Loại cây cho hạt ăn bổ dưỡng, hỗ trợ giảm mỡ máu, ở huyện này của Kon Tum dân đang trồng thêm

Trọng Nghĩa Thứ tư, ngày 28/06/2023 18:34 PM (GMT+7)
Tại huyện Đăk Hà, (tỉnh Kon Tum) tuy diện tích trồng cây mắc ca chưa nhiều, chủ yếu mang tính chất trồng xen canh với cây cà phê. Cây mắc ca có nhiều ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân...
Bình luận 0

Với nhiều ưu thế vượt trội về hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân, cây mắc ca được Chính phủ xác định là 1 trong 20 loại cây trồng lâm nghiệp chính của Quốc gia. 

Tại huyện Đăk Hà, (tỉnh Kon Tum) tuy diện tích cây mắc ca chưa nhiều, chủ yếu mang tính chất trồng xen canh với cây cà phê. Tuy nhiên, những kết quả khả quan bước đầu đang là tín hiệu tốt để các hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Hà yên tâm đầu tư phát triển diệc tích trồng mắc ca theo hướng bền vững.

Loại cây cho hạt ăn bổ dưỡng, hỗ trợ giảm mỡ máu, ở huyện này của Kon Tum dân đang trồng thêm - Ảnh 1.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) khảo sát, đánh giá hiệu quả cây mắc ca trồng trên rẫy của anh Dương Văn Phi, nông dân thị trấn Đắk Hà.

 

Sau khi tìm hiểu và biết cây mắc ca là loại cây lâm nghiệp đa chức năng, có khả năng chịu hạn cao nên phù hợp với những vùng khó khăn về nguồn nước. Mặt khác, cây mắc ca có chiều cao và tán dày nên có thể che bóng và chắn gió cho các cây trồng xen. 

Năm 2015, anh Dương Văn Phi ở TDP 7, thị trấn Đăk Hà trồng thử nghiệm gần 100 cây mắc ca trong vườn cà phê tại xã Hà Mòn theo tỷ lệ 6m x 9m với mục đích ban đầu là để chắn gió cho cây cà phê.

Năm 2020, những cây mắc ca cho bắt đầu trổ hoa, ra quả, anh mới quan tâm tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loại cây trồng mới này. 

Đến niên vụ 2022, những cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch ổn định hơn, năng suất trung bình từ 20 đến 40 kg quả tươi một cây, chất lượng hạt đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị thu mua. Với mức giá bán quả mắc ca ổn định, trung bình, mỗi cây mắc ca mang về cho gia đình lợi nhuận một triệu đồng.

Loại cây cho hạt ăn bổ dưỡng, hỗ trợ giảm mỡ máu, ở huyện này của Kon Tum dân đang trồng thêm - Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) trao đổi với doanh nghiệp và người dân về định hướng phát triển cây mắc ca bền vững.

Từ kiến thức tham khảo và thực tiễn canh tác, anh Phi cho biết, khi cây mắc ca bước sang năm thứ 4 trở đi, có thể giúp giảm 30% lượng nước tưới và tăng 20% năng suất cho cà phê. 

Với đặc điểm dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, quy trình chăm sóc cây mắc ca khá đơn giản và hoàn toàn có thể kết hợp với quá trình chăm sóc cây cà phê. 

Ngoài ra, chu kỳ thu hoạch của cây mắc ca lên đến 60 năm cũng là đặc điểm để nông dân có thể yên tâm về hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.

Từ thành công ban đầu của anh Phi, đã có nhiều hộ nông dân trên địa bàn xuống tham quan vườn để “tận mục sở thị” loại cây được xem làm “làm chơi ăn thật này. Sau khi tham quan, hầu hết các hộ đã có cái nhìn, suy nghĩ khác về hiệu quả cây mắc ca.

Như ông Cao Kim Độ tại thôn 5, xã Hà Mòn đã nhiều lần dự định mua loại cây này về trồng xen trong vườn Cà phê già cỗi của gia đình. Tuy nhiên, vì lo lắng về năng suất cây trồng và đầu ra cho sản phẩm nên ông chưa mạnh dạn đầu tư.

“Cây mắc ca này thì chúng tôi cũng nghe từ lâu rồi, nhưng nói thật là cũng chưa tin tưởng lắm. Sợ nhất là cây mắc ca không có quả. Nhưng đi thực tế tại nhiều vườn mắc ca đã cho thu hoạch thì thấy trồng xen trong vườn cà phê khá hiệu quả nên năm nay thì yên tâm mà đầu tư, tìm nguồn cung cấp giống đảm bảo để trồng” ông Độ cho biết.

Loại cây cho hạt ăn bổ dưỡng, hỗ trợ giảm mỡ máu, ở huyện này của Kon Tum dân đang trồng thêm - Ảnh 3.

Một số gia đình nông dân ở huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) đã đầu tư phát triển diện tích trồng mắc ca trồng xen trong vườn cà phê già cỗi.

Thông tin từ UBND huyện Đăk Hà, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung phát triển các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao. Huyện Đăk Hà đã vận động, hỗ trợ nhân dân phát triển được 323 hecta cây mắc ca.

Huyện cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca để người dân áp dụng vào thực tế. 

Đến nay, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đây là tín hiệu khả quan để địa phương có những Kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong việc đưa cây mắc ca trở thành loại cây kinh tế bền vững.

Loại cây cho hạt ăn bổ dưỡng, hỗ trợ giảm mỡ máu, ở huyện này của Kon Tum dân đang trồng thêm - Ảnh 4.

Xã Đăk Hring (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) tổ chức tham quan mô hình trồng mắc ca trên địa bàn.

Theo đồng chí Hà Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà: Thực hiện chủ trương phát triển cây mắc ca của tỉnh, UBND huyện Đăk Hà đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, đa phần các hộ dân vẫn chưa mạnh dạn đưa vào trồng vì lo lắng là nó sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế, không có quả. Nhưng mà qua đi khảo sát thực tế tại các diện tích mà nhân dân đã canh tác ở Đăk Hà thì thấy rằng, triển vọng kinh tế từ cây mắc ca là hoàn toàn có cơ sở.

Loại cây cho hạt ăn bổ dưỡng, hỗ trợ giảm mỡ máu, ở huyện này của Kon Tum dân đang trồng thêm - Ảnh 5.

Đoàn công tác huyện Đăk Hà thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh và cung ứng vật tư trồng cây mắc ca tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Xác định lộ trình phát triển cây mắc ca trở thành loại cây chủ lực của huyện Đăk Hà, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng, HĐND - UBND huyện đã tổ chức đoàn công tác đi thăm quan, học tập kinh nghiệm phát triển Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao và chuỗi sản xuất sản phẩm mắc ca tại các tỉnh Tây nguyên. Trong đó, có các vùng trọng điểm về phát triển thương hiệu sản phẩm mắc ca như huyện Krông Năng, Krông Păk của tỉnh Đắk Lắk.

Trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm trong đầu tư phát triển cây ăn quả và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Huyện Đăk Hà sẽ xây dựng Kế hoạch, lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung theo đúng định hướng. Trong đó, trọng tâm là thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, ché biến nông sản và liên kết cung ứng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đối với cây mắc ca và cây sầu riêng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây mắc ca giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Loại cây cho hạt ăn bổ dưỡng, hỗ trợ giảm mỡ máu, ở huyện này của Kon Tum dân đang trồng thêm - Ảnh 6.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) thăm trang trại trồng Mắc ca tại xã Đăk Hring...

"UBND huyện Đăk Hà sẽ chỉ đạo các xã tuyên truyền vận động nhân dân đưa cây mắc ca này vào trồng xen canh trong diện tích cây cà phê già cỗi, năng suất thấp của người dân và của các Công ty, nông trường. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư, phát triển và khai thác hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này. 

Đồng thời thu hút đầu tư, hỗ trợ thành lập một HTX để cung ứng cây giống cũng như thu mua, chế biến hạt mắc ca trên địa bàn huyện để nhân dân yên tâm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp” đồng chí Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, những tín hiệu khả quan về kinh tế của cây mắc ca tại huyện Đăk Hà sẽ là cơ sở quan trọng để người dân phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất để đưa cây mắc ca vào canh tác bền vững. Góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường sinh thái và hơn hết, giúp người dân vươn lên làm giàu từ loại cây trồng mới mẻ này.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem