Alo, Đội Hỗ trợ sơ cứu Hà Nội xin nghe!

Thứ tư, ngày 18/10/2023 09:05 AM (GMT+7)
Không kể ngày đêm hay lễ Tết, hễ có cuộc gọi đến báo tai nạn giao thông là Phạm Quốc Việt, sinh năm 1987, quê ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định lập tức cùng các thành viên của Đội Hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel (First Aid Support Angel) khẩn trương đến trợ giúp người gặp nạn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Bình luận 0

"Tôi từng là người bị tai nạn và bị bỏ lại trên đường khoảng 15 phút mà không có ai trợ giúp, vì vậy tôi không muốn bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh giống mình. Vì thế tôi quyết định thành lập đội vào tháng 9-2019", Phạm Quốc Việt, Người sáng lập - Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel Hà Nội chia sẻ.

Từ người bị nạn thành người sáng lập đội hỗ trợ sơ cứu tai nạn chuyên nghiệp

Phạm Quốc Việt sinh năm 1987 từng tham gia quân ngũ từ năm 2006-2008, tại Trung đoàn 2, Sư đoàn 395 (Quân khu 3). Sau khi xuất ngũ, Việt lên Tuyên Quang làm việc. Trong một buổi tối đi làm về cuối năm 2016, anh bị một chiếc xe máy đâm từ phía sau, khiến cả hai người gần như bất tỉnh.

"Tôi lơ mơ nằm giữa đường, thấy rất nhiều người đi qua, nhưng chẳng ai dừng lại trợ giúp. Tôi thấy mình bị bỏ rơi, tuyệt vọng đến cùng cực. Hồi lâu sau mới có một cô gái dừng lại trợ giúp chúng tôi, nhưng rất luống cuống. Sau vụ tai nạn, tôi ấp ủ ý định thành lập một đội cứu hộ tai nạn giao thông (TNGT) để mong không có ai bị bỏ rơi giống như mình từng trải qua", cựu quân nhân Phạm Quốc Việt nhớ lại.

Alo, Đội Hỗ trợ sơ cứu Hà Nội xin nghe! - Ảnh 1.

Các thành viên Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel Hà Nội.

Năm 2019, khi đang có công việc ổn định, Phạm Quốc Việt quyết định đi làm... xe ôm công nghệ ở Hà Nội, không phải vì kinh tế mà muốn dành nhiều thời gian hơn cho công việc cứu hộ. Việt đã kêu gọi 5 đồng nghiệp thành lập Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel. Hoạt động đầu tiên Việt thực hiện là khẩn trương trang bị cho thành viên kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn.

Vốn sinh ra trong gia đình nhiều đời làm ngành y, bản thân anh Việt cũng lĩnh hội được kiến thức cơ bản về sơ cứu người bị nạn từ ông bà, cha mẹ các cô, chú trong gia đình trước khi vào quân ngũ, nhất là được đào tạo bài bản một khóa về sơ cứu các vết thương trong quân đội, nên khi thành lập đội hỗ trợ sơ cứu, anh sẵn có kinh nghiệm, có thể thao tác thành thục để cứu người hiệu quả.

Phạm Quốc Việt lên kế hoạch hàng tuần cho việc đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm cho các tình nguyện viên, đội viên và thành viên chính thức của đội, không chỉ thế, anh còn cùng đồng đội bỏ thời gian công sức đi lan tỏa tinh thần "không bỏ rơi người bị nạn" trong mọi hoàn cảnh. Tiêu chí ấy cũng chính là tôn chỉ của đội: "Không bỏ rơi ai cả".

Để chủ động tiếp cận nạn nhân, Đội tổ chức chốt trực tại một số điểm đen về TNGT như: Số 42 Nguyễn Xiển-Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), đồng thời duy trì đi tuần theo các vùng được phân công. Cuối năm 2020, Đội tổ chức buổi tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông, rồi lập nhóm hiến máu khẩn cấp để trợ giúp nạn nhân TNGT cần máu điều trị. Anh bảo, hiện có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà không phải nạn nhân nào cũng được sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời, đặc biệt là các vụ tai nạn về đêm, có nạn nhân phải nằm tại hiện trường rất lâu mới có người trợ giúp.

Vượt qua dị nghị ban đầu khi cứ thấy tai nạn là "lao" vào, ai trong đội cũng chỉ nghĩ làm sao trợ giúp nạn nhân tốt nhất, nhanh nhất, mặc kệ mọi lời đàm tiếu. Từ anh xe ôm công nghệ đến lễ tân khách sạn, đầu bếp và cả những người từng là nạn nhân TNGT, người gây ra tai nạn... hăng hái gia nhập đội. Nhiều người đã ủng hộ tiền để đội mua xe ô tô cứu thương chuyên dụng và trang thiết bị y tế, đáp ứng yêu cầu sơ cứu của các vụ tai nạn nặng.

Anh Nguyễn Văn Luân, Phụ trách Đội FAS Angel, tâm sự: "Mình cũng đi làm ở một bệnh viện ngày 8 tiếng, nhưng tối vẫn ra chốt từ 9 giờ tối và đến 1 giờ sáng tại điểm trưc, còn đường dây nóng thì trực 24/24. Hiện đội có 139 thành viên, trong đó có khoảng 40 thành viên "cứng", có thể xuất hiện mọi lúc mọi nơi và kỹ năng sơ cứu rất tốt".

Chỉ dám ngủ thấp thỏm mỗi đêm

Với lực lượng cứu hộ lớn, hoạt động trên phạm vi rộng, yêu cầu cơ động cao, nên Đội FAS Angel có quy trình hoạt động rất khoa học, logic. Số điện thoại cá nhân (0822.510.627) của cựu quân nhân Phạm Quốc Việt trở thành số tổng đài trực 24/7. Người trực sau khi nhận thông tin ngay lập tức hướng dẫn người báo tin chụp ảnh hiện trường, tư thế nằm của nạn nhân, gửi vị trí qua zalo hotline cho đội. Sau đó các thành viên trong nhóm sẽ khẩn trương điều phối lên nhóm tổng, xác định thành viên đang gần vị trí nhất đến hỗ trợ và chỉ trong khoảng từ 3-5 phút, các đội viên xe máy sẽ có mặt tại hiện trường và ô tô thì khoảng 7-10 phút sẽ đến hỗ trợ nếu nạn nhân cần phải di chuyển bằng phương tiện chuyên dụng.

Alo, Đội Hỗ trợ sơ cứu Hà Nội xin nghe! - Ảnh 3.

Đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel Hà Nội phổ biến công việc cho anh em.

Gần 4 năm tích cực cứu hộ, tưởng chừng như Phạm Quốc Việt đã dạn dĩ với cảnh thương vong khi nắm tay khoảng 290 nạn nhân trước lúc họ ra đi vì bị thương quá nặng, vậy mà có vụ khiến anh không cầm nổi nước mắt và ám ảnh mãi. Như vụ tai nạn cuối năm 2021 trên đường Hồ Tùng Mậu.

"Khoảng 12 giờ đêm, một thanh niên đang chở bạn gái bằng xe máy, do đi quá sát chiếc container nên bị ngã vào gầm xe. Tài xế container kịp dừng lại ngay, nhưng bánh sau vẫn đè lên chéo người nạn nhân. Khi tôi có mặt, nạn nhân thoi thóp, ánh mắt nhìn tôi như muốn nói "đừng bỏ rơi em". Tôi ứa nước mắt cầm tay em trong vô vọng, bất lực. Khi ấy tôi vô cùng thất vọng, trách bản thân không có cách gì giúp cậu thanh niên ấy qua cơn nguy kịch", Việt bồi hồi nhớ lại.

Hơn 15.000 vụ Đội FAS Angel đã trợ giúp thì Việt trực tiếp hỗ trợ khoảng 5.000 vụ. Thấy đôi mắt thâm quầng của Việt, ai cũng hiểu chẳng mấy đêm anh ngủ trọn giấc. Ngay cả khi nạn nhân đã tử vong, Đội FAS Angel tiếp tục cùng cơ quan chức năng "gom" từng bộ phận thi thể nạn nhân, hỗ trợ gia đình lo hậu sự đến tận sáng.

"Vào kỳ nghỉ lễ, kể cả khi đã phân công người trực, tôi cũng chẳng dám về quê quá một ngày. Người có thể mệt nhưng điện thoại lúc nào cũng khỏe pin, sóng mạnh. Anh em chẳng ai dám ngủ sâu, luôn sẵn sàng cho chuyến đi bất ngờ, chỉ cần điện thoại reo là: Alo, Đội FAS Angel đến ngay. Có lần nhận tin báo khi vừa bưng bát cơm lên miệng, anh em đành bỏ dở, khẩn trương lên đường đến nỗi mặc áo trái, quên khóa cửa nhà... để đến hiện trường nhanh nhất", Việt tâm sự.

Ước mơ "thất nghiệp"

Công việc "vô thưởng vô phạt" của cựu quân nhân Phạm Quốc Việt và Đội FAS Angel khiến không ít người tò mò, thậm chí nghi ngờ, dị nghị. Họ nói "Làm thế này có ai trả tiền cho không?", ban đầu Việt nghe cảm thấy rất buồn, nhưng quyết bỏ ngoài tai. Với anh, cứu giúp người bị nạn là trên hết.

Không ít trường hợp "làm ơn mắc oán", nhưng Việt cũng như các thành viên trong đội chưa bao giờ "để bụng" vì tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc "Không bỏ rơi-Không kết án đúng sai" của Đội FAS Angel.

Alo, Đội Hỗ trợ sơ cứu Hà Nội xin nghe! - Ảnh 4.

Bất kể ngày đêm, hễ nhận được cuộc gọi cầu cứu của người bị nạn, Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí FAS Angel Hà Nội lập tức lên đường.

Phạm Quốc Việt kể rằng, trong một lần sơ cứu cho nạn nhân, Việt từng bị đánh bất ngờ từ phía sau do người nhà nạn nhân hiểu lầm là người gây ra tai nạn hoặc tưởng đang... hôi của. Việt vẫn vui vẻ tự dặn lòng rằng: "Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người thay bạn giúp tôi".

Sau mấy năm "hy sinh" giấc ngủ để đổi lại bình an cho cộng đồng, Đội FAS Angel đã trở thành địa chỉ tin cậy cho rất nhiều phụ huynh có con em đang học ở Hà Nội. Như vụ một sinh viên FPT gặp tai nạn ở khu vực Bắc Từ Liêm giữa năm 2022, người gọi điện báo tin chính là bố nạn nhân. Người bố đang hỏa tốc từ Vĩnh Phúc xuống gọi điện cho Việt nói: "Hãy trợ giúp con chú vì chú không biết nhờ ai vào lúc này, chú đang xuống đây rồi".

Bên cạnh đó, một số người gây ra tai nạn vì lý do sử dụng rượu bia đã tình nguyện gia nhập Đội với hai mục đích: Bù đắp lại hậu quả đã từng gây ra và... cai rượu bia. Bởi lẽ, nguyên tắc tối thượng của Đội FAS Angel là các thành viên không được sử dụng rượu bia khi tham gia cứu hộ.

Ngoài Đội FAS Angel, hiện tại Phạm Quốc Việt đã thành lập thêm một trạm cứu hộ để dạy sửa chữa xe máy và sửa chữa xe cho nạn nhân bị tai nạn, đặt trên đường Vũ Tông Phan (Thanh Xuân, Hà Nội) để kiếm thêm thu nhập, đồng thời duy trì hoạt động và lái xe đến hiện trường ngay khi có cuộc gọi nhờ trợ giúp.

"Mình cũng như anh chị em trong Đội FAS Angel chỉ mong sớm "thất nghiệp" công việc này, để không còn ai bị nạn nữa. Nếu ai cũng có ý thức tham gia giao thông an toàn hoặc tích cực trợ giúp người bị nạn thì sứ mệnh của chúng tôi sẽ kết thúc. Tôi nghĩ vậy có xa vời quá không, anh nhỉ?", Phạm Quốc Việt nở nụ cười hiền, cũng đúng lúc nhận được cuộc gọi từ một người xa lạ...

*Bài viết có sự biên tập ở sapo

Nguyễn Văn Công (Quân Đội Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem