Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam hé lộ kế hoạch bán trường, mời quỹ đầu tư

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 08/10/2023 12:50 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp với khoảng 500 phụ huynh, Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) hé lộ kế hoạch sẽ bán trường, mời quỹ đầu tư vào để giải quyết khó khăn.
Bình luận 0

Phụ huynh muốn biết kế hoạch bán trường, mời quỹ đầu tư 

Ngày 7/10, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) đã tổ chức cuộc họp giữa Hội đồng trường và phụ huynh.

Cuộc họp được mở ra sau khi nhà trường gửi thông báo đến phụ huynh để thu bổ sung các khoản phí thường niên cho năm học 2023-2024 vào ngày 2/10.

Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam hé lộ kế hoạch bán trường, mời quỹ đầu tư vào - Ảnh 1.

Cuộc họp giữa lãnh đạo AISVN và các phụ huynh học sinh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Theo thông báo của trường, các khoản phí thu gồm: Phí nâng cấp chương trình học thuật IB (chương trình tú tài quốc tế) toàn phần: 10% trên biểu học phí thường niên; phí nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất cùng trang thiết bị học tập 30 triệu đồng; phí dịch vụ xe đưa đón: 50% phí còn lại trên biểu phí dịch vụ xe đưa đón (phí này sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đưa đón tận nhà).

Sau khi nhận thông báo này từ nhà trường, nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc khi cho rằng, đã bỏ tiền tỷ đóng trọn gói nhưng nay lại thông báo thu phí bổ sung.

Bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng Trường AISVN đã có những chia sẻ về tình hình hoạt động, tài chính của trường ở thời điểm hiện tại và nêu lý do thu phí bổ sung (lần đầu tiên thực hiện sau 17 năm hoạt động).

Theo người đứng đầu Trường AISVN, nhà trường đang gặp khó khăn về tài chính. Do đó, việc thu bổ sung nhằm để lấy tiền trả chi phí vận hành trường, trả lương cho giáo viên đang bị chậm lương,...

"Bao nhiêu năm nay chúng tôi không thu, nhưng nay phải thu để bù lỗ. Như việc vận hành xe buýt đang lỗ khoảng 30 tỷ đồng, nhưng nhiều năm qua nhà trường không hề thu thêm tiền hay tiền cơ sở vật chất cũng không yêu cầu thu thêm", bà Út Em chia sẻ.

Tại cuộc họp, nhiều phụ huynh đã bày tỏ ý kiến lo lắng về việc học tập của con tại trường, bày tỏ khó khăn nếu phải đóng thêm tiền.

Một phụ huynh đặt câu hỏi: "Trường khó khăn thì chúng tôi cũng khó khăn. Bản thân là nội trợ, chi phí học của con ngày trước đóng là vay ngân hàng, đang phải trả lãi hàng tháng, không có khả năng đóng thêm khoản thu bổ sung. Vậy chúng tôi không nộp tiền thì nhà trường đối xử như nào đối với con chúng tôi?".

Clip trao đổi của bà Út Em với phụ huynh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Chị Hải Liễu, một phụ huynh cho hay, ngoài khoản tiền đóng theo hợp đồng đầu tư ban đầu, chị đã cho nhà trường mượn thêm 40 tỷ đồng và được hẹn sau 3 tháng sẽ trả, tuy nhiên sau đó qua 3 tháng, 6 tháng rồi 9 tháng,... đến nay khoản tiền này chưa được bà Út Em hoàn trả.

"Bây giờ, chúng tôi đã mất niềm tin với chị (bà Út Em)", chị Liễu bày tỏ.

Đáp lại những ý kiến này, bà Út Em thừa nhận có nhiều thiếu sót, gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, học sinh. Bà Út Em trấn an, trường vẫn sẽ hoạt động bình thường, không có chuyện phá sản, việc học tập của học sinh vẫn được duy trì.

Đồng thời, bà Út Em nói rằng, thông báo yêu cầu phụ huynh đóng tiền bổ sung được nhà trường gửi qua email không phải bắt buộc mà chỉ kêu gọi phụ huynh giúp đỡ, để nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Dù phụ huynh đóng hay không đóng thì việc học của các con cũng sẽ tiếp tục, không có chuyện cho học sinh nghỉ học", bà Út Em khẳng định.

Tại cuộc họp, lãnh đạo AISVN cũng hé lộ kế hoạch bán trường, kêu gọi quỹ đầu tư vào để giải quyết khó khăn.

Ngay lập tức, nhiều phụ huynh đề nghị muốn được "quay video lại" còn hơn là có ghi biên bản, rằng bà Út Em đồng ý bán trường, mời quỹ đầu tư vào và thời hạn, lộ trình để quỹ đầu tư vào thế nào. Phụ huynh muốn được biết cái này một cách rất rõ ràng và công khai.

"Đề nghị chị Út Em đứng lên hứa với toàn thể phụ huynh", người này nói. Tuy nhiên, bà Út Em cho hay mình đau chân nên xin được ngồi.

Một phụ huynh khác kỳ vọng, mọi việc phán xét, phê phán cô Út Em về việc này việc kia thì chúng ta nên tính sau. Chúng ta hãy nhìn nhận việc xử lý những điều này thế nào để trong năm nay các con yên ổn học tập, yên tổn tâm lý để đạt kết quả tốt nhất.

Lập Hội phụ huynh để "giám sát" thu chi?

Tại buổi họp, sau khi lắng nghe ý kiến tranh luận từ hàng chục phụ huynh, có đồng tình, có phản đối… bà Út Em cho rằng, phải thành lập Hội phụ huynh để "đồng kiểm soát" các hoạt động của trường.

"6 tháng còn lại các em học sinh lớp 12 không đi đâu được, vì vậy chúng ta tranh thủ làm xong ổn đinh 6 tháng, Hội Phụ huynh cùng với phụ huynh cùng với nhà trường có những kế sách gì. Còn tương lai 2-3 năm là chuyện trách nhiệm của tôi", bà Út Em nói.

Theo bà Út Em, 6 tháng này yên ổn, chương trình tốt, các em vẫn đi học bình thường, vẫn vui vẻ… Tại sao phụ huynh phải bi quan? Còn những chuyện gì của bà thì cũng không dấu ai được.  Quan trọng nhất bây giờ là để các con yên tâm học hành. Về vấn đề cơ quan quản lý thì nhà trường sẵn sàng cầu cứu.

Một phụ huynh có 2 học sinh đang theo học tại trường đề nghị Nhà trường tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn trước cho năm học này. Và trong buổi họp này, phụ huynh mong muốn có một kết quả là các phụ huynh cùng đồng tình ủng hộ trường vượt qua khó khăn để con em yên tâm học tập năm học này.

Tuy nhiên, phụ huynh này đề nghị việc đóng góp 100 triệu chia làm 3 giai đoạn, mội lần 30 triệu thì sẽ đủ chi phí cho trường vận hành, trả lương cho GV trong 1 tháng thì không có việc gì mà phải đồng Kiểm soát gì cả, vì số tiền vào chỉ đủ chi mà thôi. Và trong thời gian đó, trường có cơ hội, uy tín hơn để tìm kiếm các quỹ đầu tư hoặc có các phương án khác.

Phát biểu kết luận tại buổi họp, bà Út Em cho rằng, mình vẫn ngẩng cao đầu. "Quý vị có thể không tin cũng không sao, nhưng quan trọng nhất vẫn là ổn định cho các em học sinh. Quý vị muốn tôi làm gì cũng được, tại vì tôi cũng bị rất nhiều phản ánh rằng một chính sách thay đổi xoành xoạch, tại tôi. Tôi không đổ thừa, trách nhiệm tôi nhận. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng là hôm nay phải thành lập được Hội Phụ huynh để những người được bầu sẽ ý kiến cho đại diện phụ huynh chứ không phải đại diện ý kiến cá nhân", bà Út Em nói.

Về việc tìm quỹ đầu tư, nhà trường không bắt các phụ huynh giúp nhà trường tìm quỹ, nhưng nếu phụ huynh có quen để giới thiệu cho nhà trường thì càng tốt.

"Nói thật, từ phụ huynh không thể gánh cái trường này được, đó là trách nhiệm của Hội đồng trường, của chủ đầu tư, không thể bắt phụ huynh gánh dài lâu được, chỉ mong phụ huynh giúp nhà trường trong giai đoạn khó khăn này, trong năm học này. Còn những việc tương lại thì để tính sau, nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ cổ phần của mình dưới giá vốn", bà Út Em nói thêm.

Cuối buổi họp, phụ huynh đã thống nhất thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh để tham gia giám sát hoạt động của trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem