Từ đường Norodom xưa đến đại lộ Lê Duẩn hôm nay

Nguyên Thịnh Thứ bảy, ngày 26/02/2022 09:00 AM (GMT+7)
Sống tại TP.HCM, chắc hẳn không có ai chưa từng một lần đi qua tuyến đường Lê Duẩn ở khu vực trung tâm thành phố. Đây là một trong những con đường xưa nhất của đô thị Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, tồn tại đến hôm nay.
Bình luận 0

Đại lộ Norodom

Sức sống của một thành phố sôi động nhất cả nước, trải qua đợt dịch Covid-19 và bắt đầu năm mới 2022, đường Lê Duẩn - một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn - TP.HCM đã nhộn nhịp và sôi động trở lại.

Nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, quận 1, đường Lê Duẩn dài khoảng chưa đến 2km, bắt đầu từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lần lượt giao với các đường: Pasteur, Phạm Ngọc Thạch - Công trường Công xã Paris, Hai Bà Trưng, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng và kết thúc ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đường phố Sài Gòn ta qua: Đại lộ Lê Duẩn - Con đường kết nối "địa chỉ đỏ", "địa chỉ xanh" ở TP.HCM - Ảnh 1.

Đường Norodom (đường Lê Duẩn nay) nhìn từ Dinh Norodom (tiền thân Dinh Độc Lập) thập niên 1920. Ảnh tư liệu

Từ năm 1871, đường được gọi là Boulevard Norodom. Thời Pháp có những cách gọi đường phố khác nhau, trong đó chỉ đường có lộ giới lớn mới gọi là "boulevard". Danh sách này có Boulevard de la Somme - nay là đường Hàm Nghi, hay Boulevard Galliéni - nay là đường Trần Hưng Đạo.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu nhận định trong cuốn Đô thị Sài Gòn - TP.HCM - Khảo cổ học và bảo tồn di sản, đây là khu vực có vị trí quan trọng nhất vùng Gia Định xưa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Đó là nơi có địa thế cao ráo nhất giữa rạch Thị Nghè và sông Bến Nghé. Năm 1869, con đường này đã xuất hiện trên bản đồ đô thị Sài Gòn.

Đến năm 1950, chính quyền Bảo Đại cho đổi tên đường Norodom thành đường Thống Nhất. Sau ngày 30/4/1975, đường được đổi tên thành đường 30/4. Từ năm 1987, UBND TP.HCM chính thức đặt tên là đường Lê Duẩn. 

Từ đường Norodom xưa đến đại lộ Lê Duẩn hôm nay - Ảnh 2.

Đại lộ Norodom (Lê Duẩn hiện nay - đường thẳng giữa ảnh) nhìn về dinh Norodom khoảng đầu thế kỷ 20. Nhà thờ Đức Bà với tháp nhọn đã có. Ảnh tư liệu

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã góp phần quan trọng cùng BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng. Ngay khi ông qua đời, tên ông vinh dự được đặt cho tuyến đường quan trọng bậc nhất ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Con đường của nhiều công trình mang dấu ấn

Đường Lê Duẩn ngày nay là một trong những con đường đẹp nhất thuộc khu vực trung tâm TP.HCM. Con đường thẳng tắp, một đầu là Dinh Độc Lập và đầu còn lại là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Từ đường Norodom xưa đến đại lộ Lê Duẩn hôm nay - Ảnh 3.

Đường Lê Duần ngày nay nhìn từ Dinh Độc lập, hai bên đường rợp bóng cây xanh của công viên 30/4. Ảnh: Hồng Phúc

Dinh Độc Lập có địa chỉ tại số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, còn Thảo Cầm Viên nằm tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, song cả hai nơi này đều hướng mặt thẳng ra đường Lê Duẩn, ở thế đối diện nhau. Đứng tại một trong hai địa điểm này, nhìn về phía cuối đường Lê Duẩn hướng ngược lại, người ta dễ dàng nhìn thấy bóng dáng Dinh hoặc Thảo Cầm Viên thấp thoáng xa xa.

Dinh Độc Lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước, là "địa chỉ đỏ" của Thành phố Anh hùng, chứng nhân của biết bao sự kiện thăng trầm. 

Đường phố Sài Gòn ta qua: Đại lộ Lê Duẩn - Con đường kết nối "địa chỉ đỏ", "địa chỉ xanh" ở TP.HCM - Ảnh 3.

Du khách tham quan Dinh Độc Lập, một "địa chỉ đỏ" trên đường Lê Duẩn nay. Ảnh: Hồng Phúc

Ban đầu, đây chính là Dinh Norodom, nơi ở của Thống đốc Nam Kỳ, khởi công năm 1868, hoàn tất năm 1871. Đến năm 1954, chính quyền Ngô Ðình Diệm đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Ðộc Lập. 

Năm 1962, Dinh Độc Lập bị ném bom, không thể khôi phục, nên được xây lại theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã. Công trình khánh thành năm 1966 và giữ được diện mạo đến hôm nay. 

Với thiết kế kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện đại cùng triết lý truyền thống phương Ðông, đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, Dinh Độc Lập là điểm nhấn kiến trúc đắt giá cho trục đường đại lộ Lê Duẩn. Đây cũng là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM.

Đường phố Sài Gòn ta qua: Đại lộ Lê Duẩn - Con đường kết nối "địa chỉ đỏ", "địa chỉ xanh" ở TP.HCM - Ảnh 5.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn - "địa chỉ xanh", trên đường Lê Duẩn, là "lá phổi xanh" của TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Rời Dinh Độc Lập, du khách có thể tiếp tục tìm đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn, "lá phổi xanh" của thành phố. Thường được người dân quen gọi là Sở Thú, đây chính là vườn thú lâu đời nhất Việt Nam. 

Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng năm 1864, gọi là Vườn Bách Thảo, đến năm 1865 thì hoàn thành. 

Ngay tại lối vào Sở Thú, du khách sẽ thấy tượng chân dung nhà thực vật học nổi tiếng J.B. Louis Pierre, giám đốc đầu tiên của nơi đây, người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển Thảo Cầm Viên thuở đầu (1865-1877). Ông đã đưa hàng nghìn cây quý về trồng ở các đường phố, công viên, thu thập hơn 100.000 tiêu bản thực vật hiện vẫn còn lưu giữ để phục vụ nghiên cứu khoa học...

Tuy chỉ dài chưa đến 2km nhưng đường Lê Duẩn đi qua hàng loạt những công trình, điểm đến mang dấu ấn của Sài Gòn - TP.HCM như Dinh Độc Lập, Công viên 30/4, Nhà thờ Đức Bà, Thảo Cầm Viên Sài Gòn. 

Hiện nay, đây cũng là trục đường được rất nhiều du khách ghé thăm với những trải nghiệm rất đặc biệt như đạp xe, ngắm các công trình từ trên cao qua xe buýt mui trần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem