Người dân vẫn còn tâm lý e ngại, mong có vaccine dịch tả lợn châu Phi tiêm cho lợn nái

Trần Quang Thứ bảy, ngày 18/05/2024 07:18 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, một số cán bộ thú y ở cơ sở cho biết, sau khi Bộ NNPTNT cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng, lực lượng thú y đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con tiêm phòng nhưng người chăn nuôi vẫn có tâm lý e ngại.
Bình luận 0
Người dân vẫn còn tâm lý e ngại, mong có vaccine dịch tả lợn châu Phi tiêm cho lợn nái - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Bốn, cán bộ thú y xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết, vừa qua tại xã cũng có một số hộ mua vaccine dịch tả lợn châu Phi về tiêm nhưng không hiệu quả nên bà con không tiêm nữa. Ảnh: TQ

Tiêm xong vẫn bị nhiễm dịch

Hơn 40 năm làm nghề thú y, chưa khi nào bà Trần Thì Bốn ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) cảm thấy vất vả, khốc liệt như đợt phòng chống dịch tả lợn châu Phi vừa qua. "Trước đây, Ngọc Lũ có đàn lợn lớn nên được ví như "thủ phủ" chăn nuôi lợn của miền Bắc nhưng sau khi đại dịch quét qua, đến nay toàn xã chỉ còn khoảng trên dưới chục nghìn con, trong đó đa phần là các hộ nuôi "lướt" (mua lợn to về nuôi lấy lãi)", bà Bốn bộc bạch.

Bà Bốn cho biết, từ khi có thông tin doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu và sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi, bà và nhiều chủ trại chăn nuôi lợn ở xã rất phấn khởi. Đến tháng 7/2023, qua nhiều lần thử nghiệm thành công và phê duyệt kỹ lưỡng, Bộ NNPTNT mới cho phép sử dụng dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng trên cả nước.

Người dân vẫn còn tâm lý e ngại, mong có vaccine dịch tả lợn châu Phi tiêm cho lợn nái - Ảnh 2.

Người dân chăm sóc lợn thịt tại xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam). Ảnh: TQ

Tuy nhiên, từ tháng 7/2023 đến nay, bà Bốn chưa nhận được thêm thông tin tuyên truyền hay đưa vaccine về xã. Do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn rất "nóng ruột" nên đã chủ động tìm mua hàng tại các đại lý, cửa hàng thuốc thú y ở địa phương để tiêm, bảo vệ đàn lợn nhưng không có hiệu quả.

"Một số hộ mua vaccine về tiêm nhưng lợn vẫn bị nhiễm dịch nên đến giờ bà con không mấy mặn mà với loạt vaccine mới", ông Bốn khẳng định.

Theo bà Bốn, hiện nay, Bộ NNPTNT khuyến cáo loạt vaccine mới chỉ sử dụng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên đến 6 tuần tuổi, trong khi đó, đối tượng người nuôi cần vaccine tiêm cho lợn nái rất nhiều. Còn lại các trại nuôi lợn thịt ở Ngọc Lũ đa phần đều nuôi "lướt" loại gần 100kg/con, nếu có vấn đề, các trại cũng bán được nhanh nên bà con không muốn tiêm thêm vaccine.

Các trại chăn nuôi lớn chưa muốn tiêm vaccine

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Mô (Ninh Bình) cho hay: Mấy năm trở lại đây, năm nào Yên Mô cũng có dịch tả lợn châu Phi, dù các điểm dịch phát sinh không quá nghiêm trọng nhưng vẫn xuất hiện như kiểu "xôi đỗ".

Toàn huyện Yên Mô hiện có khoảng 30.000 con lợn. Theo ông Sơn, hiện nhu cầu tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi tại địa phương cũng rất lớn nhưng đến giờ chỉ có mấy gia trại, nông hộ nhỏ nuôi vài con đến vài chục con vẫn tiêm vaccine, còn các trại lớn nuôi hàng trăm con vẫn "cố thủ" bằng biện pháp an toàn sinh học.

Người dân vẫn còn tâm lý e ngại, mong có vaccine dịch tả lợn châu Phi tiêm cho lợn nái - Ảnh 4.

Cán bộ thú y phun sát trùng tại điểm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: TQ

"Khi người dân đặt hàng, chúng tôi sẽ gửi thông tin lên doanh nghiệp cung ứng đưa vaccine về phục vụ bà con. Theo quy định trước khi tiêm, phải lấy mẫu kiểm tra sức khỏe của vật nuôi, sau khi có kết quả đạt yêu cầu mới tiến hành tiêm phòng nhưng người nuôi không có nhu cầu lấy mẫu nên nhân viên của công ty tiêm thẳng luôn", ông Sơn nói và cho biết, năm 2023 ở huyện có một trại lớn nuôi nhiều lợn tiêm phòng thử vaccine mới nhưng đến nay trại này đã dừng tiêm. Chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân nên tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi nhưng đến nay số lượng tiêm vẫn rất hạn chế.

Để người dân, các trại chăn nuôi lớn yên tâm sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Sơn đề nghị các doanh nghiệp sản xuất vaccine cần có nghiên cứu và đánh giá lại kết quả triển khai mức độ đáp ứng miễn dịch trên đàn lợn đối với loại vaccine mới. Các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm phải được công bố công khai, minh bạch để người dân giám sát, theo dõi nhằm tạo lòng tin cho mọi người khi sử dụng vaccine mới.

Theo ông Sơn, qua nhiều năm theo dõi dịch bệnh, ông nhận thấy đối tượng lợn nái, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ dễ bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nên các doanh nghiệp sản xuất vaccine cần sớm nghiên cứu, sản xuất ra loại vaccine mới có thể tiêm được cho đối tượng này để giúp bà con yên tâm tái đàn, tăng đàn hiệu quả hơn.

Kiến nghị thêm, ông Sơn cho rằng: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi về hiệu quả của vaccine mới đến người dân, Nhà nước cũng cần sớm đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ rủi ro khi tiêm phòng, các doanh nghiệp cần sớm công khai, minh bạch và có chính sách hỗ trợ giá vaccine để người nuôi tự tin hơn khi sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi tiêm cho lợn của mình.

Cần tăng phụ cấp cho cán bộ thú y cơ sở

Trong thời điểm có dịch, người nuôi lợn không dám tiêm vaccine mới nên các trại luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài, cấm người lạ ra vào trại, vì thế mà thu nhập của lực lượng này ngày càng eo hẹp hơn. Hơn 60 tuổi, hơn 40 tuổi nghề, hiện bà Trần Thị Bốn, cán bộ thú y ở xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam) vẫn phải tất bật với công việc tiêm phòng mấy loại bệnh thông thường như bệnh dại, cúm gia cầm... nhưng cũng không xuể.

Do cả xã có một cán bộ thu y, thời điểm tiêm phòng được tăng cường thêm một người nhưng khi làm việc cũng rất khó khăn. "Khi địa phương có đợt tiêm phòng, cán bộ thú y phải đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà vận động tiêm phòng nhưng cũng có hộ lấy lý do không tiêm. Có thời điểm chúng tôi đi 2 người mà tiêm phòng dại cả ngày được có 7-8 con chó, chia tiền công được vài chục nghìn đồng/người. Quá chán nản nên người đi cùng bỏ cuộc, tôi vẫn phải kiên trì làm, có ngày đi làm còn bị chó cắn, bản thân lại phải bỏ tiền ra tiêm phòng dại, nản lắm!", bà Bốn buồn rầu nói.

Đến giờ, "tiền lương" của bà Bốn mỗi tháng chỉ được khoảng hơn 1 triệu đồng, để "cầm cự" với nghề và duy trì cuộc sống, bà còn tranh thủ làm cấy mấy sào ruộng lúa, trồng ít khoai, rau... "Hơn 40 năm nay, thu nhập của tôi vẫn chưa được cải thiện nên nhiều khi rất nản lòng muốn bỏ việc nhưng lãnh đạo địa phương lại đến nhà vận động ra làm. Chúng tôi rất mong nhà nước quan tâm hỗ trợ, tăng thu nhập cho cán bộ thú y cơ sở để mọi người có thêm động lực làm việc", bà Bốn kiến nghị.

Cùng chung tâm tư với bà Bốn, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay: Hiện, Yên Mô có 17 xã, thị trấn, có 17 cán bộ thú y chuyên trách, trình độ từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đàn vật nuôi khá lớn nên các cán bộ thu y làm việc rất vất vả, khổ cực, có thời điểm xảy ra dịch, mọi người phải làm xuyên ngày, đêm nhưng thu nhập của các đối tượng này còn thấp và bấp bênh. Có người còn phải làm thêm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống.

"Năm 2019, lực lượng thú y bỏ việc nhiều, chúng tôi tuyển dụng lại rất khó khăn. Đến giờ thu nhập của lực lượng này đã tăng thêm nhưng so với mặt bằng công việc vẫn còn rất thấp. Chúng tôi rất mong, nhà nước, địa phương quan tâm hơn, có thêm hỗ trợ để thú y cơ sở yên tâm làm việc hiệu quả hơn", ông Sơn đề nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem