Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ lấy sợi cây gai đan loại võng dùng hàng chục năm "vẫn chạy tốt"

Thắng Tình Thứ hai, ngày 10/07/2023 09:00 AM (GMT+7)
Đan võng gai là nghề truyền thống của bà con người dân tộc Thổ tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Đến nay nghề đan võng gai vẫn được duy trì như một giá trị văn hóa đặc sắc, bên cạnh đó còn đem lại thu nhập ổn định cho bà con.
Bình luận 0

Đặc sắc kỹ thuật đan võng gai của người Thổ ở Nghệ An

Tại Nghệ An, đồng bào dân tộc Thổ cư trú chủ yếu ở một số bản làng thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ... Từ xa xưa, người Thổ đã có nghề đan võng gai để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Võng gai cũng là một sản phẩm để người Thổ trao đổi lấy vải hoặc các đồ dùng khác phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ tuốt cây gai lấy sợi đan loại võng đặc biệt dùng hàng chục năm không hỏng - Ảnh 1.

Đan võng gai là nghề truyền thống của bà con người dân tộc Thổ tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Đến nay, nghề đan võng gai vẫn đang được bà con nơi đây duy trì. Ảnh: H.L

Xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An tỉnh Nghệ An là địa phương có đến 70% dân số là đồng bào người dân tộc Thổ. Bà con nơi đây vẫn giữ được các tập tục văn hóa truyền thống của người Thổ trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt, nghề đan võng gai vẫn được duy trì như một giá trị văn hóa truyền thống. Những năm gần đây nghề đan võng gai đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con nhân dân.

Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ tuốt cây gai lấy sợi đan loại võng đặc biệt dùng hàng chục năm không hỏng - Ảnh 2.

Cây gai được trồng tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để lấy sợi đan võng. Ngoài dùng để lấy sợi, lá cây gai cũng có thể bán cho các cơ sở làm bánh trên địa bàn. Ảnh: H.L

Ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An chia sẻ, mới đây võng gai của đồng bào dân tộc Thổ trên địa bàn cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Địa phương cũng hỗ trợ bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm xây dựng làng nghề truyền thống tại một số địa bàn. 

Bên cạnh đó, UBND xã cũng tạo điều kiện hỗ trợ đất để bà con trồng cây gai làm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, nghề truyền thống này vẫn được duy trì, bảo tồn và có tiềm năng xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của dân tộc một cách bài bản, từ năm 2015, chi hội phụ nữ xóm Long Thọ, xã Giai Xuân đã thành lập Câu lạc bộ đan võng gai truyền thống, đến nay đã có 30 hội viên tham gia.

Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ tuốt cây gai lấy sợi đan loại võng đặc biệt dùng hàng chục năm không hỏng - Ảnh 3.

Kỹ thuật đan võng gai của bà con dân tộc Thổ ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An được chia làm 3 loại đòi hỏi sự cầu kỳ. Ảnh: H.L

Kỹ thuật đan võng gai truyền thống của người dân tộc Thổ chia làm ba loại. Loại phổ biến nhất là đan tính theo long tư, long năm để sử dụng hàng ngày và bán ra thị trường.

Bên cạnh đó còn có loại đan bông thang, kỹ thuật này đòi hỏi sự cầu kỳ, phức tạp, võng có độ rộng, dày và đẹp hơn. Người dân chỉ đan loại võng này khi có đặt hàng riêng và giá thành cũng cao hơn so với võng gai thông thường.

Nghề đan võng gai đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo này dường như chỉ dành cho những phụ nữ giàu kinh nghiệm. Tùy thuộc vào cách tết, cách bố trí hoa văn khác nhau mà có võng được tết then hai, then ba, có võng tết then sáu, then bảy.

Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ tuốt cây gai lấy sợi đan loại võng đặc biệt dùng hàng chục năm không hỏng - Ảnh 4.

Sau khi thu hoạch về, cây gai được tuốt ra để lấy sợi. Sợi từ cây gai rất bền. Ảnh: H.L

Kỹ thuật phức tạp nhất nhưng nay rất ít được sử dụng là đan võng tên hay còn gọi là đan võng cáng quan (thời phong kiến chỉ dành cho gia đình các quan và dùng để cáng quan lại, người có chức sắc di chuyển). Loại kỹ thuật đan võng này khó nhất, kỳ công, tốn nhiều thời gian công sức và chỉ những người khéo léo, giỏi nghề mới có thể làm được.

Đan võng gai thành làng nghề truyền thống

Bà Trương Thị Thống - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, để làm được một chiếc võng gai phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn những cây gai đã già, bỏ lá, tuốt hết vỏ trên thân gai để lấy sợi gai phơi khô. Khi đã có một số lượng sợi kha khá, mới bắt đầu vào công đoạn tết quai võng, chọn loại then, đan võng… tất cả đều thủ công bằng tay.

Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ tuốt cây gai lấy sợi đan loại võng đặc biệt dùng hàng chục năm không hỏng - Ảnh 5.

Bình thường mỗi chiếc võng gai của bà con dân tộc Thổ ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An dài khoảng 2 - 2,5m và rộng khoảng 1,6 m. Mỗi chiếc võng có thể dùng hàng chục năm không hỏng. Ảnh: H.L

Thông thường, mỗi cái võng gai của người Thổ khi hoàn thành có chiều dài khoảng 2 - 2,5m, rộng 1,6m, các mắt võng đều tăm tắp, phía 2 bên đầu võng được kết rất chắc chắn để mắc võng ngồi thoải mái mà không sợ bị đứt.

Một chiếc võng gai hiện nay có giá từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Còn những loại đặc biệt hơn, làm theo đơn đặt hàng riêng, thì giá thành có thể dao động 1,5 - 2 triệu đồng. Thậm chí có những chiếc võng gai có giá lên đến 3,5 triệu đồng do khách hàng có nhiều yêu cầu đặc biệt.

Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ tuốt cây gai lấy sợi đan loại võng đặc biệt dùng hàng chục năm không hỏng - Ảnh 6.

Nghề đan võng gai không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống, nay sản phẩm được thị trường đón nhận mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An những lúc nông nhàn. Ảnh: H.L

Mặc dù so với các loại võng trên thị trường, võng gai không phong phú về mẫu mã, màu sắc nhưng vẫn được rất nhiều người ưa chuộng vì êm mát, lại sử dụng được bền lâu, thậm chí đến hàng chục năm mà không bị hỏng.

Theo bà Trương Thị Thống, sản phẩm võng gai của câu lạc bộ hiện nay làm đến đâu hết đến đấy. Khách hàng có thể dến từ các tỉnh ở Tây Nguyên, Quảng Nam... Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn cũng tìm đến để mua về sử dụng. Mặc dù có nhiều đơn đặt hàng, tuy nhiên hiện nay chỉ có phụ nữ lớn tuổi còn đam mê và tham gia đan võng gai lúc nông nhàn. Trong khi đó, lao động trẻ không mặn mà. Do quá trình làm võng gai tỉ mỉ, thủ công nên không thể sản xuất hàng loạt.

Xã này ở Nghệ An bà con người Thổ tuốt cây gai lấy sợi đan loại võng đặc biệt dùng hàng chục năm không hỏng - Ảnh 7.

Hiện tại, vùng nguyên liệu ổn định, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, nghề đan võng gai ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đang phát triển, tạo công ăn việc làm cho bà con nhân dân. Ảnh: H.L

Hiện tại các hội viên thường trồng cây gai trên các nương rẫy, trong vườn, bên cạnh đó có những vùng trồng tập trung vì thế nguồn nguyên liệu đã ổn định. Câu lạc bộ đan võng gai xã Giai Xuân cũng đang mở rộng quy mô sản xuất tiến tới thành lập làng nghề đan võng gai truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem