Bình Dương hướng đến chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện

Trần Khánh Thứ ba, ngày 28/11/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh tại tỉnh Bình Dương và chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Bình luận 0

Tỉnh Bình Dương đang triển khai chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Úng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ

Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, địa lý, huyện Bắc Tân Uyên có điều kiện tốt để phát triển cây ăn trái. Ở xã Hiếu Liêm, ông Lâm Thành Thương là người tiên phong trồng cây có múi. Bắt đầu trồng cam, quýt trên diện tích 5ha, ông áp dụng nhiều công nghệ vào việc chăm sóc vườn cây.

Ông Thương kể, những năm 2012, địa bàn xã chưa có điện. Địa thế của xã Hiếu Liêm lại nằm trên triền đồi cao, nên việc canh tác gặp nhiều trắc trở, nhất là khâu đưa nước tưới từ sông lên vườn.

Ông Lâm Thành Thương là người tiên phong trồng cây có múi ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên). Ảnh: Trần Khánh

Ông Lâm Thành Thương là người tiên phong trồng cây có múi ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên). Ảnh: Trần Khánh

Ông Thương phải bỏ kinh phí ra xây dựng hơn 10 trạm điện, mỗi trạm hơn 1 tỷ đồng, để đưa nước về. Nhờ những trạm điện này mà sau đó, không chỉ ông, nhiều nông dân khác cũng được hưởng lợi.

Về sau, việc tưới nước của ông được tự động hóa hoàn toàn. Ông sử dụng motor cao áp đưa nước từ sông lên, trữ trong hồ chứa. Cứ 10 giờ tối, ông bấm điện thoại tưới nước tự động toàn bộ vườn trồng. Đến 4 giờ sáng thì hệ thống tưới tự động ngừng. Đến nay, trên diện tích canh tác hơn 100ha, mỗi năm ông Thương thu lời hơn 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên cho biết, từ sự hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật của ông Thương, đến thời điểm này, huyện Bắc Tân Uyên đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái rộng lớn gần 2.000ha và có thương hiệu trong khắp cả nước.

Ở xã Thường Tân (huyện Bắc Tân Uyên), HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát cũng chuyên về cây có múi. Ông Nguyễn Văn Tiên – Giám đốc HTX cho biết, nhiều năm qua, các thành viên lớn tuổi chủ yếu chăm sóc vườn cây theo thói quen.

Từ năm 2022, xã viên trẻ tuổi Nguyễn Văn Đại được HTX cử đi học các lớp phổ biến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế. Tham gia lớp tập huấn, anh được hướng dẫn sử dụng phần mềm Facefarm do ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức, và đang triển khai ứng dụng tại vườn.

Anh Đại kể, qua tập huấn, việc ứng dụng phần mềm vào để sản xuất không quá khó. Toàn bộ công việc làm vườn đươc lưu lại giúp anh kiểm soát quá trình canh tác.

Xã viên trẻ Nguyễn Văn Đại chia sẻ cho các thành viên khác trong HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát về cách sử dụng phần mềm Facefarm. Ảnh: T.L

Xã viên trẻ Nguyễn Văn Đại (giữa) chia sẻ cho các thành viên khác trong HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát về cách sử dụng phần mềm Facefarm. Ảnh: T.L

Đồng thời nông dân có thể chủ động hoạch định kế hoạch, đảm bảm quy trình sản xuất trong 1 chu kỳ, quản lý được số lượng vật tư, cũng như sản lượng thu hoạch. "Ứng dụng này còn giúp nhà nông quảng bá được sản phẩm của mình lên các chợ nông sản trên điện tử", anh Đại nói.

Theo ông Tiên, thời gian qua, ngành nông nghiệp tạo điều kiện cho bà con và HTX tiếp cận các cộng nghệ số, trong đó có phần mềm quản lý về tài chính và phần mềm quản lý vườn Facefarm để quản lý vườn cây hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Đại tiếp cận nhanh với lĩnh vực khoa học công nghệ. Vườn bưởi của anh Đại đạt tiêu chuẩn Vietgap, là cơ sở để ứng dụng phần mềm tốt hơn. "Từ thành công của những xã viên ban đầu, HTX sẽ nhân rộng mô hình ra cho các thành viên khác", ông Tiên nói.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Chuyển đổi số ở Bình Dương được triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Ông Trần Trọng Du, công chức tư pháp hộ tịch xã Bạch Đằng cho biết, hiện nay, xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) được UBND tỉnh Bình Dương chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh gắn với nông thôn mới kiểu mẫu. Với nhiều tiêu chí được đầu tư, trong đó xã chú trọng ứng dụng công nghệ số vào đời sống.

Toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch ở địa phương phải đạt 100% mức độ 3, mức độ 4. Trong đó, mức độ 4 liên quan đến trích lục hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, ông Du nói.

Xã Bạch Đằng được chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh gắn với nông thôn mới kiểu mẫu. Người dân xã Bạch Đằng góp sức cải tạo cảnh quang sạch đẹp. Ảnh: Trần Khánh

Xã Bạch Đằng được chọn thí điểm xây dựng Làng thông minh gắn với nông thôn mới kiểu mẫu. Người dân xã Bạch Đằng góp sức cải tạo cảnh quang sạch đẹp. Ảnh: Trần Khánh

Ở xã Bạch Đằng, công nghệ số còn được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp để phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh gắn với du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Hữu Tâm – Giám đốc HTX Bưởi Bạch Đằng cho biết, HTX tập trung tích hợp với các giải pháp thông minh để cải tiến sản xuất, trọng tâm là áp dụng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chuyển đổi số giúp nông dân trồng bưởi tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như hệ thống tưới tự động, có đo độ ẩm, đo nhiệt độ. "Cùng với đầu tư cơ giới hóa, chuyển đổi số đang giúp nông dân hạn chế dần các khâu thủ công mà chuyển sang thiết bị tự động", ông Tâm nói.

Theo ông Lê Thanh Tâm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương, chuyển đổi số là quá trình làm thay đổi từ mô hình quản lý sản xuất truyền thống sang số hóa thông qua việc áp dụng công nghệ mới như internet, điện toán đám mây.

Nếu chuyển đổi số ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp thành công sẽ giúp khắc phục được những hạn chế từ các mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, làm tăng giá thành sản phẩm.

Từ kế hoạch về chuyển đổi số của Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệ Bình Dương cũng đã ban hành cái kế hoạch chuyển đổi số riêng. Kế hoạch này được thực hiện đồng bộ với kế hoạch chung của tỉnh, tích hợp trong Đề án thành phố thông minh.

Tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch 4318 thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh Bình Dương đến năm 2025.

Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số; 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Đối với phát triển kinh tế số, Kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% số xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, quản lý HTX; ứng dụng công nghệ số trong quản lý thủy lợi, quản lý môi trường và giám sát, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội nông thôn…

Tỉnh Bình Dương cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng và tiếp cận thị trường. Ảnh: Trần Khánh

Tỉnh Bình Dương cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng và tiếp cận thị trường. Ảnh: T.L

Đối với xây dựng xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp một dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân thông qua ứng dụng trực tuyến; phấn đấu có 1 đến 2 xã triển khai thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cũng là công cụ hiệu quả tạo giá trị gia tăng cho nông sản, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của ngành và bảo đảm phát triển bền vững.

Việc chuyển đổi số ở tỉnh Bình Dương nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ coa theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

"Để chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn toàn diện hơn nữa, các sở, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển thương mại điển tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp", Phó Chủ tịch Mai Hùng Dũng đề nghị.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem