Vụ 4.000m2 đất không được bồi thường tại dự án Vành đai 3 (TP.HCM): Cơ quan chức năng huyện Củ Chi vào cuộc

Cao Hùng - Lê Đình Việt Thứ sáu, ngày 06/10/2023 14:13 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ ông Võ Văn Nguyền (trú xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ trong Dự án đường Vành đai 3. Cơ quan chức năng huyện Củ Chi đã có buổi làm việc với ông Võ Văn Nguyền và kiểm tra hiện trạng khu đất.
Bình luận 0

Ngày 28/9, báo Dân Việt đã đăng tải bài viết "Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM): Sử dụng, tôn tạo 4.000m2 đất suốt 30 năm, nhưng không được bồi thường GPMB". Nội dung bài báo phản ánh về việc: Ông Võ Văn Nguyền (thường trú tổ 3, ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) sử dụng, tôn tạo hơn 4.000m2 đất suốt 30 năm, nhưng không được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Dự án đường Vành đai 3 (đoạn đi qua huyện Củ Chi, TP.HCM).

Liên quan đến vụ việc này, theo thông tin Dân Việt nắm được, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền đã có văn bản giao Thanh tra huyện Củ Chi xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại của ông Nguyền.

Chiều ngày 5/10, đoàn làm việc của huyện Củ Chi gồm đại diện: Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện và UBND xã Bình Mỹ, đã có buổi làm việc với ông Võ Văn Nguyền để kiểm tra hiện trạng khu đất. Buổi làm việc kéo dài suốt buổi chiều ngày 5/10.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyền đã cung cấp cho đoàn làm việc các giấy tờ liên quan đến khu đất và dẫn đoàn đi kiểm tra thực địa.

Ông Nguyền khẳng định, khu đất hơn 4.000 nghìn m2 ông đang sử dụng được ông nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông bà Dương Văn Tâm - Nguyễn Thị Kiến từ năm 1992 và đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi khu đất nằm trong quy hoạch mở đường Vành đai 3, ông Nguyền đề nghị Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bồi thường thỏa đáng cho ông, theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, phản ánh tới báo Dân Việt, ông Nguyền cho biết: Năm 1992, ông nhận chuyển nhượng hơn 4.000 m2 đất và một căn chòi từ vợ chồng ông bà Dương Văn Tâm - Nguyễn Thị Kiến, với giá 50 triệu đồng. Diện tích đất giáp ranh, chạy dài theo mảnh đất của vợ chồng ông Tâm đang canh tác, tọa lạc tại ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Theo ông Tâm, mảnh đất này có nguồn gốc do vợ chồng ông Tâm khai phá trước năm 1975. Từ năm 1975 đến năm 1992, vợ chồng ông Tâm vẫn canh tác nông nghiệp trên khu đất này.

Vụ 4.000m2 đất không được bồi thường tại dự án Vành đai 3 (TP.HCM): Cơ quan chức năng huyện Củ Chi vào cuộc - Ảnh 4.

Ông Võ Văn Nguyền tại khu đất và căn nhà ông đã sinh sống suốt 30 năm qua. Ảnh: Đ.V

Việc mua bán được hai bên thỏa thuận với nhau và thống nhất trả tiền thành nhiều đợt. Sau đó, ông Nguyền cất nhà, sinh sống ổn định và canh tác tại mảnh đất đã nhận chuyển nhượng. Đến năm 2005, ông Nguyền thanh toán hết số tiền chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Tâm. Việc mua bán được vợ chồng ông Tâm, bà Kiến xác nhận tại tờ thỏa thuận ngày 26/8/2005. Theo đó, vợ chồng ông Tâm khẳng định đã chuyển nhượng đất cho ông Nguyền từ năm 1992.

Năm 2010, ông Nguyền được cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân và số nhà tại địa chỉ trên. Lúc này, ông mới đủ điều kiện để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2011 và năm 2014, ông Nguyền làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vụ 4.000m2 đất không được bồi thường tại dự án Vành đai 3 (TP.HCM): Cơ quan chức năng huyện Củ Chi vào cuộc - Ảnh 5.

Khu đất hơn 4.000m2 mà ông Võ Văn Nguyền cho biết đã chuyển nhượng từ vợ chồng ông Dương Văn Tâm - bà Nguyễn Thị Kiến và sử dụng, tôn tạo suốt 30 năm. Ảnh: Đ.V

Tuy nhiên, khi đang làm thủ tục thì năm 2015, UBND xã Bình Mỹ thông báo có quy hoạch đường Vành đai 3 TP.HCM. Vì vậy, ông không tiếp tục làm thủ tục nữa, mà vẫn sinh sống, canh tác trên mảnh đất từ đó cho đến nay.

Ngày 25/5/2023, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn đi qua huyện Củ Chi (Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) gửi văn bản số cho ông Nguyền, thông báo về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người có đất bị có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Theo văn bản này, ông Nguyền không được bồi thường về đất (4.000m2), không được tái định cư, mà chỉ được bồi thường… 26 loại cây trồng trên đất, với số tiền hơn 21,4 triệu đồng. 

Không đồng ý, ông Nguyền đã làm đơn khiếu nại.

Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên tới bạn đọc.

Ngày 19/9, báo điện tử Dân Việt đã gửi công văn kèm câu hỏi tới Chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Ngày 27/9, ông Nguyễn Thanh Phong Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua huyện Củ Chi cho biết, huyện đã nhận được công văn và giao bộ phận liên quan tham mưu để trả lời báo.

img

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - tiếp xúc với cử tri TP.HCM vào ngày 2/10 vừa qua. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Hiện dự án Vành đai 3 (TP.HCM) cũng đang gặp vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, thuộc địa bàn TP.Thủ Đức. Nhiều hộ dân ở phường Trường Thạnh, TP.Thủ Đức, có đất nằm trong khu vực đường Vành đai 3 đi qua đã cho rằng, mức giá bồi thường về đất nông nghiệp, phi nông nghiệp quá thấp, nhiều bất cập trong áp dụng hệ số K, khiến người dân bị giải tỏa bị thua thiệt.

Trong khi đó, tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Bình Chánh vào ngày 2/10 vừa qua, trước phản ánh của người dân về mức giá bồi thường trong dự án đường Vành đai 3, bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - đã cho biết: "Việc cử tri kiến nghị về giá bồi thường, tổ đại biểu sẽ ghi nhận, tổng hợp ý kiến và phản ánh đến UBND thành phố để xem xét, tháo gỡ vướng mắc của cử tri".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem