Vợ chồng trẻ ở Cà Mau trồng cây gì, làm ra thứ trà gì mà bán ra khắp nơi, tạo nhiều việc làm?

Chúc Ly Thứ tư, ngày 02/11/2022 05:30 AM (GMT+7)
Với quyết tâm trồng và khai thác làm trà bằng loại thảo dược quý, vợ chồng anh Đỗ Quốc Khánh (SN 1986, ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã bò ra hàng trằm triệu đồng mua giống xạ đen và đầu tư máy móc làm trà xạ đen. Mô hình trồng, chế biến thảo dược của anh chị đã tạo nhiều việc làm...
Bình luận 0

Bỏ ra hơn 500 triệu đồng mua cây giống xạ đen

Cây xạ đen là một trong những loại thảo dược rất quý. Lá xạ đen có thể được nấu lấy nước uống chữa bệnh và tăng cường sức đề kháng rất tốt, đặc biệt là bệnh ung thư. Tuy nhiên, loại cây này vốn không phù hợp với vùng đất ở xã Khánh Bình Tây Bắc.

Năm 2009, anh Khánh làm giáo viên dạy tin học tại Trường THCS Khánh Bình Tây Bắc; còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Thúy, làm kế toán của trường. Gia đình anh có 3 ha đất trồng lúa nên ngoài giờ đi dạy, anh Khánh dành thời gian sản xuất để kiếm thêm nguồn thu.

Theo anh Khánh, đất vùng này nhiễm phèn nặng nên mỗi năm gia đình chỉ làm được 1 vụ lúa. Sau đó, anh có chuyển sang trồng chuối, rồi cây đinh lăng lấy củ nhưng đều không hiệu quả.

"Trong lần cha tôi bị bệnh nặng về gan, một người quen ở Hòa Bình đã gửi cho phương thuốc xạ đen phơi khô để nấu uống. Nhờ đó, sức khỏe của cha tôi dần khỏe lại. Để hỗ trợ việc chữa trị, cha cần duy trì phương thuốc lâu dài, nhưng vì lo sợ giá thuốc cao, nên tôi nảy sinh ý định tự trồng cây xạ đen", anh Khánh bộc bạch.

Vợ chồng trẻ ở Cà Mau tự trồng và làm trà xạ đen bán cả nước - Ảnh 2.

Anh Khánh hiện đang có vườn xạ đen hơn 20.000 cây. Ảnh: Chúc Ly.

Nghĩ là làm, năm 2016, anh Khánh bắt đầu liên hệ tìm mua giống cây xạ đen từ tỉnh Hòa Bình về và trồng thử nghiệm khoảng 1.000 cây. Nhận thấy mô hình trồng xạ đen có triển vọng, nên anh mạnh dạn mua thêm cây giống về trồng về trồng trên 2 ha đất của gia đình.

"Tuy rất quyết tâm nhưng do điều kiện thổ nhưỡng địa phương không phù hợp, nên ban đầu cây xạ đen không phát triển tốt, thậm chí bị chết rất nhiều. Lúc đó, mỗi cây giống tôi mua với giá 50.000 đồng. Tôi bỏ ra gần 500 triệu đồng mua 100.000 cây giống và cải tạo đất để trồng, nhưng bị chết gần hết, chỉ còn khoảng 4.000 cây", anh Khánh cho biết.

Trà xạ đen túi lọc là sản phẩm OCOP 3 sao

Với sự quyết tâm của mình, anh Khánh không bỏ cuộc mà vẫn miệt mài nghiên cứu cách thuần dưỡng cây xạ đen. "Tôi tìm hiểu trên mạng và tự học hỏi các kiến thức liên quan đến cây xạ đen. Khoảng 1 năm sau tôi biết được cách trồng cây xạ đen và có thể tự nhân giống", anh Khánh chia sẻ.

Vợ chồng trẻ ở Cà Mau tự trồng và làm trà xạ đen bán cả nước - Ảnh 3.

Anh Khánh mất nhiều thời gian để hoàn thiện sản phẩm trà xạ đen từ mẫu mã đến chất lượng. Ảnh: Chúc Ly.

Thấy vườn cây xạ đen của anh Khánh xanh tốt, nhiều người dân địa phương đã đến hỏi mua lá. Lúc này anh Khánh bán lá xạ đen với giá 100.000 đồng mỗi ký.

Theo anh Khánh, ban đầu anh chỉ có ý định trồng cây xạ đen để hỗ trị chữa bệnh cho người thân. Sau khi trồng thử nghiệm thành công và tìm hiểu, anh nhận thấy cây xạ đen là một loại thảo mộc có nhiều công dụng trong chữa trị và ngăn ngừa các loại bệnh. Vì thế, anh đã quyết tâm nhân rộng và tính đến phương án làm trà xạ đen túi lọc.

Năm 2019, anh Khánh đã mày mò và quyết định làm trà xạ đen túi lọc. Ban đầu sản phẩm của anh được bán nhỏ lẻ ở địa phương và một số người quen. May mắn là, sản phẩm của anh Khánh được nhiều người ưa chuộng và giới thiệu rộng rãi.

Vợ chồng trẻ ở Cà Mau tự trồng và làm trà xạ đen bán cả nước - Ảnh 4.

Xạ đen sau khi thu hoạch được thái nhỏ và phơi khô hoặc sấy. Ảnh: Chúc Ly.

Theo chị Nguyễn Thị Thúy, lúc này, hai vợ chồng làm tới khuya nhưng không kịp hàng để giao cho khách. Sau đó, hai vợ chồng đã quyết định mua máy đóng túi lọc, rồi sau đó là máy sấy hơn 100 triệu đồng để nâng sản lượng phục vụ khách hàng.

Anh Khánh cho hay: "Để làm được trà xạ đen đảm bảo chất lượng, tôi chọn những lá, thân xạ đen đạt chuẩn, bỏ hết lá sâu, bông và trái. Sau khi thu hoạch, xạ đen được thái nhỏ rồi phơi khô từ 4 đến 5 nắng hoặc sấy trong khoảng 5 tiếng; tiếp đó nghiền nhỏ và cho vào túi lọc. Cứ 4kg xạ đen tươi sẽ cho ra khoảng 1kg khô, làm được khoảng 200 trà túi lọc loại 5gram".

Vợ chồng trẻ ở Cà Mau tự trồng và làm trà xạ đen bán cả nước - Ảnh 5.

Trà xạ đen là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao của tỉnh trong năm 2021. Ảnh: Chúc Ly.

Khi sản phẩm trà xạ đen của anh Khánh được nhiều người biết đến, anh lại trăn trở câu chuyện về bao bì và các thủ tục để bán rộng rãi sản phẩm này. Thế là hai vợ chồng lại lặn lội tìm cách đăng ký giấy phép kinh doanh, làm bao bì,...Vợ chồng anh đã mất khoảng 1 năm để hoàn thiện mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

Ngoài trà xạ đen, để phục vụ đa dạng cho khách hàng, vợ chồng anh Khánh cho ra thêm các dòng trà túi lọc hạt thìa canh, đinh lăng. Mỗi hộp trà loại lớn (40 túi lọc) anh Khánh bán với giá 10.000 đồng; loại nhỏ (20 tủi lọc) có giá 60.000 đồng.

Vợ chồng trẻ ở Cà Mau tự trồng và làm trà xạ đen bán cả nước - Ảnh 6.

Ngoài trà xạ đen, để phục vụ đa dạng cho khách hàng, vợ chồng anh Khánh cho ra thêm các dòng trà túi lọc hạt thìa canh, đinh lăng. Ảnh: Chúc Ly.

Hiện nay, anh Khánh có khoảng 20.000 cây xạ đen trong vườn nhà. Trung bình mỗi năm anh xuất bán được khoảng 25.000 hộp trà các loại, trong đó chủ yếu là trà xạ đen. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, vợ trồng anh lãi hơn 360 triệu đồng.

Nhờ đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại cùng sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, thương hiệu trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh đã được khách hàng khắp nơi tin dùng. Trà xạ đen đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao của tỉnh trong năm 2021.

Vợ chồng trẻ ở Cà Mau tự trồng và làm trà xạ đen bán cả nước - Ảnh 7.

Vợ chồng anh Khánh mong muốn phát triển dòng trà thảo dược hữu cơ. Ảnh: Chúc Ly.

"Đặc biệt, với việc chủ động nguồn nguyên liệu, chúng tôi mong muốn tạo ra các sản phẩm trà thảo dược theo hướng hữu cơ. Sản phẩm đến tay khách hàng với mục tiêu vì sưc khỏe là trên hết", anh Khánh thông tin.

Để tập trung cho việc sản xuất trà thảo dược, tháng 4 năm 2016, vợ đã nghỉ việc tại trường; đến tháng 9 năm nay, anh Khánh cũng nghỉ việc.

Mô hình trồng, sản xuất trà thảo dược của vợ chồng anh Khánh đã tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem