Vì sao chính sách thí điểm xây công trình trên đất nông nghiệp TP.HCM bị “tuýt còi”?

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 31/08/2023 16:45 PM (GMT+7)
TP.HCM đang rà soát tại các huyện thí điểm thực hiện chính sách xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác. Chính sách này thời gian qua đã giúp nông nghiệp đô thị TP đạt hiệu quả tích cực.
Bình luận 0

Chính sách xây công trình trên đất nông nghiệp tại TP.HCM bị “tuýt còi”

Tại hội nghị đối thoại với chính quyền thành phố do Sở NNPTNT TP.HCM và Trung tâm Xúc tiến Thương mại đầu tư TP (ITPC) tổ chức ngày 31/8, các sở ngành cho biết chính sách thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác áp dụng tại Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè đang phải tạm ngưng.

Với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, thời gian qua, chính sách này hỗ trợ hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị tại thành phố.

Vì sao chính sách thí điểm xây công trình trên đất nông nghiệp TP.HCM bị “tuýt còi”? - Ảnh 1.

Vấn đề xây công trình trên đất nông nghiệp TP.HCM được quan tâm tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, ngày 31/8. Ảnh: ITPC

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết mặc dù sản xuất nông nghiệp, nhưng khi có cấu phần xây dựng công trình phụ trợ buộc phải tuân theo Nghị định 15/2021 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư xây dựng, gồm quy trình nhiều bước.

Theo Sở Xây dựng, để hỗ trợ ngành nông nghiệp, TP.HCM đã có chủ trương thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác trên địa bàn TP, theo văn bản 3680. Tại các huyện thí điểm, cơ sở sản xuất được xây dựng công trình phụ trợ như nhà kho, chứa phân bón, sơ chế… trên đất nông nghiệp khác.

Đại diện Sở Xây dựng cho rằng chính sách thí điểm này là hoàn toàn cần thiết nhưng vừa qua, Bộ Tư pháp đã nhắc nhở vì nội dung văn bản không phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật. TP đang rà soát các huyện thí điểm chính sách này, đánh giá lại quá trình thực hiện, báo cáo lại Trung ương có giải pháp thích hợp.

Còn theo Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, Luật Đất đai có quy định đất nông nghiệp khác được xây dựng nhà màng, nhà lưới, kho chứa nông sản, nhà tạm lưu trú. 

Tuy nhiên, về quy hoạch, các quận nội thành lẫn ngoại thành TP.HCM hiện nay đều chưa quy hoạch đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác. Do đó, không có cơ sở pháp lý thực hiện. Vì vậy, TP.HCM có đề xuất thí điểm cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp khác vô hình chung không đúng quy định.

Chính sách thí điểm xây dựng công trình phụ trợ đã được áp dụng ra sao?

Tháng 9/2020, UBND TP.HCM ban hành công văn số 3680 về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.

Vì sao chính sách thí điểm xây công trình trên đất nông nghiệp TP.HCM bị “tuýt còi”? - Ảnh 3.

HTX Phước An, huyện Bình Chánh mong muốn được tham gia vào chính sách thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác. Ảnh: Hồng Phúc

Theo đó, nhóm công trình như hạng mục, công trình chủ đầu tư được tự thực hiện trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp như hạng mục lắp dựng bảng các cấu kiện lắp ghép (dễ tháo dỡ) để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi, trong phạm vi ranh đất có quyền sử dụng hợp pháp mà không làm thay đổi mục đích sử dụng đất; các công trình như chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở, được lắp dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường như gỗ, tranh, tre, nứa, lá, với diện tích không quá 15m2. 

Theo quy định khi thực hiện, chủ đầu tư phải thông báo đến UBND xã bằng văn bản và thực hiện đúng theo nội dung thông báo và phải chịu trách nhiệm đối với việc lắp dựng các hạng mục, công trình của mình. UBND xã tiếp nhận thông báo để phối hợp kiểm tra, quản lý.

Nhóm thứ hai là các công trình xây dựng để phục vụ sản xuất nông nghiệp có quy mô cấp IV (1 tầng, diện tích xây dựng dưới 1.000m2, chiều cao công trình dưới 6m) phải được UBND huyện thỏa thuận quy mô phù hợp với phương án sản xuất nông nghiệp để chủ đầu tư thực hiện.

Khi thực hiện, chủ đầu tư đề xuất vị trí, diện tích thích hợp trong sơ đồ tổng mặt bằng khu đất kèm phương án sản xuất nông nghiệp (mật độ xây dựng không quá 5%). Khi có nhu cầu thay đổi công năng sử dụng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ đầu tư/người sử dụng đất phải có văn bản thông báo đến UBND cấp huyện để được xem xét có ý kiến chấp thuận hay không bằng văn bản.

Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm. Với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, thời gian qua, chính sách này hỗ trợ hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị tại thành phố. Một số huyện như Bình Chánh, Cần Giờ không nằm trong diện thí điểm cũng mong muốn được áp dụng để phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, hiện chính sách này đang được thành phố rà soát, đánh giá lại quá trình thực hiện, báo cáo Trung ương có giải pháp thích hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem