Làm gì để sinh viên ra trường không bị lạc hậu?

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 22/12/2022 20:28 PM (GMT+7)
Giáo dục đại học cần chuyển mình để lực lượng lao động tương lai có đầy đủ các năng lực cần thiết...
Bình luận 0

Ngày 22/12, Trường đại học Văn Lang tổ chức lễ công bố nhận diện thương hiệu và logo mới. Tại buổi lễ này, trường tổ chức tọa đàm "Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai".

Trường ĐH Văn Lang công bố nhận diện thương hiệu mới, dự kiến có 7 trường thành viên - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang chia sẻ tại lễ công bố nhận diện thương hiệu mới. Ảnh: VLU

Thay đổi cùng thời cuộc

Tại tọa đàm "Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai", bà Phan Tú Quyên – Giám đốc vận hành và thành viên ban lãnh đạo Microsoft Việt Nam chia sẻ, sự thay đổi của công nghệ trong thời gian vừa qua có những tác động rất sâu sắc lên xã hội, doanh nghiệp và cách từng cá nhân đang làm việc, cống hiến. Điều này được thể hiện rõ nét trong 4 xu thế công nghệ đi vào ngóc ngách của cuộc sống đó là điện thoại di động, mạng xã hội, điện toán đám mây và dữ liệu lớn.

Trường ĐH Văn Lang công bố nhận diện thương hiệu mới, dự kiến có 7 trường thành viên - Ảnh 2.

Cơ sở giáo dục buộc phải không ngừng thay đổi trong đào tạo. Ảnh: MQ

Theo bà Quyên, khi Microsoft làm việc với các doanh nghiệp, tất cả đều nói về chuyển đổi số, đó là từ rất "mốt" hiện nay. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số sau đại dịch Covid-19 cũng đang được đẩy rất nhanh. Với sự thay đổi này, các doanh nghiệp cũng thích ứng và thay đổi rất nhanh để có thể triển khai, sử dụng hệ thống đáp ứng được làm việc từ xa nhưng vẫn phải an toàn, hiệu quả.

Về kỹ năng số, bà Quyên nhận định, đây là yếu tố con người phải có trong thời gian tới. Trong những nghiên cứu toàn cầu về ảnh hưởng của công nghệ đến đời sống xã hội đã đưa ra những chỉ số đáng lưu ý như: Có đến 79% công việc hiện tại thì trong tương lai có thể được thay đổi bởi máy móc; đến 65% học sinh cấp tiểu học hiện nay thì trong tương lai sẽ làm những công việc mà ngày hôm nay chưa tồn tại; trong vòng 3 năm tới, có thể 77% doanh nghiệp, lực lượng lao động sẽ cần có kỹ năng số.

"Sự thay đổi rất nhanh và tiềm ẩn nhiều bất ngờ thì kỹ năng số trở nên rất quan trọng. Trước đây, kỹ năng số chỉ nói đến sử dụng máy tính, soạn thảo văn bản, tìm kiếm thông tin thì bây giờ sẽ nói thêm đến kỹ năng số nâng cao: An toàn trong môi trường internet, Social media - truyền thông mạng xã hội, Digital marketing, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an toàn bảo mật…", bà Quyên nói.

Trường ĐH Văn Lang công bố nhận diện thương hiệu mới, dự kiến có 7 trường thành viên - Ảnh 3.

Tọa đàm "Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai" nhận được sự quan tâm của rất đông sinh viên. Ảnh: MQ

Bà Huỳnh Thị Xuân Liên – thành viên HĐQT Công ty Vàng bạc đá quỹ PNJ nhấn mạnh, nguồn nhân lực lao động cần một tâm thế sẵn sàng để hướng tới sự thay đổi. 

"Các chuyên gia cũng chia sẻ rằng sinh viên ngày nay học rất nhanh khi thi thì có kết quả rất tốt nhưng lại thiếu một kỹ năng quan trọng là giải quyết vấn đề. Do đó, nếu không nhìn trước tương lai chắc chắn sẽ lạc hậu", bà Liên nói. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang chia sẻ, tính chất của xã hội hiện nay đang thay đổi nhanh chóng, hay có thể nói là một xã hội bất định, không thể đoán trước được mọi thứ vì đang diễn ra rất bất ngờ.

"Với môi trường đại học, chúng tôi luôn suy nghĩ về những vấn đề mà sinh viên được học trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta đã dạy cho các em những cái xảy ra tại quá khứ và hiện tại, nhưng không dự báo để trang bị kiến thức từ những thay đổi trong tương lai. Sử dụng kinh nghiệm quá khứ để dạy cho sinh viên, khi ra trường thì đã lạc hậu", ông Trí nói.

Theo ông Trí, hiện Văn Lang đang áp dụng phương pháp đối sánh, tương tác với doanh nghiệp, tìm hiểu những thay đổi để điều chỉnh chương trình đào tạo, thông qua dự báo tình hình để cập nhật cho sinh viên.

Đồng thời, theo ông Trí, để có một nguồn lực tốt trong tương lai thì sinh viên không thể dành 1-1,5 năm chỉ để học những kiến thức cơ bản như tin học cơ bản, tiếng Anh cơ bản, các môn khoa học cơ bản…. như hiện nay đang có trong chương trình đại học. Những điều này cần được trang bị ngay từ bậc phổ thông để khi lên đại học các em sẽ chuyên tâm trong học nâng cao. Chính vì thế, cần sự thay đổi mạnh mẽ của các trường học để chuyển mình và đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem