8 giải pháp giúp xuất khẩu sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt 6 tỷ USD vào năm 2030

Trần Đáng Thứ ba, ngày 19/09/2023 10:44 AM (GMT+7)
Theo Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt, sẽ có 8 giải pháp hỗ trợ ngành nghề nông thôn nhằm xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.
Bình luận 0
8 giải pháp giúp xuất khẩu sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt 6 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 1.

Sẽ có 8 giải pháp hỗ trợ ngành nghề nông thôn nhằm xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt 6 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: T.Đ

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6-7%/năm. Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 6 tỷ USD/năm…

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đưa ra 8 giải pháp, như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, tập trung các chính sách về đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nghề nông thôn; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng, logistics và các công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn…

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức lại sản xuất và hình thành các trung tâm sáng tạo bằng cách tăng cường mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, hợp tác xã là trung gian giữa doanh nghiệp và người dân.

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng các trung tâm sáng tạo, chương trình khởi nghiệp của hoạt động ngành nghề nông thôn. Ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ và hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề…

Ngoài ra, tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống; kiên quyết di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp. Khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường và tận dụng các phế phụ phẩm của nguyên liệu làm đầu vào cho các sản phẩm khác.

Xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng, miền. Tổ chức lễ hội truyền thống, hội thi quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc văn hoá của sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi làm cơ sở xem xét phong tặng, công nhận nghệ nhân.

Cùng với đó là xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn...

8 giải pháp giúp xuất khẩu sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt 6 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 3.

Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn để phát triển ngành nghề nông thôn. Ảnh: T.Đ

Chính phủ cũng đề ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Đào tạo nâng cao tay nghề; bổ sung các kiến thức về khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, công nghệ thông tin, thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm cho người lao động.

Thêm vào đó, phát triển thị trường và hội nhập quốc tế. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm lên hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm du lịch, kênh thương mại điện tử…

Ngoài ra, nâng cao vai trò các hiệp hội ngành nghề nông thôn và truyền thông cũng như nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển ngành nghề nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem