Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn những ngày cuối năm

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 05/01/2024 09:06 AM (GMT+7)
Cận tết, nhiều mặt bằng cho thuê khu vực quận 1, quận 3, quận 10... nằm trên các tuyến đường từng kinh doanh sầm uất nhất vẫn tiếp tục ế ẩm, treo biển tìm khách thuê.
Bình luận 0
Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn những ngày cuối năm- Ảnh 1.

Một mặt bằng nhếch nhác, bỏ trống 2-3 năm nay trên đường Nguyễn Trãi (quận 1). Ảnh: Quốc Hải

Gần đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, theo ghi nhận của Dân Việt, thời điểm hiện tại, rất nhiều các mặt bằng cho thuê trên những tuyến đường trung tâm Sài Gòn vắng khách. Tình trạng trả mặt bằng cho thuê, đóng cửa treo biển ngừng kinh doanh đang tràn lan các tuyến phố.

Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngày cuối năm

Tại giao lộ Lý Tự Trọng và Trương Định, mặt bằng 2 mặt tiền treo biển cho thuê đã 2 năm nay vẫn chưa tìm được khách thuê. Mặt tiền xuống cấp, nhếch nhác và trở thành nơi nghỉ chân của giới xe ôm, buôn bán hàng rong.

Điện thoại vào số cho thuê được dán chi chít ở mặt tiền mặt bằng này, người môi giới cho biết diện tích của mặt bằng này khoảng 500m2, với 1 trệt 3 lầu, có giá thuê 800 triệu đồng/tháng. 

Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn những ngày cuối năm- Ảnh 2.

Mặt bằng tại giao lộ Lý Tự Trọng và Trương Định. Ảnh: Quốc Hải

Theo tìm hiểu của Dân Việt, mặt bằng này trước đây là một nhà hàng Nhật, nhưng cũng đã đóng cửa trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tiếp tục chạy qua khu vực đường Hai Bà Trưng, đoạn đường ngắn từ giao lộ Lê Duẩn đến chợ Tân Định, có hàng chục mặt bằng treo bảng cho thuê từ 2-3 năm nay nhưng vẫn không tìm được khách thuê, mặt tiền nhếch nhác, xuống cấp gây mất mỹ quan đô thị.

Tuyến đường Lê Lợi, nơi từng là trung tâm mua bán sầm uất thời điểm trước dịch Covid-19 thì đến nay quãng đường chưa tới 1km đã có tới hơn chục mặt bằng cho thuê đóng cửa, treo biển cho thuê. Theo tìm hiểu, giai đoạn khi các rào chắn, lô cốt ở khu vực này được gỡ bỏ, giá thuê mặt bằng tại đây tăng mạnh 40% – 50%, vào khoảng 350 – 550 triệu đồng/tháng.

Cách đó không xa, một tuyến đường có mặt bằng kinh doanh sầm uất nhất quận 1 là đường Đồng Khởi, nơi vừa được tạp chí Cushman & Wakefield bình chọn là xếp thứ 13 trong các tuyến đường có giá thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ nhất thế giới, vẫn có không ít cửa hàng đóng cửa, treo biển tìm khách thuê.

Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn những ngày cuối năm- Ảnh 3.

Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn những ngày cuối năm- Ảnh 4.

Nhiều mặt bằng trên đường Hai Bà Trưng cũng bị bỏ trống nhiều năm nay. Ảnh: Quốc Hải

Ở một số tuyến đường khác như đường Lê Thánh Tôn, đường Nguyễn Trãi, đường Trần Quang Khải… cũng có hàng chục mặt bằng/tuyến đường trong tình trạng bỏ trống, cửa đóng và treo biển cho thuê. Đáng lưu ý, dù vắng khách nhưng giá mặt bằng trên những tuyến đường này vẫn rất cao, dao động 5.000 – 20.000 USD/tháng (gần 110 – 500 triệu đồng).

Theo một số người môi giới, thời gian gần đây, tình trạng trả mặt bằng lại tiếp tục lan ra một số khu vực ở Gò Vấp, Bình Thạnh… Đặc biệt là các mặt bằng trước đây chuyên về kinh doanh quán nhậu.

Ở khu vực đường bờ kè đường Hoàng Sa, anh Thành, chủ một quán hải sản cho biết, giữa tháng 1 này anh cũng quyết định trả lại mặt bằng này vì "thu không đủ bù chi".

"Lượng khách giảm mạnh do tình trạng siết nồng độ cồn, phí vận hành và thuê mặt bằng cao, chủ nhà cũng không thương lượng giảm giá thuê nên tôi đành phải đóng cửa", anh Thành nói.

Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn những ngày cuối năm- Ảnh 5.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Kết quả nghiên cứu mới đây của Batdongsan.com.vn cho hay, mức giá thuê trung bình của các mặt bằng ở các tuyến đường tại TP.HCM tăng nhẹ trong năm 2023. Có thể kể đến như ở đường Hai Bà Trưng, giá thuê trung bình là 135 triệu đồng/tháng; đường Nguyễn Thị Minh Khai có giá trung bình 120 triệu đồng/tháng; đường CMT8 giá trung bình 82 triệu đồng/m2…

Ảm đạm mặt bằng cho thuê ngay trung tâm Sài Gòn những ngày cuối năm- Ảnh 6.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Trong khi đó, báo cáo của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, giá thuê ở khu vực trung tâm này vẫn có xu hướng tăng 1 – 1,5%/năm. Đáng nói, không chỉ giá cao, mặt bằng khu trung tâm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như khó xin giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy chữa cháy… Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều mặt bằng để trống 2-3 năm nay.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng Dịch vụ Tư vấn & Phát triển Dự án DKRA Group thì dự báo, tình thế hiện nay rất khó khăn, với thực trạng nền kinh tế, số lượng mặt bằng để trống tại TP.HCM có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Kỳ vọng kinh tế khởi sắc

Liên quan đến trình trạng mặt bằng cho thuê ế ẩm thời gian qua, các chuyên gia kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế năm nay sẽ khắc phục tình trạng trả lại mặt bằng.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết: "Nhìn vào câu chuyện trả mặt bằng, có thể thấy khó khăn không chỉ xảy ra ở các khu vực trung tâm, mà còn ở các vùng ven. Điều này chỉ chấm dứt khi kinh tế tăng trưởng trở lại và thứ hai là du khách nước ngoài, thứ ba là mô hình kinh doanh có những sự thay đổi ý định, thì sẽ thiết lập một mức giá nhà phố cho các tuyến phố tại TP.HCM".

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương thì nhận định, sức mua giảm sâu bên cạnh suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và bùng nổ kỷ nguyên thương mại điện tử khiến đại đa số người tiêu dùng chọn mua sắm online thay vì trực tiếp đến cửa hàng khiến tình trạng trả mặt bằng lan rộng.

Ngoài ra, còn phải kể đến khủng hoảng thừa ở một số lĩnh vực khiến nhiều cửa hàng không còn hiệu quả, buộc phải đóng cửa.

Anh Long, một môi giới lâu năm ở phân khúc nhà phố thì có cái nhìn khác. Người này cho hay, việc nhiều mặt bằng cho thuê TP.HCM khu vực trung tâm có giá cao, bắt ký hợp đồng thuê dài hạn trong giai đoạn khó khăn cũng khiến nhiều người e ngại.

"Hiện tại, nguồn cung mặt bằng cho thuê TP.HCM đang bị bỏ trống rất nhiều trong khi nhu cầu giảm mạnh, người đi thuê mặt bằng có nhiều chọn lựa nên muốn giảm giá, muốn thuê với giá thấp hơn nhiều so với trước dịch. Trong khi đó, chủ nhà sở hữu mặt bằng cho thuê không muốn giảm giá sâu vì về lâu dài, dễ thiết lập một mặt bằng giá mới gây bất lợi cho chủ nhà", anh Long nói.

Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp bất động sản thì đánh giá, về góc độ tài chính thì hiện nay đa phần mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm đều thuộc sở hữu của những người có năng lực tài chính tốt. Vì vậy, họ thà chấp nhận bỏ trống chứ không giảm giá cho thuê vì nếu giảm sâu sẽ ảnh hưởng mặt bằng chung và tương lai giá thuê sẽ khó tăng.

"Hơn nữa, các mặt bằng này đa số đều đang được thế chấp ở ngân hàng nên nếu giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều mặt như chuyện định giá tài sản và các vấn đề khác", vị này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem