Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?

Văn Long Thứ ba, ngày 14/05/2024 05:53 AM (GMT+7)
Chỉ với diện tích nhỏ nhưng được đầu tư hạ tầng bài bản, trồng ớt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, người dân tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) vẫn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Trồng ớt thu trăm triệu

Những cây ớt đang vươn cao sai trĩu quả, những bịch giá thể sắp xếp khoa học, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước là những gì mà phóng viên thấy được ở các khu vườn của người dân xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Những vườn ớt này được người dân liên kết với hợp tác xã (HTX) An Phú trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 1.

Những cây ớt sai trĩu quả của người dân liên kết với HTX An Phú trồng.

Hiện nay, HTX An Phú đang liên kết với khoảng 17 hộ dân, trồng các loại ớt chuông baby, cà chua và dưa leo trên diện tích khoảng 11ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Những mặt hàng này không chỉ được cung cấp cho các siêu thị trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường Singapore.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Chính (thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Hai vợ chồng tôi liên kết với HTX An Phú đã được 3 năm nay. Vợ chồng tôi trồng ớt baby trên diện tích 1.300m2 nhà kính. Với cự ly và kỹ thuật được HTX An Phú hướng dẫn thì chúng tôi trồng được khoảng 4.000 cây ớt. Được sự hướng dẫn về kỹ thuật của HTX An Phú, trung bình 1 năm gia đình tôi thu hoạch được khoảng 22 tấn ớt. Giá hiện tại được HTX mua lại dao động từ 32.000-35.000 đồng/kg".

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hân tỉa lá cho những cây ớt của mình trong khu nhà kính rộng hơn 1.300m2.

Bà Nguyễn Thị Hân, vợ ông Chính cho hay, cách đây 3 năm, gia đình bà đã chấp nhận đầu tư gần 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, giống cây trồng và hệ thống cắt nắng (giảm được khoảng 8-10 độ C) vào buổi trưa. Với diện tích trên, mặc dù đã lớn tuổi nhưng công việc khá nhẹ nhàng, vừa sức nên vợ chồng bà Hân vẫn có thu nhập ổn định. Toàn bộ ớt trong nhà kính của gia đình bà đều được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP dưới sự hướng dẫn, giám sát của HTX.

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Ba - Giám đốc HTX An Phú trực tiếp có mặt tại vườn, hướng dẫn cho các hộ liên kết phát hiện sâu bệnh để xử lý kịp thời.

Trong khi đó, anh Đào Chuyên Chính (thôn Darahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) cho biết, hơn 1 năm qua, anh đã liên kết với HTX An Phú để trồng 4.000 ớt chuông baby trong nhà kính. 4.000m2 trên anh Chính trồng được khoảng 12.000 cây ớt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 50 tấn ớt. Sau khi trừ các chi phí khoảng 60% thì anh Chính vẫn thu về từ 600 - 700 triệu đồng/năm.

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 4.

Anh Đào Chuyên Chính thu hoạch ớt trong vườn của mình.

"Mặc dù liên kết với HTX rất ổn định, giá bán, đầu ra ổn định nhưng người đầu tư sẽ mất số vốn khá nặng vào lứa đầu tiên. Đến nay, với 4.000m2, tôi đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng. Tuy vậy, những vụ trồng ớt sau, tôi chỉ mất tiền giống và phân bón thì không đáng kể so với giá trị kinh tế mà nó mang lại. Khi trồng thì tất cả kỹ thuật đều được HTX An Phú hướng dẫn cho các hộ liên kết, có được thành quả như hiện nay thì cũng do hợp tác xã rất nhiều", anh Chính chia sẻ.

"Bán trước" 70% nông sản

Trực tiếp dẫn phóng viên đi tham quan các khu vườn của nông hộ liên kết, ông Lê Văn Ba – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú cho hay: "Hiện nay, chúng tôi xây dựng thành 1 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ thành viên. Cách làm của chúng tôi là từ các công nghệ xây dựng nhà kính, kế hoạch gieo giống sản xuất từng vụ theo đơn đặt hàng của đối tác. Sau đó, chúng tôi cũng thu mua, bao tiêu sản phẩm của người dân liên kết để bán ra thị trường theo một chu kỳ khép kín.

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 5.

Những hộ dân liên kết với HTX An Phú đều sử dụng công nghệ tưới tự động để chăm sóc cây trồng nhằm giảm thời gian và công chăm sóc.

Trước khi người dân sản xuất, chúng tôi đã "bán trước" các sản phẩm của họ. Có nghĩa là, chúng tôi đã ký hợp đồng với các đối tác để cung ứng sản phẩm nông sản cho họ, sau đó mới lên kế hoạch để người dân liên kết sản xuất trong năm đó. Chính vì vậy mà người dân luôn xác định được rõ ràng giá bán của sản phẩm khi bán cho hợp tác xã".

Ông Lê Văn Ba cũng cho biết, hiện HTX An Phú đang có trên 10ha nhà kính sản xuất nông sản công nghệ cao gồm ớt, cà chua và dưa leo. HTX An Phú đã "bán trước" các sản phẩm trên khoảng 70% tổng khối lượng nông sản. Còn lại 30% là phụ thuộc vào yếu tố thị trường, rủi ro.

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 6.

Hiện nay, HTX An Phú bán ra thị trường 70% nhờ các hợp đồng đã ký trước với đối tác.

Theo đó, các hộ dân liên kết sẽ được HTX An Phú hỗ trợ giống, phân bón và toàn bộ công nghệ sản xuất. Đặc biệt, có một số hộ sẽ được HTX đầu tư, cho mượn vốn và không tính lãi. Đó là những hộ dân muốn sản xuất công nghệ cao nhưng thiếu vốn. Với số vốn vay được từ Liên minh Hợp tác xã và quỹ của hợp tác xã thì HTX An Phú sẽ hỗ trợ cho một số gia đình để liên kết sản xuất.

Ông Ba cũng cho biết, nhờ sản xuất theo công nghệ hiện đại nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cao. Chính vì vậy, mô hình liên kết của HTX An Phú đã giúp cho các hộ dân liên kết có thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với cách làm truyền thống, phụ thuộc thị trường.

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 7.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt khoa học, tiết kiệm nước khi trồng cây.

Mỗi năm, trung bình HTX An Phú sản xuất và cung ứng ra thị trường từ 700-1.000 tấn ớt, cà chua và dưa leo. Trong số đó, hiện nay, HTX An Phú đã ký hợp đồng cung cấp ớt và cà chua sang Singapore đến giữa năm 2025. Dự kiến, mỗi tháng HTX An Phú xuất khẩu sang thị trường Singapore từ 10-15 tấn nông sản.

"Rau, củ, quả, của Lâm Đồng phải vượt ra được biên giới Việt Nam, nếu không thì sẽ xuất hiện tình trạng cung vượt cầu ngay. Hiện nay, các địa phương đều sản xuất được các loại rau, củ, quả. Hơn nữa, nông sản của Trung Quốc rất có thế mạnh bởi công nghệ bảo quản của họ tốt, giá rẻ nên nông sản Việt Nam khó cạnh tranh được", ông Lê Văn Ba nhận định.

Trồng ớt tiêu chuẩn toàn cầu ở Lâm Đồng kiểu gì mà vườn tốt um, nông dân thu hàng trăm triệu?- Ảnh 8.

Anh Đào Chuyên Chính kiểm tra bẫy côn trùng gây hại trong vườn ớt baby rộng 4.000m2 của mình tại xã Hiệp An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem