Anh nông dân “đất thép” Củ Chi nuôi cá triệu đô xuất khẩu

Trần Đáng Thứ năm, ngày 05/10/2023 15:19 PM (GMT+7)
Trong làng nuôi cá cảnh ở TP.HCM, không ai không biết anh Lê Hữu Thiện (xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM), bởi anh không chỉ giỏi nuôi cá cảnh, mà còn là doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh chủ lực ở TP.
Bình luận 0

Hiện, trại nuôi cá cảnh của anh Thiện có hơn 100 loài cá cảnh khác nhau. Anh Thiện cho biết, bởi yêu thích những loài cá màu sắc, hình dáng lung linh, tuyệt đẹp, anh đã xuất ngoại học nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh. Cao điểm là các năm 2008-2010, nghe quốc gia nào nổi tiếng về sinh sản cá cảnh là anh tìm tới học nghề.

Anh nông dân “đất thép” Củ Chi nuôi cá triệu đô xuất khẩu - Ảnh 1.

Trong trại nuôi cá cảnh của anh Thiện. Ảnh: T.Đ

Tầm sư học nghề nuôi cá cảnh

"Phải trải nghiệm xem các nước có tiếng nuôi cá cảnh xuất khẩu đang làm gì, kinh doanh ra sao", anh Thiện chia sẻ.

Năm 2012, khi thấy đủ vốn kiến thức nuôi cá cảnh, anh Thiện mở cơ sở nuôi cá cảnh với 10 lao động. Đến năm 2013, anh Thiện thành lập Công ty Cổ phần sinh vật cảnh Thiên Đức, với hơn 20 lao động thường xuyên.

Theo anh Thiện, nghề nuôi cá cảnh, dù phát triển đến đâu vẫn là nghề nông, vẫn phải xắn tay làm việc chứ không thể "ngồi bàn giấy".

"Những lúc khó khăn tôi phải lao vào giải quyết với anh em trong trại", anh Thiện bộc bạch.

Hiện tại, trại nuôi cá cảnh này nổi tiếng với 3 loại cá cảnh là: Cá dĩa, cá neon vua và sóc đầu đỏ. Trong khi cá dĩa và neon vua đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM, thì cá cảnh sóc đầu đỏ đang đi tìm danh hiệu này.

Trong giới chơi thủy sinh, cá cảnh sóc đầu đỏ là một loại cá cảnh rất được ưa chuộng. Cá sóc đầu đỏ sống bầy đàn, tạo thành một quần thể rất đẹp cho hồ thủy sinh. Khi hồ có đèn, cá sẽ phát sáng nhiều màu sắc, tạo nên điểm nhấn cho hồ thủy sinh. Cá sóc đầu đỏ đang được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ.

Hiện nay, ở khu vực châu Á chỉ có một số đơn vị sinh sản thành công cá sóc đầu đỏ vì quy trình nhân giống rất khó. Nhờ vào sự nhạy bén và kiên trì, anh Thiện đã đầu tư hệ thống công nghệ và thành công nhân giống đại trà.

"Nông dân Việt Nam nuôi cá cảnh rất đẹp. Không có nông dân nước nào nuôi cá cảnh qua nông dân Việt Nam. Tôi rất tự hào khi nói điều này với nhiều người nước ngoài", anh Thiện thổ lộ.

Liên kết nuôi cá cảnh

Hiện, Công ty Cổ phần sinh vật cảnh Thiên Đức của anh Thiện đã xây dựng và phát triển thành hệ thống thương hiệu cá cảnh ở thị trường nhiều nước. Hàng năm, số lượng cá cảnh của trại bán ra thị trường lên tới gần 2 triệu con với hơn 50 loại cá cảnh.

Theo anh Thiện, việc nuôi cá cảnh xuất khẩu là công việc khó khăn. Khi xuất khẩu, sản phẩm cá cảnh phải đồng loạt, đồng đều chất lượng, kích cỡ.

Anh nông dân “đất thép” Củ Chi nuôi cá triệu đô xuất khẩu - Ảnh 3.

Anh Thiện giới thiệu với Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân về các loại cá cảnh đang được nuôi trong trại nuôi cá cảnh của mình. Ảnh: T.Đ

"Muốn xuất khẩu cá cảnh, thì từ khi có cá bột phải phân loại cho vào từng nhóm. Khi xuất khẩu cá mới đồng bộ", anh Thiện cho biết.

Hiện, trên tinh thần chia sẻ lợi nhuận với nông dân, trại cá cảnh của anh Thiện không còn cho sinh sản cá dĩa tại trại. Trại đã chuyển giao kỹ thuật sinh sản cá dĩa cho nông dân và bao tiêu đầu ra. Trại chỉ trực tiếp sinh sản các giống cá cảnh khó sinh sản hoặc phải kiểm soát chất lượng đầu ra của cá.

"Đối với ngành nuôi cá cảnh, nếu quy mô sản xuất hộ gia đình thì tương đối dễ. Nhưng nếu cần số lượng cá lớn sẽ rất khó vì rất khó kiểm soát chất lượng cá sinh sản", anh Thiện chia sẻ.

Hiện, nhiều nông dân ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây nuôi cá cảnh cho trại cá của anh Thiện.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, Hội đang vận động nông dân trên địa bàn mở rộng liên kết nuôi cá cảnh với trại nuôi cá cảnh của anh Thiện nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem