Vụ Quốc Cường Gia Lai bị yêu cầu trả 2.800 tỷ: Phán quyết của Trung tâm trọng tài VIAC 'không thể đào xới lại'?

Phong Bình - Vũ Khoa Thứ tư, ngày 08/05/2024 16:42 PM (GMT+7)
Theo Luật sư Đào Liên, vụ kiện giữa Quốc Cường Gia Lai với Sunny Island (thành viên của Vạn Thịnh Phát) đã được Trung Tâm Trọng Tài VIAC giải quyết. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai được Hội đồng trọng tài phán quyết có nghĩa vụ trả lại cho Sunny Island khoảng 1.444 tỷ đồng.
Bình luận 0

Quốc Cường Gia Lai kháng cáo phán quyết phải trả hơn 2.800 tỷ

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa có đơn kháng cáo cho rằng phán quyết của Toà án thành phố Hồ Chí Minh về khoản tiền hơn 2.800 tỷ phải trả cho bà Trương Mỹ Lan. Bởi cho rằng đây là số tiền Công ty Cổ phần Đầu Tư Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thanh toán cho Quốc Cường Gia Lai (theo hợp đồng hứa mua hứa bán Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh).

Đồng thời khẳng định phán quyết của Toà án "gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Quốc Cường Gia Lai".

Chia sẻ với PV Dân Việt về kháng cáo của QCG với phán quyết mới được đưa ra, Luật sư Đào Liên, Luật sư điều hành Công ty Luật Tiền Phong cho biết, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nên QCG có quyền kháng cáo phần tuyên về mình. Tuy nhiên, nếu phán quyết được giữ nguyên và QCG không thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì mới bị áp dụng các chế tài như bị cưỡng chế thi hành án (kê biên tài sản, phong toả tài sản...).

Theo Luật sư Đào Liên, hiện còn một số điểm chưa rõ trong khi xâu chuỗi cả 2 vụ kiện, theo đó, vụ án hình sự để giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của bà Trương Mỹ Lan, và Tòa án sẽ xử lý trách nhiệm dân sự của bà này. Trường hợp xác định bà Lan có tiền, tài sản nào đó, sẽ gom về để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, đối với một số khoản đã chi đến tổ chức khác, và tổ chức đó đã hạch toán theo đúng quy định của pháp luật, hoặc theo đúng phán quyết của cơ quan trọng tài, Tòa án.. thì không thể đào xới lại.

Ở đây, vụ kiện giữa QCG với Công ty Cổ phần Đầu Tư Sunny Island đã được Trung Tâm Trọng Tài VIAC giải quyết. Theo đó, QCG được Hội đồng trọng tài phán quyết có nghĩa vụ trả lại cho Sunny Island khoảng 1.444 tỷ đồng.

"Nguyên tắc nếu phán quyết không sai về mặt áp dụng pháp luật, thì phải tôn trọng nó. Bởi vì Nhà nước đặt ra các tổ chức đó để hành động", Luật sư Đào Liên phân tích.

Vụ Quốc Cường Gia Lai bị yêu cầu trả 2.800 tỷ: Phán quyết của Trung tâm trọng tài VIAC 'không thể đào xới lại'?- Ảnh 1.

Dự án Bắc Phước Kiển.

Liên quan đến vụ kiện giữa QCG và Sunny Island, trước đó Sunny Island đã có đề nghị TAND thành phố Hồ Chí Minh hủy phán quyết và được cơ quan này đồng ý. Mặc dù theo nhận định của TAND thành phố Hồ Chí Minh và Viện KSND thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ các lý do mà Sunny Island đưa ra cho yêu cầu hủy phán quyết là không có cơ sở, không có căn cứ, phán quyết trọng tài không vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Sunny Island, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được ý kiến của Bộ Công An cho biết toàn bộ hồ sơ đền bù 65 ha mà VIAC tuyên buộc Sunny Island phải hoàn trả cho QCG đang là tài liệu chứng cứ của vụ án hình sự liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Vì liên quan đến vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên căn cứ điểm d Khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại, TAND chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 63.

Quốc Cường Gia Lai làm ăn ra sao?

Mở đầu năm 2024, QCG chỉ lãi được 651 triệu đồng trong quý 1. Quý đầu năm, doanh thu thuần của QCG thậm chí còn giảm mạnh hơn 76% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 38,7 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động bán điện, chiếm 22,6 tỷ đồng. Mảng bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ thu về hơn 6,5 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng đã chiếm gần hết doanh thu khiến lợi nhuận gộp còn lại chỉ hơn 5,8 tỷ.

Trong khi đó, QCG vẫn phải gánh hơn 9 tỷ chi phí lãi vay là 3,4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Trên thực tế, QCG đã có thể chịu cảnh thua lỗ quý 1 nếu không nhờ đến doanh thu hoạt động tài chính.

Trong quý vừa rồi, nhờ thanh lý tài sản qua hình thức chuyển nhượng vốn góp, QCG đã thu về hơn 6,4 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, nhờ đó cứu doanh nghiệp thoát lỗ. Được biết đây là khoản lợi nhuận nhờ chuyển nhượng 31,39% cổ phần tại CTCP Quốc Cường Liên Á và hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế vẫn là con số dương nhưng chỉ đạt 651 triệu đồng. Cùng kỳ năm ngoái cũng không khả quan hơn khi lợi nhuận chưa được 1 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn cao hơn kỳ năm nay với 906 triệu đồng.

Hơn 2 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của QCG ngày càng đi xuống. Lợi nhuận liên tục lao dốc mạnh. Năm 2022, lợi nhuận giảm 54% so với năm trước đó chỉ đạt 31 tỷ đồng, đến 2023 còn giảm mạnh hơn với khoản lãi 3,1 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 năm trước.

Tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của QCG trên bảng cân đối kế toán ở mức 534,2 tỷ đồng.

Khoản tiền 2.882,8 tỷ đồng phải trả bà Trương Mỹ Lan của QCGL vẫn đang treo lơ lửng sau phán quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án Vạn Thịnh Phát. QCGL đã kháng cáo bản án này và cho rằng công ty chỉ phải trả hơn 1.444 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan, số tiền còn lại xin được cấn trừ vào những khoản tiền đã đưa trước đó cho công ty của chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Chưa có thêm thông tin về đơn kháng cáo của QCGL tuy nhiên là 2.882,8 tỷ hay 1.444 tỷ đồng thì đây vẫn là số tiền rất lớn với QCGL ở thời điểm hiện tại.

Tổng tài sản của QCGL tính đến cuối quý 1 vừa rồi ở mức 9.515 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn chiếm 7.632 tỷ đồng, về lý thuyết thì có đủ năng lực để trả nợ cho bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn tài sản của QCGL lại nằm ở hàng tồn kho.

Hàng tồn kho cuối quý 1 vẫn không chênh lệch nhiều so với hồi đầu năm: 7.033 tỷ đồng, tương đương 74% tổng tài sản doanh nghiệp. Phần lớn là bất động sản dở dang.

Trong khi đó, QCGL đâu chỉ có mỗi món nợ cần trả với chủ tịch Vạn Thịnh Phát. Nợ vay ngân hàng cũng là một áp lực với doanh nghiệp khi hàng năm, QCG chi ra khoảng 50 tỷ đồng để trả lãi. Hiện QCGL đang nợ ngắn hạn ngân hàng 106,8 tỷ đồng (vay Ngân hàng Liên doanh Việt Nga và đáo hạn vào ngày 01/01/2025), nợ cá nhân 164,3 tỷ đồng và khoản vay dài hạn 41,6 tỷ đồng đến hạn trả. Ngoài ra, công ty cũng có 2 khoản vay dài hạn ngân hàng Vietcombank 257,5 tỷ đồng để tài trợ cho dự án thủy điện Lagrai 2 và Ayun Trung.

Ở hạng mục phải trả ngắn hạn khác trị giá 4.304 tỷ, ngoại trừ khoản tiền 2.882,8 tỷ từ Sunny Land được ghi nhận thì QCG đang vay bên thứ ba 744 tỷ đồng và các bên liên quan 676 tỷ đồng. Trong đó, nhiều khoản tiền được thành viên gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan và các lãnh đạo công ty cho mượn như 78 tỷ đồng mượn bà Nguyễn Thị Như Loan, 700 triệu đồng mượn con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My, 27 tỷ mượn bố con ông Lại Thế Hà (Chủ tịch HĐQT QCGL) và các khoản vay mượn các công ty liên kết của QCG như Công ty Nhà Phạm Gia, Công ty BĐS Hiệp Phúc.

Thế khó của bà Loan là phải hoàn trả đủ số tiền cho bà Trương Mỹ Lan mới được nhận lại tài sản đảm bảo là giấy tờ, sổ đỏ các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển. Trong khi đó, phần lớn tài sản lại chính là bất động sản dở dang bao gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, chi phí tư vấn thiết kế, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến chính dự án Khu dân cư Phước Kiển và các dự án khác như Lavida, Central Premium, Marina Đà Nẵng,…

Hiện QCGL chỉ còn hơn 29 tỷ đồng tiền mặt. Sau khi bán phần vốn tại CTCP Quốc Cường Liên Á, QCGL vẫn còn đầu tư hơn 547 tỷ đồng vào 2 công ty liên kết là Công ty Nhà Phạm Gia, Công ty BĐS Hiệp Phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem