Vụ nam sinh lớp 9 ở Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất: Bị bạo hành trong thời gian dài?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 06/11/2022 06:36 AM (GMT+7)
Một đứa trẻ nhảy từ tầng 3 xuống đất chứng tỏ em ấy đã rất khủng hoảng, chịu đựng thời gian dài mà không ai hiểu, chia sẻ, giúp em giải tỏa - đó là nhận định của một chuyên gia giáo dục trước vụ việc nam sinh lớp 9 ở Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất.
Bình luận 0

Nam sinh lớp 9 ở Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất

Liên quan đến trường hợp học sinh lớp 9 Trường THCS Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhảy từ tầng 3 xuống đất nghi do bạn trêu đùa, mới đây, Phòng GDĐT huyện Hoài Đức đã có văn bản báo cáo Sở GDĐT về vụ việc.

Cụ thể, ngày 21/10 trời mưa nên lớp 9A4 học tiết giáo dục thể chất trong nhà đa năng. Cuối tiết học, giáo viên dạy bộ môn có tổ chức một số hoạt động nhóm. Trong khi tham gia các hoạt động nhóm, em H.X.Q cùng một số bạn có chơi đùa, trêu chọc nhau. Đến tiết học thứ 4, em H.X.Q xin phép cô giáo ra khỏi lớp đi vệ sinh. Ít phút sau, nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh phát hiện em H.X.Q nằm ở sân trường. Ngay lập tức, nhà trường đã tổ chức sơ cứu, báo gia đình và đưa em đến bệnh viện cấp cứu. Theo hồ sơ bệnh án, em H.X.Q bị gãy tay, gãy chân, vỡ xương chậu.

Vụ nam sinh lớp 9 ở Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất: Bị bạo hành trong thời gian dài? - Ảnh 1.

Hiệu trưởng trường THCS Đức Giang xác nhận vụ học sinh lớp 9 nhảy lầu tại trường. Ảnh: SoaMaps.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, CEO giáo dục Arkki Việt Nam, nêu ý kiến: "Một đứa trẻ nhảy từ tầng 3 xuống đất chứng tỏ em ấy đã rất khủng hoảng, chịu đựng thời gian dài mà không ai hiểu, chia sẻ, giúp em giải tỏa". 

Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Theo bà Trúc, vai trò giáo dục không chỉ mình nhà trường mà còn gia đình và xã hội. Ba trụ cột này phải làm tốt thì mới giáo dục tốt được một đứa trẻ. Nếu chỉ có mình nhà trường mà gia đình, xã hội không làm tốt thì đứa trẻ đó cũng sẽ không tốt được. 

Vụ nam sinh lớp 9 ở Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất: Bị bạo hành trong thời gian dài? - Ảnh 2.

Học sinh Q. tại bệnh viện. Ảnh: T.L

"Nếu là tôi, tôi sẽ đứng về phía đứa trẻ nhiều hơn. Để dẫn đến kết cục như thế này thì chứng tỏ em ấy đã đau khổ trong thời gian dài. Tôi không biết thời gian đó là bao nhiêu; ba trụ cột này đang có lỗi gì để dẫn đến em ấy hành động như vậy. Chỉ biết rằng, một trong ai đó trong nhóm này đã hành hạ đứa trẻ.

Đối tượng học sinh cấp 2 cần được người lớn quan tâm nhất vì hormone của các em thay đổi rất mạnh trong con người. Ví dụ như người lớn chúng ta thường đè nặng bệnh thành tích khiến các em bị áp lực. Các em được 8, 9 điểm nhưng gia đình đòi 10 điểm. Chưa nói đến việc tác động các em bị bạn bè chế giễu hoặc chính thầy cô vô tình nói những câu trong lúc tức giận không kiểm soát khiến các em bị ám ảnh, dằn vặt. Cứ như vậy, mỗi ngày áp lực đè lên rồi đến một ngày không chịu nổi các em đã... buông.  

Với người lớn chúng ta, có thể tìm người nọ người kia để giải tỏa, còn với em học sinh này đã chịu đựng thời gian dài mà không có ai hướng dẫn để vượt qua, không tìm được chỗ để chia sẻ", bà Trúc nhận định.

Theo nữ CEO giáo dục, bài học dành cho chúng ta là cần quan sát trẻ nhiều hơn. Bà Trúc bày tỏ: "Chỉ khi mình gần gũi, quan sát, tạo cho con niềm tin thì chúng ta sẽ trở thành bờ vai của trẻ khi cần. Cha mẹ hãy chấp nhận con mình là phiên bản duy nhất. Cho dù con có lỗi thế nào cũng là con mình. Không nên la mắng mà luyện tập tình yêu thương cho đủ lớn. Nếu người lớn la mắng, áp đặt suy nghĩ thì không phải thương con mà là thương cho chính mình".

Mẹ của em Q. chia sẻ với báo chí: "Cách đây 2, 3 tháng các bạn cũng đã trêu và đánh con. Để vụ việc đến mức như thế này tôi cũng rất bức xúc. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vụ việc cho con tôi và gia đình".

Liên quan đến trường hợp học sinh lớp 9 Trường THCS Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất nghi do bạn trêu đùa, đại diện Sở GDĐT cho biết, đơn vị đã có những chỉ đạo cụ thể, nhất là trong việc ổn định tâm lý, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học sinh.

Sở GDĐT yêu cầu Trường THCS Đức Giang tập trung ổn định tâm lý, phối hợp chặt chẽ với gia đình để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho học sinh H.X.Q, đồng thời có biện pháp hỗ trợ em trong học tập.

"Từ sự việc này, các nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về kỹ năng ứng xử, quan tâm đến diễn biến tâm lý của học sinh nhiều hơn để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc tương tự...", đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem