinh tế tại Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) trước đây cũng gặp khó khăn giống như bao xã vùng cao khác. Bà con nông dân chỉ biết quẩn quanh nương rẫy với cây ngô, cây sắn. Năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, giao thương gặp muôn vàn khó khăn, bất lợi. Cái đói cái nghèo cứ thể bủa vây người dân nơi đây.

Thế rồi cây cà phê đến với mảnh đất Chiềng Chung từ bao giờ cũng chẳng ai còn nhớ rõ. Gia đình ông Lò Văn Hè, xã Chiềng Chung, (Mai Sơn, Sơn La) là một trong những hộ dân đầu tiên của Chiềng Chung mạnh dạn chuyển đổi nương sắn, nương ngô sang trồng cà phê. 

Kể từ đó, ông Hè được chứng kiến sự đổi thay không ngừng về đời sống kinh tế của chính gia đình ông cũng như của toàn bộ bà con quê hương. Có thể nói, chính cây cà phê đã nuôi dưỡng rất nhiều thế hệ người dân trên mảnh đất này.

Ông Lò Văn Hè chia sẻ: Cây cà phê là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với cây sắn, cây ngô. 

Trồng cây cà phê không vất vả mấy, đến vụ thu hái là thương lái đến thu mua tận vườn. 2 ha trồng cà phê, mỗi năm gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng. từ khi làm cây cà phê gia đình tôi có của ăn của để, không sợ cái nghèo nữa.

Người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ trồng cây cà phê - Ảnh 2.

Ông Lò Văn Hè, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn (Sơn La) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng từ cây cà phê, cùng với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, những tuyến đường giao thương trở nên ngày một nhộn nhịp, tạo bước đà vững chắc cho sự phát triển vượt bậc của thương hiệu cà phê đặc sản. 

Chị Lò Thị Hợp, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: Đến bây giờ, đại đa số tất cả đều trồng cà phê, từ cây cà phê người dân được thu hái rất nhiều, có của ăn, của mặc và phát triển được kinh tế.

Có lẽ chính thổ nhưỡng, khí hậu vùng cao sơn cước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển thần kỳ của cây cà phê tại Chiềng Chung. Toàn xã hiện có 697 ha trồng cà phê, trong đó có 120 ha cây cà phê chất lượng cao. 

Cà phê ở đây được chăm sóc và thu hái có sự khác biệt so với các vùng trồng cà phê khác. Cây cà phê được người dân ở đây dành thời gian chăm sóc quanh năm, cùng với đó, việc thu hái được chú trọng. 

Chỉ những quả chín mọng, đủ thời gian mới được thu hái, tuyệt đối không hái trộng lẫn quả còn xanh. Yếu tố này cũng tạo nên nét riêng biệt của cà phê Chiềng Chung.

Người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ trồng cây cà phê - Ảnh 3.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, diện tích cà phê trên địa bàn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn Sơn La phát triển tốt. Ảnh: Văn Ngọc

Hình thành vùng trồng cà phê bền vững

Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương cây cà phê đóng góp một phần quan trọng. 

Bởi đây là cây chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, trong đó có những hộ đạt từ 200-300 triệu đồng/năm. Cây cà phê đã giúp Chiềng Chung xóa đói, giảm nghèo.

Nhưng không dừng lại ở đó, để quê hương thực sự phát triển lớn mạnh về kinh tế sản xuất, chính quyền địa phương đã định hướng cho người dân phát triển cà phê chất lượng cao, gắn sản xuất với tiêu thụ bền vững. 

Liên kết với các công ty, nhà đầu tư lớn, mở rộng diện tích trồng cà phê trên địa bàn, đi cùng với nâng cao chất lượng cho cây cà phê, để người dân tăng thêm thu nhập.

"Định hướng cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của xã, hiện nay, tỉnh và huyện đã quy hoạch hơn 300ha vùng trồng cà phê với các công ty lớn. Tới đây các công ty sẽ tiếp tục tập huấn cho bà con nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân của xã được bền vững". ông Quân nói.

Người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ trồng cây cà phê - Ảnh 4.

Nông dân Sơn La thu hái cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Khi đã sẵn sàng về nguồn lực và kỹ thuật, người dân Chiềng Chung đã gác lại những tháng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đoàn kết ấp ủ khát vọng xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản, nâng tầm giá trị cho cây trồng chủ lực của mình. Sự ra đời của HTX Ara-Tay Coffe đã hiện thực hóa giấc mơ của mảnh đất Chiềng Chung. 

Điều đặc biệt phần lớn thành viên ở đây là những người phụ nữ dân tộc thái, mang trong mình khát vọng nâng tầm hạt cà phê của quê hương.

Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-Tay Coffee, xã Chiềng Chung (Mai Sơn, Sơn La) cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu cà phê Ara-Tay, làm ra "những hạt cà phê hoàn hảo, tử tế đến từng hạt", những người phụ nữ ở HTX Ara-Tay Coffee buộc phải thay đổi thói quen canh tác. 

Không còn việc hái xô, hái lẫn tất cả quả chín và quả xanh, để hạt cà phê đạt chất lượng cao nhất phải chuyển sang hái chọn những hạt cà phê chín cho chất lượng đồng đều. Khi ấy, bàn tay người phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu trong mọi công đoạn của quá trình sản xuất. 

Từ cách thu hái, cách vận chuyển, rửa hạt, phơi sấy và đóng gói… Dù đòi hỏi nhiều công sức và thời gian hơn, những việc hái chọn mang lại thu nhập cao và đều đặn hơn.

"Từ xưa đến nay, khi bắt đầu lớn lên mình đã thấy cây cà phê, mình đã thành lập HTX đi học hỏi nhiều nơi để nâng cao chất lượng cà phê của mình, với ước mơ đưa thương hiệu cà phê vùng Tây Bắc này vươn xa hơn ra thế giới. Trước đây chưa có HTX cũng chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chưa biết gì đến làm kinh tế. Bây giờ có HTX thì bà con, chồng và gia đình cũng biết chia sẻ công ăn việc làm, phụ nữ mình cũng có tiếng nói hơn trong cộng đồng và gia đình" chị Mòn nói.

Người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ trồng cây cà phê - Ảnh 5.

Năm 2022, Thương hiệu Ara Tay Coffee được công nhận là một trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

Không chỉ còn là câu chuyện biết trồng, hái và bán cà phê xô, chỉ sau 3 năm, chị em phụ nữ của HTX Ara Tay đã làm chủ quy trình chăm sóc, thu hái chế biến, đánh giá đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Chính cây cà phê cũng đã gắn kết mọi người lại với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể gồm những người yêu và tấm huyết với cây trồng này. 

Bên cạnh đó, hơn 100 thành viên luôn hoạt động tối đa năng suất, trực tiếp cung cấp quả cà phê tươi cũng là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của HTX. Hiện diện tích cà phê của các thành viên HTX lên đến hơn 200ha và trên 300ha của các hộ trong xã để có thể lựa chọn được những quả cà phê có chất lượng tốt nhất.

Chị Lò Thị Thủy – HTX Ara Tay Coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Khi thành lập HTX chị em phụ nữ không chỉ thay đổi về mặt tinh thần mà còn thay đổi về cả vật chất. Về tinh thần chị em được giao lưu học hỏi trau dồi kinh nghiệm, khi tạo ra sản phẩm thương hiệu cà phê thì thu nhập chị em cũng tăng lên".

Đổ trên mỗi tấc đất trồng cà phê, là mồ hôi, là sự nỗ lực, là tâm huyết của toàn bộ bà con Chiềng Chung. Mọi thời gian ngoài vụ chính đều được các thành viên HTX tận dụng, đi học tập, nghiên cứu ở nhiều nơi cũng như tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng cây cà phê, các sản phẩm cà phê. 

Đồng hành với những nỗ lực ấy, là sự quan tâm, sát sao của cấp ủy chính quyền, chung một khát khao làm rạng danh quê hương bằng cây cà phê.

Người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo từ trồng cây cà phê - Ảnh 6.

Nhờ cây cà phê nông dân trên địa bàn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo ông Cầm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung: Đến hiện tại, cà phê ở Chiềng Chung ngày một được phát triển lên tầm cao mới. Chủ lực là các dòng cà phê đặc sản của  HTX Ara Tay Coffee. 

Hiện HTX có 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao, gồm: Cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Năm 2022, Thương hiệu Ara Tay Coffee được công nhận là một trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Sự phát triển về thương hiệu cà phê đặc sản Chiềng Chung cũng minh chứng cho những nỗ lực đổi thay của người dân nơi đây, cà phê không chỉ là cây trồng chủ lực, mà còn là biểu tượng của người dân địa phương. Không còn câu chuyện đói nghèo khi biết tận dụng điều kiện sẵn có và biến lợi thế thành cơ hội để phát triển.

Với sự chăm chỉ, đồng lòng đoàn kết của toàn bộ  người dân, hành trình của hạt cà phê nơi đây vẫn chưa dừng lại. Mang theo ước mơ và hy vọng của bà con dân tộc vùng cao, thương hiệu cà phê đặc sản Chiềng Chung sẽ còn vươn xa hơn nữa trên thị trường nông sản trong nước và thế giới. 

Cũng chính từ cây cà phê, Chiềng Chung đã thay da đổi thịt, rũ bỏ hình ảnh một miền sơn cước nghèo khó, khoác lên mình sự nhộn nhịp, hiện đại trong sản xuất giao thương, vươn lên trở thành một trong những vùng kinh tế điểm của toàn tỉnh Sơn La.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem