Vận dụng tối đa Nghị quyết 98 để TP.HCM "tăng trưởng xanh"

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 16/09/2023 07:13 AM (GMT+7)
Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu chính sách trong việc tìm hướng đi cho "tăng trưởng xanh" của TP.HCM tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 năm 2023 (HEF 2023).
Bình luận 0

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Phạm Bình An, TP.HCM là 1 trong 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, các nguồn phát thải; tổng lượng phát thải nhà kính là 57,6 triệu tấn CO2, tăng 5,4 triệu tấn so với lượng phát năm 2016. 

Trong đó, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cố định và lĩnh vực giao thông chiếm 93,6% tổng lượng phát thải và hấp thụ ở TP.HCM.

Vận dụng tối đa Nghị quyết 98 để TP.HCM "tăng trưởng xanh" - Ảnh 1.

Xe đạp cộng cộng được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại quận 1 (TP.HCM). Ảnh: HT

"Việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh từ năm 2012 đến nay đã bước đầu giúp nhận thức được sự cần thiết giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; hoạt động xanh hóa sản xuất đã bắt đầu được các doanh nghiệp lớn triển khai; có một số mô hình tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, công nghiệp. 

Ngoài ra, việc xúc tiến nhiều chương trình tiêu dùng xanh đạt hiệu quả ban đầu khi đã thiết lập thói quen tiêu dùng mới trong xã hội là tiêu dùng có lợi cho môi trường", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nhận định.

Chưa có nội dung cụ thể về chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Phạm Bình An nêu thực tế, hiện các văn bản pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh chỉ mang tính chất định hướng chính sách, chưa có nội dung cụ thể về chính sách hỗ trợ. Vì vậy, đòi hỏi phải triển khai một cách đồng bộ và hệ thống giữa các thực thể trong nền kinh tế, kể cả quốc tế. 

Thêm vào đó, nguồn lực tài chính thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn lớn, trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp. Chưa kể, để triển khai tăng trưởng xanh, đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi năng lực phát triển công nghệ của doanh nghiệp TP và năng suất lao động còn hạn chế. 

Ngoài ra, thị trường tái sử dụng, tái chế chất thải đã được hình thành nhưng chưa có tính liên kết và nhiều vướng mắc về giấy phép thực hiện.

Theo ông Phạm Bình An, phát thải nhà kính và thị trường cacbon đã có quy định cụ thể về đối tượng phải thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải nhà kính. Việt Nam đang thực hiện đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Theo lộ trình từ nay đến hết năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. 

Xác định định hướng thị trường carbon và đối tượng nào theo hướng tự nguyện hay bắt buộc là một thách thức. Thị trường carbon bắt buộc là yếu tố quan trọng để tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế, nhưng đòi hỏi sự nhất quán cao về phương pháp và quy trình quốc tế. 

Ngoài ra, việc hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền carbon, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cần có cơ sở pháp lý chặt chẽ. 

Vận dụng tối đa Nghị quyết 98 để TP.HCM "tăng trưởng xanh" - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ thích thú với mô hình xe đạp công cộng. Ảnh: H.T

Hiện nay, TP.HCM đã khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mới trong các kế hoạch, chương trình hành động của Thành phố. 

Cụ thể, EVNHCMC triển khai nhiều dự án điện mặt trời, bao gồm cả các công trình điện mặt trời nối lưới trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, các chính sách hiện nay chưa được đảm bảo tính bền vững của đầu tư. Vốn đầu tư lớn với thời gian thu hồi vốn dài, giá điện từ năng lượng tái tạo chưa đủ hấp dẫn.

Hiện, nguồn cung điện mặt trời mới chiếm 7% cho TP.HCM, trong khi biểu giá năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn và cần thay đổi thu hút nhà đầu tư.

Đối với phát triển giao thông xanh, bên cạnh xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, TP.HCM đã thí điểm đối với xe buýt điện, xe công nghệ điện. Tuy nhiên, chưa có chính sách ưu tiên đối với các phương tiện không khói hoặc công cộng; tỷ lệ người sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hay phương tiện công cộng còn thấp, tỷ lệ xe điện rất thấp, tỷ lệ dùng xe buýt có xu hướng giảm dù được trợ giá.

Tận dụng tối đa lợi thế của Nghị quyết 98

Để hiện thực hoá tăng trưởng xanh, ông Phạm Bình An cho rằng, TP.HCM cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững nhằm đáp ứng xuất khẩu tiêu chuẩn xanh. Các doanh nghiệp liên kết chuyển đổi mô hình tiêu chuẩn xanh rõ ràng; kết hợp phát triển kinh tế số an ninh và bền vững về năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió và sinh khối. 

TP.HCM cần nhất quán về chính sách phát triển năng lượng sạch đô thị xanh; phát triển giao thông xanh, giao thông công cộng; phát triển kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải; phát triển bất động sản xanh…  Kết nối với các địa phương, học hỏi mô hình phát triển. 

Đặc biệt, cần quan tâm nhóm yếu thế xanh hóa trong các ngành kinh tế như sản xuất sạch, công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo, du lịch xanh, tiêu dùng xanh…

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Phạm Bình An cũng nhấn mạnh đến việc phát triển thí điểm thị trường tín chỉ carbon, chương trình kích cầu của Thành phố, các tổ chức tài chính quốc tế, các tài trợ cấp Chính phủ... 

Từ đó, xây dựng tiêu chí dự án xanh để tham gia tài trợ nhân lực xanh; kiến thức và kỹ năng xanh cho từng ngành, đào tạo nhân lực trình độ cao; liên kết các Viện, trường, các tổ chức quốc tế thí điểm/thử nghiệm các chính sách mới. Phát triển huyện Cần Giờ thành nơi ứng dụng thử nghiệm các lĩnh vực xanh như năng lượng, giao thông, du lịch...

"Tóm lại, TP cần vận dụng tối đa Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho phát triển Thành phố để phát triển, tìm hướng đi cho mục tiêu tăng trưởng xanh", ông Bình An, nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của TP.HCM, cũng kiến nghị Thành phố cần tận dụng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù để thực thi mục tiêu tăng trưởng xanh. Cụ thể là phải tính toán giảm khí thải hệ thống giao thông cá nhân (xe máy). Nếu chuyển được xe máy thành xe đạp thì thành phố có thể giảm khá lớn về khí thải.

"Tôi đề nghị phải tạo điều kiện cho người dân đi được xe đạp, vì nếu đi xe đạp không an toàn thì người ta lại đi xe máy thôi", ông Lịch nói.

Cũng theo ông Lịch, thành phố cần xây dựng khung chiến lược chuyển đổi kinh tế xanh, tận dụng và xử lý ngay vấn đề năng lượng tái tạo. 

"Thành phố có lượng khí thải carbon chiếm tỷ trọng lớn so với cả nước. Vì thế, thành phố nên có tính toán lại toàn bộ giá điện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị sản phẩm", ông Lịch đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem