Xe đạp thông minh thời 4.0

Hoàng Ba Đình Thứ năm, ngày 16/12/2021 15:05 PM (GMT+7)
"Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu...", chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, bài hát "Xe đạp ơi" dường như có tính tiên tri. Bởi từ khi có bài hát này, xe đạp dần trở thành phương tiện thứ yếu của người dân TP.HCM.
Bình luận 0

Có nhiều nguyên nhân khiến xe đạp ít hẳn, như sự phát triển của xe buýt, xe máy; hoặc quy mô thành phố mở rộng làm cho quãng đường di chuyển dài hơn hẳn, không phù hợp để đi xe đạp...

Tính ra mấy năm nay đã dần có sự trở lại của xe đạp điện, tuy gọi bằng "xe đạp", nhưng vẫn chạy bằng điện là chủ yếu, đạp chỉ cho vui thôi. Những người đi xe đạp thực tế như hiện nay tại thành phố, chủ yếu là xe đạp thể dục. Chứ tình hình sử dụng xe đạp để phục vụ cho sinh hoạt như đi học, đi làm, đi chơi... vẫn rất hắt hiu.

Xe đạp thông minh thời 4.0 - Ảnh 1.

Đi thôi, những vị khách đầu tiên. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Nhưng, đừng lo. Sáng 16/12, tại đường Lê Lợi (quận 1) đã diễn ra lễ khai trương Dịch vụ xe đạp đô thị TNG. Đến tham dự có các đại biểu của các cơ quan sở ban ngành của TP.HCM. Được biết, hệ thống xe đạp đô thị này do Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải số Trí Nam (gọi tắt Công ty Trí Nam) – trực thuộc Tập đoàn Trí Nam – vận hành.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ vận tải số Trí Nam thông tin thêm: "Chúng tôi đã triển khai hệ thống xe đạp đô thị tại  trung tâm TP.HCM. Trong thời gian sắp tới sẽ triển khai tiếp tại các quận khác. Và trong tương lai cũng sẽ tiến hành tại Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ…".

Xe đạp thông minh thời 4.0 - Ảnh 2.

Quan cảnh trước lễ khai trương.

Cũng theo ông Toàn, hiện tại, ở TP.HCM đã có hơn 500 chiếc xe đạp thông minh được nhập về từ nước ngoài. Mô hình này đã được nhiều nước ở Âu – Mỹ thực hiện. Ở Đông Nam Á, đã có Singapore, Thái Lan; nay đến lượt Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực bắt đầu với mô hình xe đạp đô thị này.

Chiếc xe đạp đã được nghiên cứu cho phù hợp với vóc dáng, chiều cao, cân nặng... của người Việt Nam. Đặc biệt, phần yên xe được thiết kế linh động, có thể điều chỉnh cho phù hợp với chiều cao của từng người.

Còn thế nào là "xe đạp thông minh", chị Thùy Trâm (nhân viên của Công ty Trí Nam) giải thích thêm: Ngoài các chức năng cơ bản, xe đạp này được kích hoạt và sử dụng hoàn toàn bằng app điện thoại. Chỉ cần tải app về, mỗi khi có nhu cầu sử dụng xe thì ra trạm rồi quét bằng mã QR, xe sẽ được mở khóa.

Xe đạp thông minh thời 4.0 - Ảnh 3.

Tại quầy check-in

Trong quá trình sử dụng, tiền thuê xe sẽ được trừ thẳng vào tài khoản trên app. Đang đi có thể tự khóa xe để đi mua sắm, cà phê, ăn uống... thoải mái. Đến lúc không dùng nữa, có thể trả xe tại trạm. Quãng đường, lộ trình, năng lượng tiêu thụ, lượng khí thải... trong suốt quá trình di chuyển đều được hiển thị trên app.

Quả thực, một trong những lý do khiến nhiều người ở TP.HCM vẫn còn e dè khi sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, là sau khi xuống trạm ở xe buýt, muốn di chuyển đến những nơi cần đến lại khá xa nếu đi bộ. Thành thử phương tiện cá nhân vẫn nhiều, và cứ như vậy thì kẹt xe chắc chắn vẫn đều đều.

Trao đổi về vấn đề này, ông Toàn cho rằng: Hệ thống xe đạp đô thị chính là một trong những giải pháp kết nối phụ trợ cho hệ thống giao thông công cộng tại thành phố như xe buýt, metro, buýt đường sông nhằm mang lại sự tiện lợi nhất cho người dân. Lấy xe từ một trạm xe buýt này, sau khi đi công việc, có thể trả xe tại một trạm xe buýt khác.

Xe đạp thông minh thời 4.0 - Ảnh 4.

Thiếu quả yên sau để chở người yêu.

"Nay đã có 43 trạm xe đạp thí điểm cùng hơn 500 đầu xe, rất tiện lợi cho di chuyển trong cự ly ngắn từ 500 – 1.500 mét. Đối tượng khách hàng mà chúng tôi hướng đến đầu tiên chính là người dân thành phố, sau đấy sẽ là khách du lịch", ông Toàn nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM chia sẻ: "Tôi đã được ngắm thành phố từ nhiều phương tiện khác nhau như máy bay, ô tô, xe buýt... Lâu rồi, đến ngày hôm nay mới có dịp ngắm thành phố từ xe đạp. Và tôi thấy thành phố mình đẹp quá".

Còn về thời gian hoạt động thí điểm, ông Toàn cho biết thêm: Dự án này sẽ được thí điểm trong 12 tháng, hoạt động từ 5h-22h hàng ngày. Nếu mọi việc tiến triển tốt, sẽ triển khai thêm tại các quận khác tại thành phố, đồng thời cũng xem xét khả năng phục vụ 24/24.

Vậy là sau loạt loại hình giao thông công cộng đặc thù như xe buýt, buýt đường thủy cùng hệ thống metro sắp đưa vào vận hành, TP.HCM đã có thêm hệ thống xe đạp đô thị, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn cho giao thông của thành phố, thu hút người dân địa phương cùng du khách trong thời gian sắp tới.

Nếu chỉ ra điều gì đáng tiếc, thì đáng tiếc nhất, chính là những chiếc xe đạp này còn thiếu cái yên sau. Giá mà có yên sau, chàng chở nàng, cả hai cùng hát "xe đạp ơi, hết xa rồi từ đây" thì hay biết mấy, Sài Gòn đã đẹp lại càng lãng mạn hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem